Tới vùng biển này, thấy sau lưng là núi, trước là biển, liền dừng lại lập làng. Sau này, chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay), có ghé lại vùng biển này, vô tình đào vài tấc cát ven đầm đã thấy nước ngọt nên mới đặt tên là Đạm Thủy, còn trước đó, người dân gọi là đầm Đề Gi.
Cửa Đề Gi.
Từ Biển Đông, muốn vào đầm Đạm Thủy phải qua cửa biển Đề Gi. Sách Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến cửa biển này: “… rộng 11 trượng, thủy triều lên sâu sáu thước, thủy triều xuống sâu bốn thước. Phía tây có đầm Đạm Thủy, thuyền buôn thường đỗ ở đây…”.
Đầm Đề Gi.
Không chỉ có cá mai
Đề Gi chẳng có nghĩa gì cả và chẳng ai biết cái tên làng ấy có từ bao giờ. Ông Nguyễn Văn Tri, chủ tịch xã Cát Khánh cho biết thêm, ngoài tên Đề Gi, làng biển này còn có một tên khác: JéJi. Cuối thế kỷ 19, người Pháp lập một trạm thu thuế muối đặt tên là JéJi, có lẽ ghi âm từ “Đề Gi” mà ra. Trạm thuế quan này kiểm soát toàn bộ vùng muối Đề Gi.
Nước trong đầm Đề Gi mặn chằng nên hạt muối to và trắng. Sau ngày giải phóng, từ chợ Gành xuôi về Ngãi An, hai bên đường chỉ thấy những ruộng muối… Mấy năm sau này, ruộng muối hẹp dần, nhường chỗ cho ao nuôi đặc sản cá mú, cá chua… nhưng theo lời ông Tri, “Đề Gi vẫn là vùng muối lớn nhất tỉnh Bình Định, lớn hơn cả vùng muối Hà Ra, Phú Thứ bên xứ Phù Mỹ. Còn về chất lượng, muối Đề Gi ngon hơn cả muối Sa Huỳnh, Cà Ná…”.
Cảng cá Đề Gi.
Cứ cuối tuần, ông Phan Thanh Tâm (kỹ sư xây dựng) ở thành phố Quy Nhơn về Đề Gi ăn món gỏi cá trỏng. Gần đây, người ghiền gỏi cá lại thích cá mai hơn vì thịt giòn và ngon hơn cá trỏng. Nước chấm đậm đà làm gỏi cá mai ở đây “bốc” hơn.
Có ông bạn sành ăn, đã từng ăn gỏi cá mai nhiều nơi, thừa nhận “gỏi cá mai Đề Gi ngon nhất nước. Con cá mai ở đây múp không chịu nổi”. Cá mai được bắt trong đầm Đề Gi mà chẳng cần đi đâu xa. Ước chừng, mỗi ngày, ngư dân đánh khoảng hai tạ cá mai, bán cho quán để làm gỏi. Tùy mùa mà giá khác nhau, thường giá từ 50.000 – 70.000đ, lúc khan hiếm bán với giá 100.000đ một ký.
Những ngày cuối tuần, làng biển Đề Gi rộn ràng với những chiếc xe hơi từ Phù Cát, Quy Nhơn… về ăn gỏi cá mai với giá 25.000đ/dĩa (khoảng chừng 20 con). Ở Sài Gòn, muốn ăn gỏi cá mai cũng không quá khó. Chỉ cần gọi điện, chủ quán ướp cá trong thùng đá, gập ghềnh trên quốc lộ 1 khoảng 12 tiếng đồng hồ là có cá để ăn.
Ở làng biển này còn có những đặc sản, như cá chua, cá bống mú, cá hồng, sò huyết, lịch huyết… Cũng là những loại cá như những miền biển khác nhưng không hiểu sao, chúng lớn lên ở đầm Đề Gi lại ngon, ngọt và thơm hơn. Nhiều thực khách sang trọng nhưng vẫn thích cách ăn “nhà quê”: luộc hay nướng rồi cuốn bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm nguyên chất ngai ngái, chêm với rượu đế Đồng Lâm (cách Đề Gi vài cây số)…
Đề Gi còn nổi tiếng với nghề làm nước mắm, cụ Dệt, nay đã 98 tuổi kể rằng, từng đoàn ghe bầu dong buồm chở nước mắm Đề Gi ra Huế tiến cho triều đình nhà Nguyễn. Còn gần đây, cứ đến tết dương lịch, ông Tri phải mua cả trăm lít nước mắm tặng mấy người bạn ở Quy Nhơn vì nước mắm Đề Gi “đã ăn sẽ khó quên”! Cũng là con cá nục, cá cơm, cá lồ ồ, cá hố, cá sơn, cá thu, cá bạc má, cá ngân… nhưng khi làm mắm ở Đề Gi, mắm lại có vị khác, mùi khác. Người dân ở đây tự hào, nước mắm hay con mắm làm ở Đề Gi ngon hơn những vùng khác là nhờ muối Đề Gi mặn hơn muối ở những vùng khác!
Gỏi cá mai – đặc sản của làng biển Đề Gi.
Muối mặn cho sản vật tuyệt hảo
Các loại mắm Đề Gi, tùy theo mùa mà chọn cá. Cá rửa sạch, trộn đều với muối theo công thức “ba cá một muối”. Để chờ ráo “nước máu”, rồi bỏ vào thạp, sau đó bịt kín, ủ từ bốn đến sáu tháng tùy theo loại cá. Thời gian ủ càng lâu càng ngon nhưng không quá một năm vì sợ mắm “xẵng” (đắng). Muốn ăn nước mắm đục, dùng vải mùng lược bỏ xác mắm, chỉ còn nước, chắt vào chai. Còn làm nước mắm trong, quậy đều thùng mắm, dùng vải mùng lược xác mắm nhiều lần. Sau đó dang nắng từ năm tới mười ngày, khi nước mắm chuyển sang màu vàng trắng là ăn. Nước mắm trong tinh chế theo kiểu “gia truyền” có mùi ngai ngái, màu sắc chẳng lấy làm sang. Đã nước mắm phải mặn nhưng nước mắm Đề Gi lại “mặn êm”.
Đến bây giờ vẫn chưa thấy ai đứng ra đăng ký thương hiệu cho nước mắm Đề Gi. TS Nguyễn Thanh Bình (ĐH Luật TP.HCM), một người con của làng biển này, trăn trở: “Muốn giữ được uy tín của nước mắm Đề Gi, không thể sản xuất theo kiểu công nghiệp được mà phải sản xuất thủ công. Nhưng sản xuất thủ công thì phải có cách đáp ứng số lượng cho nhu cầu thị trường. Muốn gì cũng phải đăng ký thương hiệu trước”. Hỏi chuyện, ông Tri ước đoán mỗi năm Đề Gi sản xuất chừng vài ngàn lít nước mắm theo “công nghệ cổ truyền” để ăn và để tặng!
Năm 1994, làng biển Đề Gi tan tác vì khai thác titan. Bãi cát cuối làng là nơi chơi đùa của lũ trẻ trong xóm bỗng dưng bị cày xới, lục tung để tìm một thứ bùn đen mà sau này người dân trong làng mới biết đó là titan. Cát bay mù mịt. Những chuyến xe chở titan xé nát con đường cái quan giữa làng. Cuộc sống nhộn nhịp hơn, ồn ào hơn, phá vỡ nhịp sống quen thuộc hàng trăm năm nay của một ngôi làng biển. Năm ngoái, công ty liên doanh khai thác khoáng sản Việt Nam – Malaysia hết hạn khai thác. Để lại những vệt cát nham nhở, những gốc dương xiêu vẹo.
Đầm Đề Gi
Cách đây ba năm, 200ha của khu khai thác titan đã được quy hoạch để xây dựng trung tâm nhiệt điện Sài Gòn – Nhơn Hậu với công suất thiết kế 2.400MW. Đây là dự án của công ty Tân Tạo (TP.HCM). Theo kế hoạch của nhà đầu tư, năm 2013 sẽ khởi công. Nhìn thấy trong tương lai hiện lên một nhà máy nhả khói đen kịt trong không gian xanh ngắt của trời và biển! Mà cũng có thể sẽ không có điều đó.
Muốn đến làng biển Đề Gi, từ Quy Nhơn, chạy dọc theo đường ven biển Nhơn Hội, khoảng 54 cây số. Còn theo quốc lộ 1, tới ngã ba Chợ Gồm, quẹo phải, ngót nghét 70 cây số. Cho đến bây giờ, chẳng ai hiểu vì sao làng biển ấy lại được mang tên Đề Gi khi mà địa danh này là tên gọi chung của cả một vùng đất gồm năm xã của hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ (thuộc tỉnh Bình Định). Có lẽ, vì làng nằm ngay cửa biển.
Trọng Hiền