Chưa chốt phương án
Theo tìm hiểu, phần nhiều bộ máy xử lý nói trên được nhập về từ Trung Quốc. Điển hình, cách đây chưa lâu, công ty A.VN. (tại quận 1, TP.HCM) làm thủ tục xin nhập 100 kiện hàng hóa là thiết bị xử lý dữ liệu bitmain (còn gọi là máy đào tiền bitcoin). Nhưng, cơ quan hải quan hiện chưa có hướng xử lý. Lô hàng đã về đến kho hải quan vào tháng 8/2017 nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể nhận hàng.
Tương tự, một doanh nghiệp khác là công ty Cổ phần A. chuyên kinh doanh nữ trang cao cấp, vàng bạc đá quý (tại quận 1, TP.HCM) cũng tiến hành nhập khẩu 100 bộ máy đào tiền điện tử từ Trung Quốc, do Bitmain sản xuất. Lô hàng được mở tờ khai hải quan với trị giá gần 130.000 USD vẫn chưa thể thông quan.
Theo quy định hiện hành, các lô hàng là bộ máy xử lý dữ liệu di động giải mã tiền điện tử (hay còn gọi là tiền ảo) không thuộc diện cấm nhập khẩu nhưng cũng không nằm trong bất cứ danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu nào mà pháp luật Việt Nam đang điều chỉnh.
Một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Theo quy định hiện nay, mặt hàng server (máy chủ), máy vi tính mới 100% không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện. Đồng thời, những mặt hàng này cũng không thuộc “Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thông quan” thuộc trách nhiệm quản lý của bộ KH&CN”.
“Theo quy định của bộ TT&TT thì sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông: Máy tính cá nhân để bàn (desktop computer), máy tính chủ (server), máy tính xách tay (laptop and portable computer) bắt buộc phải công bố hợp quy.
Hơn nữa, loại hàng hóa này cũng nằm trong danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện (do Thủ tướng Chính phủ ban hành - Quyết định 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017)”, cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm.
Nếu vượt qua các quy định nêu trên, các loại máy tính thông thường (các loại) có thể tiến hành nhập khẩu và thông quan khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí... tại cửa khẩu hải quan. Tuy nhiên, đối với máy đào tiền điện tử lại khác.
Liên quan tới loại phương tiện thanh toán nhưng lại ngoài những đồng tiền mà pháp luật cho phép lưu hành tại Việt Nam, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm: “Tình trạng các đơn vị nhập khẩu máy xử lý dữ liệu nói trên, cục Hải quan TP đã báo cáo và tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản trao đổi với ngân hàng Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời”.
“Để phát hành, cung ứng, sử dụng, lưu hành các đồng tiền ảo này phải có máy xử lý dữ liệu tự động cài chương trình giải mã, đào tiền ảo. Do đó các loại máy này đều có liên quan đến hành vi phạm pháp theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017. Chúng tôi cho rằng, ngân hàng Nhà nước nên sớm có ý kiến về vấn đề này nhằm thống nhất quản lý. Bởi, việc nhập khẩu loại máy này có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường”, vị này nói thêm.
Hệ lụy khôn lường
Theo phân tích của các chuyên gia, hệ lụy ở đây, ngoài đồng tiền điện tử chưa được phép lưu hành và phổ biến tại Việt Nam thì nếu cho phép nhập khẩu các “trâu cày” về hoạt động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
“Thực tế tại TP.HCM có khí hậu nóng quanh năm, nếu đưa máy đào tiền điện tử vào hoạt động thì tốn rất nhiều điện để làm mát máy”, chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Đăng Tư (ngụ TP.HCM) đang làm việc cho một công ty tại Singapore chia sẻ với PV.
Cũng theo chuyên gia này, khi tiền điện tử, nhất là bitcoin càng bị khai thác thì thuật toán mà máy tính giải quyết để đào được càng khó hơn. Điều này đồng nghĩa với việc năng lượng cung cấp cho hệ thống máy đào sẽ nhiều hơn.
“Theo thông tin mà tôi có được, hiện Bitcoin sử dụng lượng điện lên tới 32 terawatts/năm, tương đương với lượng điện cung cấp cho 3 triệu hộ gia đình/năm tại Mỹ. Theo đó, nếu tiến trình khai thác như hiện nay, lượng điện mà bitcoin tiêu thụ sẽ đủ cung cấp cho toàn nước Mỹ vào năm 2019.
Và nhanh hơn nữa, chỉ 6 tháng tiếp theo đó, lượng điện mà hãng này tiêu thụ sẽ đủ cung cấp cho toàn thế giới. Trong khi đó, chúng ta đang thực hiện rất nhiều giải pháp để tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, chuyên gia này cảnh báo.
Thực tế tại Việt Nam, đồng tiền điện tử (nhất là bitcoin) đang được không ít người Việt săn đón, nhất là ở giới trẻ. Họ xem đây là một kênh đầu tư và cũng vì vậy mà hàng loạt trang chuyên đào hay sàn giao dịch tiền điện tử đã ra đời. Ngoài cộng đồng mạng chấp nhận thì một số cơ sở cũng đã gật đầu đồng ý với loại tiền đến từ cuộc cách mạng 4.0 này.
Thực tế, vào thời điểm PV viết bài này, trên “chợ bitcoin” tại Việt Nam, giá bán đang ở mức trên 392 triệu đồng/bitcoin, giá mua cũng gần 387 triệu đồng/bitcoin. Tăng chóng mặt so với cách đây vài ba tháng, khi giá của bitcoin mới chỉ nhấp nhô, chưa cán mốc 100 triệu đồng/bicoin. Điển hình vào ngày 5/9/2017, trên “chợ bitcoin”, giá bán đang ở mức gần 95,2 triệu đồng/bitcoin và giá mua cũng gần 93,7 triệu đồng/bitcoin.
Theo ghi nhận của PV, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hệ thống máy đào tiền điện tử có giá hàng trăm triệu đồng ở Việt Nam. Trong đó, có tình trạng nhập khẩu máy đào (chủ yếu là bitcoin) nhằm khai thác tiền ở nước ngoài, đổi tiền ảo thành tiền thật. Cách đây chưa lâu, trường đại học FPT cũng gây xôn xao dư luận khi cho phép sinh viên nộp học phí bằng bicoin. Thông tin trên cũng ngay lập tức gây nhiều tranh cãi.
Từ 1/1/2018: Dùng bitcoin thanh toán bị truy cứu trách nhiệm hình sự Mới đây, ngày 28/10/2017, ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông báo khẳng định, đồng tiền bitcoin và các đồng tiền điện tử tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo này bị cấm. Nói thêm về điều này, luật sư Nguyễn Đình Thái, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Theo thông báo trên, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo là hành vi bị cấm và nếu vi phạm, cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt hành chính ở mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Thậm chí, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2018”. |