Ngày 24/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội góp ý vào dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản.
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Theo VCCI, Điều 104 Dự thảo quy định về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Cách thiết kế tạo cho quy định này không gian rất rộng để tiếp tục thực hiện theo hình thức “xin-cho”.
Cụ thể, Dự thảo quy định ngoài các trường hợp cụ thể được quy định tại Luật, khu vực không đấu giá còn có thể do Chính phủ quy định (điểm e) hoặc do Thủ tướng quyết định (điểm d). Quy định này tạo không gian rất rộng cho tình trạng xin cho khi tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng, tương tự như cách thiết kế của Luật Khoáng sản 2010. Thực tế, theo báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, chiếm tỷ lệ 1.4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394 trên tổng số 4279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9.2%. Tỷ lệ rất thấp cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin-cho”.
Dự thảo quy định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu khoáng sản đã được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Quy định này có nội hàm rất lớn, bao trùm nhiều loại khoáng sản quan trọng, đặc biệt là nhóm khoáng sản kim loại như quặng bauxite, quặng titan, quặng sắt… Đây đều là những loại khoáng sản còn nhiều tiềm năng khai thác, có giá trị thương mại lớn. Khi đó, các mỏ này đều có thể chuyển thành cơ chế không đấu giá, tiếp tục thực hiện cơ chế xin cho.
Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ TNMT cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu cân nhắc quy định theo hướng tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá (hoặc đấu thầu). Việc loại trừ các khu vực khoáng sản không đấu giá có thể được thay thế bằng việc thêm các điều kiện để được tham gia đấu giá, ví dụ như các khu vực khoáng sản tại biên giới, ven biển, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thì hạn chế nhà đầu tư nước ngoài hoặc thêm thủ tục thẩm tra điều kiện về an ninh đối với nhà đầu tư trước khi đấu giá.
Tài chính về khoáng sản
Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiệm vụ phải thu hút được các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lĩnh vực khoáng sản của Việt Nam đã không thu hút được các dự án đầu tư lớn, bài bản nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do pháp luật Việt Nam chưa có được cơ chế bảo hộ thích đáng đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án khoáng sản quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân lớn nhất hạn chế đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản là rủi ro chính sách. Sự thay đổi chính sách thường xuyên, liên tục theo chiều hướng bất lợi đối với các dự án khoáng sản đã đi vào hoạt động đã tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách đã tăng gấp gần ba lần so với các quy định vào thời điểm cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, như tăng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuế xuất khẩu khoáng sản.
Khoáng sản là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nên cần có môi trường kinh doanh ổn định mới có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, hiện đại, có khả năng thu hồi triệt để khoáng sản. Nếu các rủi ro chính sách này không được loại bỏ thì sẽ chỉ khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cố gắng khai thác những phần quặng giàu, gần mặt đất và bỏ lại tài nguyên khó khai thác hơn.
Kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực đầu tư khác cho thấy, muốn thu hút đầu tư lớn thì cần giảm rủi ro chính sách cho các dự án này. Việt Nam đang thu hút thành công các dự án đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác như chế tạo, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng nhờ sự ổn định chính sách. Các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng các sắc thuế như thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân hay kể cả thuế nhập khẩu sẽ không có sự thay đổi lớn và đột ngột trong một khoảng thời gian dài. Sự ổn định này đã không có trong lĩnh vực khoáng sản trong thời gian qua, và cũng chưa được quy định trong Dự thảo.
Vấn đề bảo hộ đầu tư các dự án lớn luôn cần sự cân bằng giữa hai yếu tố. Một bên là sự ổn định của pháp luật (đặc biệt là các nghĩa vụ tài chính với ngân sách) nhằm tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư thì họ mới bỏ vốn làm ăn. Bên kia là tự chủ của Nhà nước trong việc ban hành các quy định pháp luật vì lợi ích công cộng. Nếu không có các biện pháp bảo đảm đầu tư mạnh mẽ hơn thì chắc chắn mục tiêu thu hút đầu tư dự án lớn, kéo dài, công nghệ hiện đại sẽ không đạt được.
Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế bảo đảm đầu tư đối với các dự án khoáng sản lớn, cụ thể như sau: Nhà nước đảm bảo ổn định môi trường đầu tư về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách; trong trường hợp có sự thay đổi pháp luật về nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách thì nhà đầu tư không bị áp dụng mới các thay đổi bất lợi trong toàn bộ hoặc 50% thời gian đầu của dự án.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có khai thác khoáng sản
Luật Khoáng sản hiện mới chỉ quy định cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tách bạch với việc đầu tư dự án khai thác và có thể đi kèm chế biến khoáng sản. Như vậy, việc gắn kết khai thác và chế biến khoáng sản rất lỏng lẻo, không có cơ chế phù hợp. Thậm chí, Dự thảo còn định đưa trường hợp mỏ khoáng sản đã được quy hoạch phục vụ nhà máy chế biến thì không đấu giá. Cơ chế như vậy vừa làm giảm tính cạnh tranh của việc cấp phép khai thác khoáng sản, vừa không bảo đảm khoáng sản sẽ được chế biến một cách hiệu quả.
Đối với trường hợp này, đề nghị cơ quan soạn thảo tham khảo cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất tại Điều 126 của Luật Đất đai. Theo Luật Đất đai, việc giao đất, cho thuê đất sẽ được thực hiện theo hai cơ chế (1) đấu giá quyền sử dụng đất và (2) đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong trường hợp đấu giá, người trúng đấu giá có thể sử dụng đất để phát triển bất kỳ dự án nào họ muốn, miễn là tuân thủ các quy định khác của pháp luật. Trong trường hợp đấu thầu, nhà đầu tư được cấp đất buộc phải thực hiện dự án đầu tư đã được Nhà nước xác định trước khi đấu thầu.
Đối với khoáng sản, cần cân nhắc quy định tương tự. Theo đó, Nhà nước sẽ xác định mỗi mỏ khoáng sản có thể được đưa ra đấu giá hoặc đưa ra đấu thầu. Trong trường hợp đấu giá, nhà đầu tư khai thác khoáng sản có quyền tự mình chế biến hoặc bán cho bên khác. Trong trường hợp đấu thầu, nhà đầu tư buộc phải thực hiện toàn bộ dự án khai thác và chế biến khoáng sản. Việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ do Nhà nước chuẩn bị trước khi tiến hành đấu thầu. Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi tiếp cận quyền khai thác khoáng sản mà lại giúp gắn chặt hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.
Có ý kiến cho rằng Nhà nước khó có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để lập dự án nghiên cứu tiền khả thi dự án khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này không quá khó khăn. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (hay chủ trương đầu tư) chỉ bao gồm một số thông tin rất sơ khai về dự án như loại dự án, địa điểm, quy mô. Trên thực tế, UBND cấp tỉnh vẫn thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (chủ trương đầu tư) đối với rất nhiều dự án có sử dụng đất trên địa bàn. Do đó, đây không phải là khó khăn lớn đối với cơ chế đấu thầu.
T.M