Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tỷ lệ doanh nghiệp có thể vay vốn được từ hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm
Theo VCCI, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có tác dụng rất tốt trong việc giúp lành mạnh hoá thị trường ngân hàng, giảm sở hữu chéo, xung đột lợi ích, minh bạch thông tin thị trường và giúp an toàn hệ thống. Tất cả những việc này là nhằm giúp cho hệ thống ngân hàng có thể cung cấp vốn tốt hơn cho nền kinh tế.
Theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp doanh nghiệp có thể vay vốn được từ hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm trong thời gian qua. Nếu như năm 2017 có 49,37% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp cận được vốn từ các TCTD thì con số này giảm qua các năm và chỉ còn 35,41% trong năm 2021. Điều đó cho thấy việc các chính sách của Luật Tổ chức tín dụng cần được xây dựng theo hướng thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, nội dung của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và các tài liệu thuyết minh chưa thể hiện được định hướng này. Trong các phần xác định vấn đề bất cập, bối cảnh và mục tiêu xây dựng chính sách chưa đề cập đến vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
"Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về thực trạng, quan điểm và mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật", VCCI ý kiến.
Việc dừng giao dịch trực tuyến tiềm ẩn một số rủi ro
Khoản 5 Điều 10 của Dự thảo quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi TCTD dừng giao dịch. Tuy nhiên, dường như quy định này mới chỉ áp dụng cho hình thức giao dịch trực tiếp. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều đã có hình thức giao dịch trực tiếp qua website hoặc các ứng dụng điện thoại.
Việc dừng giao dịch trực tuyến tiềm ẩn một số rủi ro. Trong trường hợp ngân hàng dừng giao dịch trực tuyến kèm với một số tin tức tiêu cực về ngân hàng đó có thể dẫn đến việc người dân lo lắng và rút tiền hàng loạt như đã từng diễn ra với trường hợp của ngân hàng SCB cuối năm 2022. Do đó, quy định về dừng giao dịch trực tuyến cần được nghiên cứu và thiết kế một cách thận trọng.
Có thể cân nhắc một số quy định như trong trường hợp ngân hàng dừng giao dịch trực tuyến vì các lý do kỹ thuật (như để bảo trì máy móc) thì các ngân hàng chủ động.
Trong trường hợp ngân hàng chủ động dừng giao dịch trực tuyến nhằm chặn người dân rút tiền hàng loạt thì cần có hướng xử lý kỹ hơn, ví dụ như quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục, nghĩa vụ báo cáo đối với trường hợp này.
Đề nghị bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng
Chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng là một trong những chính sách có ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát của VCCI, cơ sở pháp lý của chính sách này rất mỏng. Điểm e khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định “Tuỳ theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng: e) Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Quy định này không rõ rằng biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng này sẽ được áp dụng rộng rãi, đại trà cho tất cả các tổ chức tín dụng hàng năm hay chỉ áp dụng cho một số tổ chức tín dụng mà qua thanh tra, giám sát phát hiện có rủi ro cao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài quy định trên, qua rà soát của VCCI, hiện không có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Điều này dẫn đến sự không rõ ràng, thậm chí có nguy cơ tùy nghi trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào dự thảo luật này và trình Quốc hội quyết định.
Ưu tiên thanh toán án phí
Chính sách 8 trong Dự thảo đề nghị bổ sung án phí vào diện nghĩa vụ không có bảo đảm trong thứ tự ưu tiên thanh toán. Theo đó, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán cho chủ nợ trước khi thanh toán án phí.
Thông thường, án phí và các chi phí khác để giúp xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu cần được ưu tiên thanh toán trước. Điều này sẽ giúp các bên liên quan có động lực để cùng giúp xử lý nợ xấu. Nếu không ưu tiên thanh toán án phí có thể dẫn đến hệ quả là giảm động lực của toà án trong việc giải quyết tranh chấp, xử lý nợ.
"Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại đề xuất chính sách này", VCCI góp ý.
Tuệ Minh