Theo VCCI, Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu đặt ra các giới hạn với các hoạt động quảng cáo. Các giới hạn này được cho là nhằm kiểm soát các nguy cơ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mỹ quan đô thị. Trải qua 12 năm triển khai, nhiều quy định chưa hợp lý, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp quảng cáo và doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Quy hoạch quảng cáo ngoài trời
Luật Quảng cáo 2012 quy định quy hoạch quảng cáo ngoài trời, theo đó, các loại hình màn hình quảng cáo chuyên ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương. Các quy hoạch quảng cáo ngoài trời hiện nay xác định cụ thể vị trí, địa điểm và cách thức thể hiện (kiểu dáng, chất liệu, số lượng).
Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thực hiện quy hoạch ngoài trời hiện nay gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp vì:
Một là, quy hoạch quảng cáo ngoài trời không sát thực tế, luôn có nguy cơ lỗi thời. Trong nền kinh tế thị trường, việc xác định một vị trí có tiềm năng thương mại hay không thuộc về doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp mới có khả năng nhìn ra các vị trí mang lại lợi nhuận cho họ. Còn các cán bộ nhà nước làm công tác quản lý, khó có thể xác định vị trí nào phù hợp. Do vậy, quy hoạch quảng cáo luôn có khả năng không xác định đúng các vị trí phù hợp, dẫn đến tình trạng vị trí được quy hoạch thì doanh nghiệp không cần, còn vị trí vàng lại không có trong quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực kinh tế.
Hơn nữa, quy hoạch quảng cáo rất dễ bị lỗi thời do nhiều vị trí được quy hoạch nhưng đã bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi các công trình giao thông, xây dựng hoặc quy hoạch ngành khác nên không triển khai bảng quảng cáo trên các vị trí đã được quy hoạch
Hai là, quy hoạch quảng cáo là không cần thiết. Luật Quảng cáo 2012 quy định các công cụ quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời như sau: (1) Quy hoạch quảng cáo ngoài trời; (2) Giấy phép xây dựng; (3) Thông báo sản phẩm quảng cáo. Trong đó, công cụ 2 quản lý về mặt vật lý – chất lượng của công trình xây dựng, và công cụ 3 quản lý về mặt nội dung – nội dung của sản phẩm quảng cáo. Công cụ 2 và 3 đã tương đối toàn diện để quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Có thể suy đoán rằng, quy hoạch nhằm quản lý về mặt cảnh quan, mỹ quan đô thị, tránh tình trạng quá nhiều bảng quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị. Tuy vậy, hiện nay, Luật Kiến trúc 2019 đã quy định về hoạt động quản lý cảnh quan thông qua quy chế quản lý kiến trúc, trong đó có thể bao gồm cả hoạt động treo biển quảng cáo.
Ba là, quy hoạch quảng cáo ngoài trời gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Do quy hoạch không phù hợp với thực tế, các doanh nghiệp phải xin bổ sung vào quy hoạch mới có thể triển khai thi công bảng quảng cáo. Việc xin bổ sung quy hoạch mất rất nhiều thời gian, đặc biệt khi so sánh tương quan với một công trình nhỏ như vậy.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Thẩm định sản phẩm quảng cáo
Luật Quảng cáo 2012 đã quy định về hoạt động thẩm định quảng cáo, theo đó đây là hoạt động xem xét tính phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định pháp luật. Thẩm quyền thực hiện thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hiện nay, số lượng sản phẩm quảng cáo hàng năm là cực kỳ lớn. Đi theo đó là nhu cầu được thẩm định các sản phẩm quảng cáo cũng tăng cao. Theo phản ánh của doanh nghiệp, Hội đồng thẩm định của Bộ, với nhân lực mỏng, hiện khó có thể thẩm định hết các sản phẩm quảng cáo được yêu cầu, thậm chí trong nhiều trường hợp chỉ thực hiện với những trường hợp thật sự nhạy cảm. Điều này đã để lại một “khoảng trống nhu cầu” thẩm định của các doanh nghiệp.
Thực ra, đây không chỉ là vấn đề riêng của ngành quảng cáo, mà cũng diễn ra ở một số ngành văn hóa khác, chẳng hạn như lĩnh vực điện ảnh. Theo kinh nghiệm từ lĩnh vực này, Điều 21 Luật Điện ảnh đã đưa ra giải pháp xử lý theo hướng cho phép doanh nghiệp được tự thực hiện phân loại phim khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Quy định này, một mặt, vừa giảm tải gánh nặng thẩm định phim cho cơ quan nhà nước (đặc biệt trước số lượng khổng lồ phim được phân phối trên nền tảng internet), vừa tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm quảng cáo.
Theo đó, giao cho Hiệp hội Quảng cáo hoặc các Hiệp hội ngành nghề tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo. Hội đồng thẩm định của hiệp hội phải đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật.
Kết luận thẩm định của Hội đồng thẩm định của Hiệp hội có giá trị sử dụng toàn quốc.
Các chủ thể khác có quyền yêu cầu thẩm định lại trong trường hợp cho rằng sản phẩm quảng cáo có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thẩm định lại sản phẩm quảng cáo. Kết luận thẩm định của Bộ là kết luận cuối cùng và có giá trị sử dụng trên toàn quốc.
Mối quan hệ giữa Luật Quảng cáo và Quy chế quản lý quảng cáo ngoài trời
Hiện nay, bên cạnh Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, các địa phương cũng ban hành các Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều nội dung trong các Quy chế này mang tính quy phạm (bắt buộc áp dụng), đưa ra các hạn chế hoặc cấm hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp, trong khi Luật Quảng cáo 2012 không có giới hạn như vậy.
Chẳng hạn, giới hạn số lượng biển hiệu được đặt: Luật Quảng cáo không giới hạn số lượng biển quảng cáo được đặt, nhưng một số Quy chế như của tỉnh Hoà Bình (Quyết định 11/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình, sửa đổi bởi Quyết định 37/2019/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời), thành phố Hà Nội (Quyết định 24/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời)… lại giới hạn chỉ 1 biển hiệu.
Quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bằng băng rôn: Luật Quảng cáo cho phép quảng cáo trên băng rôn nhưng Quy chế của thành phố Hà Nội chỉ quy định cho phép băng rôn quảng cáo cho một số mục đích nhất định. Thực tế, các doanh nghiệp phản ánh rằng địa phương không tiếp nhận hồ sơ thông báo quảng cáo sản phẩm, dịch vụ hoặc chương trình khuyến mại bằng băng rôn.
Các nội dung này trong Quy chế là không phù hợp với Luật Quảng cáo 2012, vi phạm quy định cấm vì ban hành văn bản trái văn bản pháp luật cấp trên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Về bản chất, Luật Quảng cáo là văn bản đặt ra các hạn chế với hoạt động quảng cáo, nên việc đưa ra một tầng hạn chế ở cấp địa phương là không cần thiết. Việc này cũng tạo ra sự không thống nhất, phân mảnh trong thực thi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi thực hiện quảng cáo toàn quốc.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định giới hạn các nội dung trong Quy chế quản lý văn hoá của địa phương.
Quảng cáo bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu
Thứ nhất, quảng cáo bằng bảng quảng cáo trong nhà.
Điều 29 Luật Quảng cáo 2012 quy định sản phẩm quảng cáo trên biển quảng cáo phải thực hiện thông báo. Theo phản ánh của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương không chấp nhận hồ sơ thông báo với biển quảng cáo trong nhà, với quan điểm rằng địa phương không quản lý những nội dung quảng cáo trong nhà dân. Hơn nữa, các biển quảng cáo trong nhà cũng không có mức độ tác động lớn như các biển quảng cáo ngoài trời do chỉ tiếp xúc với một lượng người nhất định.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng áp dụng với biển quảng cáo ngoài trời và khu vực công cộng (tức không áp dụng với quảng cáo trong nhà).
Thứ hai, quảng cáo tại nơi kinh doanh.
Điều 27.2 Luật Quảng cáo 2012 quy định các sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, bảng quảng cáo phải ghi rõ tên, địa chỉ người thực hiện. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không hợp lý trong trường hợp người thực hiện chính là người quảng cáo, và nơi treo băng-rôn chính tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của người quảng cáo. Lý do là vì doanh nghiệp quảng cáo cho chính mình, và thực hiện tại chính nơi kinh doanh. Khi đó, việc yêu cầu gắn thông tin (tên, địa chỉ) là không cần thiết, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc thiết kế băng rôn, bảng quảng cáo. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định loại trừ theo hướng doanh nghiệp không phải ghi tên, địa chỉ người thực hiện trong trường hợp bảng quảng cáo, băng-rôn được treo tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của người quảng cáo.
Tương tự, quy định về thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo tại Điều 27.4 Luật Quảng cáo 2012 không phù hợp với các băng-rôn, biển quảng cáo treo tại nơi kinh doanh của doanh nghiệp. Nơi kinh doanh là địa điểm doanh nghiệp thường xuyên thực hiện hoạt động kinh doanh, cũng là nơi thường xuyên và dễ dàng thực hiện quảng cáo của doanh nghiệp. Đây là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, và không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Việc này cũng không gây mất mỹ quan đô thị do việc quảng cáo được thực hiện ngay trước nơi kinh doanh – “bộ mặt” của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp sẽ tự có trách nhiệm dọn dẹp khi cần thiết để bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định loại trừ theo hướng không giới hạn thời hạn treo với băng-rôn, biển quảng cáo treo tại nơi kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo.
Điều 1.15 Dự thảo (sửa đổi Điều 27.4 Luật Quảng cáo 2012) giao quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo trên địa bàn. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp vì các lý do sau:
Quy định như Dự thảo dẫn đến tình trạng mỗi địa phương ban hành một thời hạn khác nhau. Việc này gây khó khăn trong doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động quảng cáo trên nhiều tỉnh, thành hoặc toàn quốc. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều công sức kiểm soát từng khoảng thời gian rất khác nhau ở các tỉnh, thành khác nhau, đồng thời làm nhiều thủ tục tại nhiều thời điểm khác nhau, từ đó tăng khối lượng công việc không cần thiết cho doanh nghiệp.
Quy định giới hạn thời hạn treo bảng quảng cáo là không hợp lý. Bảng quảng cáo thường cố định và có thời gian sử dụng dài hơn băng rôn nhiều, có thể tới vài năm. Trong trường hợp bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng thì vị trí đó còn được cấp phép chuyên dùng để quảng cáo. Quy định này sẽ gây tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian không cần thiết của doanh nghiệp, khi bảng quảng cáo còn mới nhưng phải dỡ xuống, và thực hiện lại thủ tục thông báo.
Quy định giới hạn thời hạn cố định với băng rôn (15 ngày như hiện hành hoặc theo quy định từng địa phương như Dự thảo). Có thể suy đoán rằng quy định thời hạn với mục đích là đảm bảo mỹ quan đô thị khi doanh nghiệp phải có trách nhiệm dọn dẹp gọn gàng sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp. Các chương trình xúc tiến thương mại có thời hạn khác nhau, tuỳ nhu cầu và mục đích chiến lược tiếp thị. Quy định một thời hạn cố định (với mọi băng-rôn quảng cáo) là không hợp lý, khó khăn cho hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp, đồng thời gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp phải thực hiện lại thủ tục thông báo sau mỗi 15 ngày.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành treo băng rôn, bảng quảng cáo. Bỏ quy định giới hạn thời gian treo với bảng quảng cáo.
Sửa đổi quy định về thời hạn treo băng rôn theo hướng mở, căn cứ vào chương trình xúc tiến thương mại của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp cung cấp thông tin về thời gian tiến hành hoạt động quảng cáo trong thông báo sản phẩm quảng cáo (Điều 29 Luật Quảng cáo); Doanh nghiệp có trách nhiệm gỡ bỏ băng rôn, gỡ, xoá nội dung quảng cáo trên biển quảng cáo trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc chương trình quảng cáo đã nêu.
Bổ sung quy định không áp dụng thời hạn treo với trường hợp băng rôn, bảng quảng cáo, biển hiệu tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của người quảng cáo.
Thứ tư, quảng cáo bằng biển hiệu.
Điều 34.4 Luật Quảng cáo 2012 quy định về kích thước biển hiệu. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này không thể phù hợp cho mọi trường hợp, chẳng hạn vùng đô thị khác ngoại ô, vùng trung tâm khác vùng sâu vùng xa. Kích thước bảng hiệu nên tuỳ thuộc vào điều kiện mật độ dân cư và toà nhà tại vị trí đặt bảng quảng cáo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng không quy định cứng trong Luật, mà cho phép quy định trong văn bản cấp thấp hơn (như quy chuẩn kỹ thuật phương tiện quảng cáo ngoài trời) hoặc cho phép UBND tỉnh quy định.
Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, Luật Quảng cáo 2012 chưa có định nghĩa về biển hiệu và biển quảng cáo. Điều này dẫn đến tình huống một số địa phương coi biển hiệu là biển quảng cáo và quản lý như biển quảng cáo (phải thông báo và bị giới hạn về thời gian treo). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung định nghĩa phân biệt hai loại hình này.
Quảng cáo trên phương tiện giao thông
Điều 32.2 Luật Quảng cáo 2012 giới hạn diện tích quảng cáo mỗi mặt của phương tiện giao thông dưới 50%. Quy định này được suy đoán là nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tầm nhìn của người ngồi trong xe. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp vì hiện nay, biển quảng cáo gắn trên phương tiện giao thông không làm che chắn tầm nhìn của người ngồi trong xe, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng mở rộng tỷ lệ này.
Quảng cáo trên cột, trụ điện, cột tín hiệu giao thông
Điều 8 Luật Quảng cáo cấm hoạt động quảng cáo trên cột, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh công cộng. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp do hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã cho phép thực hiện quảng cáo trên các cột, trụ và cây xanh này (với các quy định cụ thể để đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cấm các hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột, trụ điện, tín hiệu giao thông và cây xanh công cộng trái với quy chế quảng cáo của địa phương.
Hành vi quảng cáo bị cấm
Điều 8.10 Luật Quảng cáo 2012 quy định hành vi bị cấm là quảng cáo bằng phương pháp so sánh trực tiếp sản phẩm, dịch vụ của mình với của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, quy định không thống nhất với pháp luật cạnh tranh. Theo Điều 45.5.b Luật Cạnh tranh, hành vi so sánh sản phẩm, dịch vụ chỉ bị cấm khi không chứng minh được nội dung. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp vẫn được thực hiện hành vi này, miễn là tuân thủ quy định pháp luật. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này cho thống nhất với Luật Cạnh tranh 2018.
Điều 1.20 Dự thảo (sửa đổi Điều 36.1.c Luật Quảng cáo 2012) quy định thêm một số tài liệu, giấy tờ vào hồ sơ thông báo đoàn người quảng cáo. Các quy định này còn chưa rõ ràng. Cụ thể: bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức hoạt động quảng cáo là văn bản gì? makét quảng cáo trong trường hợp này cụ thể là gì? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các nội dung này.
Thông báo nội dung quảng cáo với màn hình chuyên quảng cáo
Điều 1.16.b Dự thảo (sửa đổi Điều 28.2a Luật Quảng cáo 2012) bổ sung thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo. Quy định này cần được xem xét ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, quy định này chưa thực sự cần thiết vì pháp luật quảng cáo đã có đủ các cơ chế kiểm soát: Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể trách nhiệm kiểm soát và chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của các chủ thể, bao gồm doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp phát hành quảng cáo. Trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa đặc biệt (như thuốc), pháp luật cũng có cơ chế riêng kiểm soát các quảng cáo này.
Loại hình này có nguy cơ thấp hơn các loại hình quảng cáo khác: Các màn hình chuyên quảng cáo có thông tin doanh nghiệp vận hành rõ ràng, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo; Các màn hình quảng cáo không kết nối internet nên gần như không có nguy cơ bị tấn công; Loại hình quảng cáo này thực hiện công khai diện rộng, do đó, có thể dễ dàng kiểm soát, xử lý nếu cần thiết, mà không cần phải thực hiện tiền kiểm.
Thực tế, loại hình này đã phát triển nhiều trong những năm qua, và theo phản ánh của doanh nghiệp, chưa có vấn đề phức tạp gì xảy ra.
Thứ hai, quy định này chưa phù hợp. Màn hình chuyên quảng cáo có tính chất đặc thù khi chủ yếu quảng cáo sự kiện, mang tính thời vụ và ngắn ngày, có tính linh hoạt cao. Nếu phải thực hiện thủ tục thông báo như Dự thảo sẽ làm mất đi tính chủ động, linh hoạt của loại hình quảng cáo này, không phù hợp với sự phát triển của công nghệ và ngành quảng cáo.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Góp ý tương tự, đề nghị bỏ quy định thông báo sản phẩm quảng cáo với các bảng pano quảng cáo ngoài trời.
Quảng cáo sản phẩm, hàng hoá đặc biệt
Điều 1.9 Dự thảo (bổ sung Điều 19a vào Luật Quảng cáo 2012) quy định về các quy định nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung sau: Nội dung quảng cáo mỹ phẩm (Điều 19a.1.a, c Dự thảo): bổ sung quy định cho phép không cần nêu “tính năng, công dụng của sản phẩm” nếu tên mỹ phẩm đã thể hiện nội dung này; Bỏ quy định yêu cầu hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đặc biệt phải có giấy chứng nhận được phép lưu hành tại Việt Nam (Điều 20.3a Dự thảo): hàng hoá đặc biệt đã được quản lý theo pháp luật chuyên ngành, có thể bằng giấy chứng nhận lưu hành hoặc các loại giấy phép khác (giấy tiếp nhận đăng ký, giấy xác nhận công bố, bản tự công bố…). Do vậy, quy định tại Dự thảo là không phù hợp, tăng thêm một loại giấy tờ (mà không tồn tại theo pháp luật chuyên ngành). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Việc quản lý hoạt động quảng cáo với hàng hoá, dịch vụ đặc biệt sẽ được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
T.M