Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh

Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh

Thứ 4, 05/06/2013 19:31

Nằm giữa quốc lộ chằng chịt người xe qua lại, dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hè, thế nhưng vẫn có không ít chị em phụ nữ không quản nắng mưa, mệt nhọc "chạy" theo cái nghề kỳ lạ có một không hai này.

Lạ là thế nhưng rất nhiều năm nay, nghề bồng heo thuê đã giúp cải thiện cuộc sống của rất nhiều người đang mưu sinh ở chợ heo Bà Rén.

Nghề "độc nhất vô nhị"

Chúng tôi tìm về với chợ Bà Rén thuộc xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) trong những ngày nắng nóng cao độ. Thế nhưng cái vẻ nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua đã có từ lúc mặt trời chưa ló dạng. Nhiều chiếc rọ chứa đầy heo đã quy tụ đông nghịt, dàn trải từ chân cầu Bà Rén cho đến tấp nập trong khu chợ trung tâm.

Được biết đây là khu chợ heo lớn và nổi tiếng nhất miền Trung từ những năm 1970 nên đã từ rất lâu, người dân ở đây truyền miệng nhau bài ca vui về khu chợ này: "Ai về Bà Rén ghé chợ heo/Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/Heo ré, người xung vung bao chuyện/Trưa tan buổi chợ đã lèo nhèo".

Miền trung - Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh

"Bồng" những con heo từ 20kg trở lên là cách để các chị mưu sinh.

Theo các chị ở đây cho biết, thì chợ heo Bà Rén đã có từ khoảng năm 1970, nhưng nghề này chỉ xuất hiện cách đây khoảng mười năm trở lại. Từ đó, theo đúng tính chất công việc, mọi người gọi luôn nó là nghề "bồng heo thuê". Do nhu cầu cân heo giống để bán cho khách hàng, chủ heo cần phải chuyển heo từ rọ này sang rọ khác, có khi còn bồng heo lên để người mua ngắm nghía, kiểm tra xem vừa ý chưa rồi mới mang về nên dần dần hình thành nên một đội ngũ chuyên "bồng heo". Dường như không một chút giấu giếm mà những người làm nghề này ở đây còn làm tăng thêm độ hoành tráng cho công việc của mình với cái tên khá hóm hỉnh là nghề "ôm Trư Bát Giới".

Không khó để chúng tôi tìm thấy điểm hoạt động của chị em phụ nữ làm trong nghề này, bởi từ lúc 5h sáng thì đã có rất nhiều chị đến chực sẵn, làm vệ sinh, chuẩn bị rơm rạ để chờ đón các đoàn heo tới. Chợ ngày họp một lần nhưng  heo vẫn bán rất "chạy" và luôn được mọi người tin cậy bởi đây là chợ đầu mối cung cấp heo giống lâu đời và lớn nhất miền Trung. Đa phần đội ngũ "bồng heo" này đã nằm trong độ tuổi tứ tuần, có người xấp xỉ 50 tuổi, thế nhưng với những thân hình nhỏ thó của mình, các chị vẫn ra sức ôm những con heo giống có khi đến tận 40kg. Công việc khá nặng như vậy, lại phải chịu dơ bẩn (vì ôm cả heo lên người) nhưng mỗi lần chuyển giao heo như vậy, thù lao nhận được chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/con.

Chị Đoàn Thị Xuân (ngụ xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) cho biết: "Công việc nhìn đơn giản vậy chứ cũng lắm thăng trầm mấy chú ơi, nhiều khi lỡ tay heo tuột khỏi người thì khách người ta không ưng ý, mình sẽ mất hết mối. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ làm thì mỗi người cũng kiếm được khoảng 20.000 - 40.000 đồng". Tại đây, chúng tôi làm quen được với chị Lê Thị Lâm (36 tuổi, trú thôn 2, xã Quế Xuân). Chị Lâm cho biết, trước đây để cân trọng lượng heo thì một người phụ nữ ôm heo vào người rồi đứng lên cân. Sau đó lấy tổng trọng lượng trừ đi trọng lượng cơ thể của người đó, còn lại là cân nặng của con heo. Nhưng vì tính khách quan nên hình thức này không phổ biến nữa.

Theo chị Lâm, làm cái nghề này tuy vất vả, giá mỗi con chỉ có 1.000 đồng nhưng ít ra còn có đồng vào đồng ra, vẫn tốt hơn là ở nhà không làm gì cả. Đang trò chuyện với chúng tôi, thoáng thấy mối quen, chị Lâm vội vã xoắn áo, đội nón lên đầu chạy tới chỗ rọ heo của thương lái rồi nhanh gọn "bồng" xốc từng chú heo đến giao cho khách một cách rất dễ dàng. Đến nay chị Lâm cũng đã ngót nghét trong nghề gần 10 năm trời. Chị Nguyễn Thị Bé (40 tuổi, ngụ huyện Quế Sơn) cho biết: "Heo nặng hay nhẹ không làm chị em chúng tôi thấy khó mà điều khổ nhất là mùi hôi. Trời nắng mồ hôi của mình cộng với mùi khét cơ thể nó cứ xộc lên mũi đến mức phải nín thở. Mấy hôm trời mưa thì phân heo nhễ nhại, bôi trét khắp người, con heo trên tay cứ la eng éc, giãy dụa như sắp rơi xuống đất. Làm cái nghề này ngó đơn giản vậy chứ vất vả lắm!".

Miền trung - Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh (Hình 2).

Chợ heo Bà Rén tấp nập từ 6-10h sáng.

Bồng heo, bồng cả cuộc đời

Chợ Bà Rén hiện nay có khoảng chục chị em bám níu cái nghề nặng nhọc, vất vả và hiểm nguy này. So với khoảng thời gian trước đây thì số lượng có giảm sút nhưng những người còn lại đều có thâm niên trong nghề trên dưới 5 năm. Họ là những người phụ nữ nghèo của địa phương hoặc đến từ các vùng lân cận. Nhiều nhất phải kể là huyện Quế Sơn, tiếp đó là huyện Thăng Bình, huyện Duy Xuyên. Cuộc sống đa phần rất khó khăn, họ phải làm đủ mọi công việc để có thể nuôi sống gia đình mình.

Chị Nguyễn Thị Phi (ngụ thôn 2, xã Quế Xuân) chia sẻ: "Làm người ai không muốn mình sung sướng, thơm tho, hãnh mặt với đời. Nhưng hoàn cảnh đẩy đưa, khó khăn quá nên phải làm nghề này thôi". Ngày nào cũng vậy, 5h sáng chị đã có mặt ở đây để chuẩn bị cho đoàn heo đầu tiên. Sau khi xong việc ở đây, chị Phi lại tất bật trở về với việc đồng áng, chăm lo ruộng vườn để trang trải chi phí trong gia đình. Gia cảnh đã khó khăn trăm bề, chồng chị lại không may mắc phải căn bệnh thần kinh quái ác, mất khả năng lao động nhiều năm nay. Từ đó chị trở thành lao động chính trong gia đình, làm đủ mọi việc để lo chồng nuôi con ăn học.

Còn đối với chị Phan Thị Lợi (38 tuổi, trú tại huyện Quế Sơn), chồng đã mất sớm, nguồn thu nhập ít ỏi của chị bươn chải cuộc sống đã khó huống gì chị phải nuôi ba đứa con đang trong tuổi ăn tuổi học. Gánh nặng càng đè lên đôi vai người phụ nữ này, khi tiền ăn học hàng tháng cứ đến nhanh chóng. Xa xăm sau gương mặt gầy hóp của người phụ nữ này, ẩn hiện bao nỗi lo toan về một tương lai mờ mịt. Công việc dẫu lem luốc, nặc mùi hôi thối nhưng ở đó các con chị sẽ thấy được tấm lòng thương con của người mẹ để làm động lực phấn đấu bước tiếp trên đường tìm con chữ.

Đặc biệt có rất nhiều chị làm nghề này nhưng nuôi con ăn học đại học. Chúng tôi may mắn làm quen được với chị Nguyễn Thị Xí (47 tuổi, trú tại xã Quế Xuân) nuôi hai người con trai ăn học thành tài. Đứa lớn theo học trường đại học Kinh tế Hà Nội và đứa nhỏ đang theo học ở trường cao đẳng Công nghệ thông tin ở Hội An. Chị Xí kể, ngày mấy đứa nó đậu đại học, chị vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì gia đình chị vô cùng hãnh diện khi hoàn cảnh khó khăn trăm bề mà con cái lại thi đỗ đạt, đó là niềm tự hào rất lớn. Còn lo vì sắp tới gia đình chị phải đối mặt với khoảng học phí "khổng lồ", lại thêm tiền ăn ở nơi đất khách quê người. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn khiến chị không khỏi sụt sùi trong giây lát, nhưng bản tính hóm hỉnh cùng niềm lạc quan vào cuộc sống đủ để giúp chị nhanh chóng lấy lại nụ cười. Chị chia tay chúng tôi để quay lại với công việc sau câu nói đầy tự hào: "Nói vậy chứ cái lo không to bằng cái mừng!".

Chia tay những người bồng heo thuê, chúng tôi thật sự xúc động về sự đùm bọc, giúp đỡ nhau giữa những mảnh đời cơ hàn. Nghề này dù có đắng cay hơn nữa nhưng vẫn luôn có những người phụ nữ ngày ngày mưu sinh bằng chính đôi tay, sức lực của mình. Điều này thật đáng trân trọng!.

Ông Lê Đình Lai, trưởng ban quản lý chợ Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Tại chợ, ngày cao điểm lên đến gần 500 con heo, các huyện lân cận đổ heo về, rồi lại được đưa lên xe phân tán khắp nơi. Điều đặc biệt là tình cảm giữa các chị em rất tốt, ít khi xảy ra mâu thuẫn tranh giành khách với nhau, ai làm được chừng nào thì làm. Mặc dù cực khổ nhưng nhờ vậy mà cũng tạo thêm nhiều điều kiện cho chị em phụ nữ có thêm việc làm, có thêm thu nhập, một phần nào đó cải thiện được cuộc sống".

Du Ngoạn - Sơn Phú

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.