Ngày 21/7, phản hồi đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo); đồng thời, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số ý kiến ban đầu.
Theo VCCI, Dự thảo bổ sung quy định cấm các tổ chức tín dụng cho vay để khách hàng góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh (kể cả trường hợp vốn góp hình thành và không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp) hoặc để nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác.
Bản thuyết minh của cơ quan soạn thảo nêu lý do chính là bởi khoản tiền này sẽ được chuyển cho bên nhận vốn góp, nguồn trả nợ phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh năng lực tài chính của bên nhận vốn góp mà các tổ chức tín dụng (TCTD) khó có thể kiểm tra, giám sát. Các doanh nghiệp và các TCTD cho rằng lý do này không đủ để cấm hoàn toàn tất cả hoạt động cho vay để góp vốn, hợp tác đầu tư kinh doanh, nhận chuyển nhượng phần vốn góp.
VCCI cho rằng, quy định này không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn, nhóm công ty mẹ – con. Thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, các tập đoàn hoặc nhóm công ty thường không trực tiếp vận hành dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó. Đây là phương thức thực hiện dự án quen thuộc và hiệu quả, giúp giảm rủi ro cho công ty mẹ và có tính thanh khoản cao hơn khi tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, công ty con rất khó vay vốn do đây là doanh nghiệp mới thành lập. Công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn để cấp cho công ty con.
"Quy định của Dự thảo như vậy vô hình chung sẽ cản trở mô hình quản trị hiện đại này, khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, không phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 10-NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân", VCCI nhận định.
Cũng theo VCCI, đúng là trong một số trường hợp, việc kiểm tra, giám sát các khoản vay để góp vốn, mua cổ phần khó khăn hơn các khoản vay khác. Tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp có thể thực hiện nhằm khắc phục vấn đề này. Các TCTD và khách hàng hoàn toàn có thể chủ động thoả thuận về hình thức kiểm tra, giám sát cho phù hợp, ví dụ khách hàng và công ty con phải cung cấp thông tin cho TCTD về tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính để trả nợ…
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc loại bỏ hoặc điều chỉnh quy định cấm cho vay để góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh, nhận chuyển nhượng phần vốn góp.
Ngoài quy định cấm cho vay để góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề xuất thêm nhiều trường hợp ngân hàng không cho vay tiền.
Cụ thể, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn sau:
Thứ nhất, để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư. So với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định cụ thể ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.
Thứ hai, để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm. So với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định thêm trường hợp thanh toán chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.
Thứ ba, để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.
Thứ tư, để mua vàng miếng.
Thứ năm, để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay mà TCTD và khách hàng đã xác định ngay từ ban đầu khi ký thỏa thuận cho vay phù hợp với quy định pháp luật liên quan. So với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định thay đổi trường hợp loại trừ từ “lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình” thành “lãi tiền vay mà TCTD và khách hàng đã xác định ngay từ ban đầu khi ký thỏa thuận”.
Thứ sáu, để trả nợ khoản cấp tín dụng tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; Tại thời điểm xem xét cho vay, khoản vay được phân loại nợ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 theo kết quả gần nhất về phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam cung cấp. So với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định thêm trường hợp không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm; bỏ điều kiện khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và điều kiện khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thứ bảy, để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba. Đây là điểm mới so với Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Tuệ Minh