Không ai dám ăn bưởi!
Chúng tôi về thăm chùa Bà Đanh vào một ngày cuối tháng 7. Ngôi chùa này còn có tên chữ là "Bảo Sơn Nữ" thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Tam quan chùa Bà Đanh hướng về phía con sông Đáy thơ mộng, cách núi Ngọc khoảng 100m.
Quả cây bưởi ở chùa Bà Đanh vô cùng lạ mắt bởi màu đỏ của nó
Khoảng sân rộng trước chùa được lát đá, trồng nhiều loại cây như đa, hoàng lan, sứ… Những cây thâm niên tươi tắn, sai quả gợi nên hình ảnh một cuộc sống thanh đạm mà trù phú. Tương truyền, nơi đây ngày xưa là một vùng đất rậm rạp, cây cối um tùm, vắng vẻ, cư dân thưa thớt và là vùng hay bị thiên tai ngập úng nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Người dân làng Đanh Xá chỉ biết cầu trời khấn Phật rủ lòng từ bi.
Một điều lạ về giấc mộng của già làng linh hiển một người con gái thục trang được đức Phật Man Nương phái về chăm nom vùng đất này. Từ đó vùng quê ấy mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Để nhớ công đức của vị thần nữ ấy, dân làng Đanh đã dựng nên ngôi đền thờ bà, sau này rước Phật về thờ và xây dựng nên ngôi chùa đặt tên chùa là Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh, ngôi chùa tĩnh lặng và linh thiêng tọa lạc bên bờ sông Đáy.
Điều đặc biệt nhất về phong cảnh chùa Bà Đanh khiến cả những chuyên gia văn hóa về đây tìm hiểu và chính người dân trong làng đều ngạc nhiên bởi hai cây bưởi mọc bên hiên thềm cửa chùa vô cùng lạ mắt. Theo một số cụ cao niên làng Đanh Xá cho biết, cây bưởi đã có cách đây hơn 20 năm. Chính họ hay ngay cả trụ trì chùa Bà Đanh cũng không nhớ rõ nguồn gốc và tên gọi của cây bưởi này. Từ lâu, họ đã quen gọi cây bưởi này với cái tên mang đúng bản chất của nó: Bưởi đỏ hoặc bưởi "thần".
Như mọi năm, năm nay bưởi "thần" trình làng khá sớm, từ những ngày đầu hè, hai cây bưởi đã ra quả sum suê, đỏ rực cây. Sư thầy Thích Đàm Đam, trụ trì chùa Bà Đanh cho biết: "Hai cây bưởi này quả quanh năm, mùa hạ cũng như mùa đông không bao giờ hết trái".
Theo quan sát, hai cây bưởi đỏ này rất sai quả và có nhiều quả chín rụng xuống quanh gốc cây nhưng không thấy ai hái. Theo lời già làng và người dân nơi đây, cây bưởi mang những điều tâm linh gắn với truyền thuyết dựng chùa, dựng làng nên không ai dám hái. Nhiều lần, người dân nhặt những quả bưởi chín rụng bóc ra thì thấy ruột đỏ như máu, thế nên chẳng ai dám ăn. Vì vậy, cứ đông sang hạ, bưởi chín đỏ rực cây rồi lại rơi rụng khắp sân chùa chứ không ai dám trèo hái.
Sư thầy Thích Đàm Đam cho biết: Cả vùng đất chiêm trũng Hà Nam chỉ duy nhất chùa Bà Đanh trồng được hai cây bưởi đặc biệt này
Hơn hai thập niên chưa nhân được giống
Hai cây bưởi độc đáo cả về quả và thân cây. Dù đã hơn 20 năm tuổi nhưng cây rất thấp, nhỏ và mảnh khảnh. Những quả bưởi từ khi kết trái, cứ lớn dần thì màu sắc thêm đỏ, có những quả lớn đỏ ửng như màu quả cà chua hay quả gấc chín. Nhiều du khách đến đây tỏ ra thích thú khi được chiêm ngưỡng sự độc đáo của cây bưởi "thần" này.
Sư thầy Thích Đàm Đam cho biết thêm: "Đây cũng là những cây bưởi bình thường, chỉ có điều là quả và ruột của nó màu sắc lạ không giống bất kỳ loại bưởi nào. Giống bưởi này rất khó trồng, ngày trước nhiều người đến xin giống về gieo trồng nhưng không được. Đến nay trong làng vẫn chưa có ai trồng được và chỉ có duy nhất hai cây bưởi đỏ trong chùa với 23 năm tuổi".
Chiều tối, không gian tĩnh lặng ở chùa Bà Đanh khiến nhiều người rờn rợn. Một khung cảnh quá đỗi thanh vắng: Không mùi hương khói, cũng không tiếng mõ, tiếng chuông. Việc cây bưởi bên cạnh cổng chùa dù rất sai nhưng những người trong chùa cũng như dân làng gần đó không ai dám hái, dám ăn cũng khiến du khách có cảm giác khác lạ. Có nhiều lý do để chùa Bà Đanh đi vào tục ngữ dân gian Việt Nam và là câu cửa miệng để mỗi người khi muốn nói về cảnh vắng vẻ, âm u của một nơi nào đó.
Có ý kiến cho rằng, chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn lối ra vào độc đạo, trước kia có nhiều thú dữ. Tương truyền, chùa lại rất linh, ai trái ý là bị quở phạt nên khách thập phương vốn đã ít lại càng thưa vắng. Ngay cả bãi bồi màu mỡ bên cạnh chùa dân địa phương cũng không dám canh tác. Nhưng mấy năm gần đây, con đường dẫn vào chùa được mở rộng, lát bê tông, rừng cây bớt rậm rạp, dân cư ở đông hơn... vậy mà chùa vẫn vắng?
Trụ trì chùa Bà Đanh cho biết thêm, sở dĩ chùa thưa người đến cúng viếng do đường xá khó đi và gắn với những câu chuyện cửa miệng được dân gian truyền lại khiến người ta không dám đến. Tuy nhiên, chùa Bà Đanh cũng mang những nét riêng, không nơi nào có được. Nhưng cũng chính lời chê "vắng tanh" ấy lại là một "ẩn số" để những khách du lịch, nhà nghiên cứu lần mò vạn dặm về thăm chùa. Theo sư thầy Thích Đàm Đam: "Dăm bảy năm nay khách thập phương cũng tìm về đông hơn. Hầu như họ về đây chỉ để có câu trả lời: Vì sao chùa Bà Đanh lại vắng đến thế?".
Cùng với những điều kỳ bí, khó lý giải cũng như những cảnh vật đặc biệt, như hai cây bưởi đỏ bên hiên chùa là một dẫn chứng rõ nhất. Cái vắng vẻ của chùa Bà Đanh dường như là một thương hiệu để cho ngôi chùa trường tồn cùng thời gian và được những người thích khám phá thường xuyên tìm về viếng thăm nét hoang sơ vẫn còn giữ được.
Cao Tuân