Hơn 40 năm mang can đi hành hương
Bất cứ ai lần đầu tiên có dịp về với đền Cùng - Giếng Ngọc đều sẽ rất ngạc nhiên khi bên cạnh nén hương nải quả và lòng thành tâm với thánh thần, người hành hương chốn linh thiêng này không quên mang theo một chiếc can, bình, chai, hoặc bất cứ vật dụng nào có thể đựng nước. Họ đến đây, trước là lễ cầu thánh, sau là vòng xuống giếng múc một can nước nhỏ mang về nhà. Không có điều gì để kiểm chứng những nguyện ước của họ có thành hiện thực hay không nhưng cứ mỗi năm, người về xin nước Giếng Ngọc lại đông hơn. Tiếng lành đồn xa. Người dân làng Diềm rất tự hào về di tích linh thiêng của làng mình.
Những ngày đầu năm mới này, người khắp nơi tấp nập đổ về đền lễ tạ và xin nước cầu may. Giếng Ngọc nằm trong khu di tích đền Cùng có một mạch nước hiếm quý, trong vắt, mát lành rất ngọt và đặc biệt chẳng bao giờ cạn. Giếng chỉ rộng khoảng 20m2, với độ sâu chừng 7m nhưng, mạch nước ngầm thần kỳ dưới đáy giếng thì vô cùng. Đã lâu lắm rồi, cả làng ăn nước giếng, người tứ xứ về múc nước giếng cầu may nhưng mực nước cứ duy trì trong vắt như thế hết đời này đến đời khác, ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ nổi giếng có từ bao giờ.
Đầu xuân năm mới, người người tìm đến đền Cùng - Giếng Ngọc xin nước cầu may.
Ông Nguyễn Đình Trọng, 84 tuổi, một trong những cụ lớn tuổi nhất trong làng vẫn ngày ngày ra đền thắp hương và ngắm giếng Ngọc cho biết: "Khi tôi sinh ra, giếng đã có rồi. Lúc tôi còn bé vẫn theo mẹ ra giếng gánh nước về dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Lớn lên, tôi nghe ông bà tôi kể lại, tương truyền vào đời Hùng Vương thứ 6, khi Nhữ Nương công chúa (bà chúa, thủy tổ quan họ cổ - PV) có dịp qua miền đất này khai hoang lập ấp đã truyền dạy những làn điệu quan họ thắm tình đượm nghĩa cho nhân dân khắp vùng. Hát quan họ cần giữ hơi và có giọng tốt. Để đảm bảo hai yếu tố này, bà chọn nơi đất thiêng cho đào giếng để mạch ngầm quan họ truyền đến muôn đời. Người ta vẫn luôn tin rằng làng Diềm là nơi phát tích dân ca quan họ Bắc Ninh cũng bởi người làng Diềm ăn uống bằng nước giếng Ngọc này?! Bây giờ, cuộc sống hiện đại, nhà nào cũng có giếng khoan, nhưng không gia đình nào chịu từ bỏ thói quen gánh nước giếng Ngọc về dùng pha trà, nấu nướng, thổi cơm, và đặc biệt để lên bàn thờ gia tiên mỗi dịp lễ tết, tuần rằm".
Người khắp nơi đổ về đây xin nước giếng Ngọc làm lộc mang về nhà cũng bởi những suy nghĩ tốt đẹp như thế. Trong danh sách công đức đến với đền Cùng - Giếng Ngọc mà ban quản lý khu di tích còn giữ thì số lượng phật tử đến đây đã đủ mặt khắp dải đất hình chữ S. Ông Nguyễn Văn Thư (SN 1946), một thành viên trong ban quản lý di tích cho biết: "Tôi về hưu là gắn bó ngay với đền với giếng. Hơn 10 năm tham gia hoạt động ghi công đức và quản lý, tôi được chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Tôi ấn tượng nhất với một ông cụ tên Văn Minh, người ở TP. Hồ Chí Minh. Trong suốt 6 năm tôi tham gia với vai trò ghi công đức cho khách thập phương thì cả 6 năm tôi đều đích thân là người ghi nhận giấy công đức cho cụ. Một sự trùng hợp thú vị nên tôi tò mò hỏi thì được cụ cho biết: "Cụ sinh năm 1930, xưa cũng người Viêm Xá nhưng lớn lên theo cha mẹ đi mưu sinh lập nghiệp xa quê. Mãi đến năm 40 tuổi, cụ mới có dịp về thăm quê, nghe tích thiêng đền Giếng thì vô cùng tự hào. Cũng từ đó, hơn 40 năm qua, năm nào cụ cũng sắp xếp thời gian về đền một lần và xin nước giếng Ngọc làm lộc cả năm. Khi tôi hỏi 83 tuổi rồi, đi lại như vậy cụ có mệt không thì cụ vui vẻ nói: "Đến khi tôi mệt không đi được tôi sẽ căn dặn con cháu về đây xin nước giếng mà cầu may".
Cá ở giếng Ngọc được người dân ưu ái gọi là cá thần, mang lại may mắn, và những điều linh thiêng.
Uống chén nước giếng, phúc lộc cả năm
Người đến đền Cùng, không ai quên múc một chén nước giếng Ngọc uống và xin thêm một can nhỏ về thờ cúng, hoặc dùng để pha trà, nấu cơm. Như thế, cả năm khỏe mạnh, không đau ốm, công việc làm ăn suôn sẻ, thuận lợi và gặp nhiều may mắn. Ông Thư cho biết: "Trước đây, khi chưa tu tạo, giếng Ngọc chỉ là một vũng nước nhỏ, bên dưới có mạch nước ngầm chảy từ núi Tượng linh thiêng ra. Bờ giếng được ghép từ những mảnh gốm sứ nhưng sau nhiều năm thiên nhiên tàn phá đã bị hỏng. Thấy dòng nước trong mát, quý hiếm lại không bao giờ cạn, người dân trong làng đã góp công, góp gạch xây lại. Miệng giếng ngày nay có hình bán nguyệt với 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc bằng gỗ ở sát mép nước. Dưới lòng giếng là một lớp đá ong tự nhiên sâu chừng 7m, đáy giếng có một hang sâu, nhỏ ăn sâu về phía núi tượng. Đây vừa là nơi mạch nước ngầm quý hiếm chảy bền bỉ ngày đêm không bao giờ vơi cạn, lại cũng vừa là nơi cư ngụ của hai ông cá thần.
Tương truyền, hai con cá vàng dưới giếng là hiện thân của hai vị công chúa triều Lý. Khi dạo chơi đến vùng đất này, hai cô công chúa được nghe một canh hát quan họ thì mê đắm mà quên đường về. Một lần, hai công chúa tắm nước giếng đã bị phạt hóa thân thành cá và ở mãi nơi đây cho đến bây giờ. Không ai biết cá xuất hiện khi nào và nó thuộc giống cá gì. Cho đến ngày nay, những câu chuyện mang màu sắc thần bí vẫn lẩn quất quanh khu đền Cùng - Giếng Ngọc và theo chân du khách thập phương đến mọi miền. Chính những câu chuyện mang màu sắc liêu trai như thế càng làm cho khu di tích trở nên linh thiêng hơn và người ta vẫn tin rằng, hai con cá dưới giếng ngày nay là hiện thân của hai vị công chúa.
Hàng năm, cứ vào ngày mùng 3/3 âm lịch, người dân làng Diềm lại tưng bừng mở hội tát nước giếng đền. Những người được chọn vào đội hình tát nước phải là những trai tân, khỏe mạnh, đức độ. Thùng dùng để múc nước phải mới. Thanh niên tập hợp thành hai hàng đứng hai bên thành giếng. Người múc nước truyền tay nhau đổ ra các thùng lớn được để sẵn ở bên ngoài thành giếng cho đến khi nào giếng cạn. Mặc dù độ sâu của giếng chỉ chừng 7m, nhưng có những năm phải tát từ sáng tới 4, 5 giờ chiều giếng mới cạn. Khi nước giếng đã được tát cạn, vị có quyền cao nhất trong làng sẽ đợi mạch nước đầu tiên múc đem vào đền làm lễ cúng thánh. Sau lễ cúng, những canh hát quan họ sẽ được diễn ra cả ngày lẫn đêm. Nhiều hoạt động lễ hội khác cũng được tổ chức cho dân khắp vùng và từ mọi miền đến để thưởng thưởng, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng cho mọi nhà.
Thói quen cần thay đổi Ông Nguyễn Văn Thư cho biết: "Năm nào cũng vậy, chúng tôi tiến hành mở đền từ đêm 30 Tết. Du khách thường đến đông vào dịp đầu xuân năm mới cho đến khi lễ hội tát nước giếng được tổ chức xong. Rải rác người đến quanh năm, không bao giờ khu di tích vắng khách. Tuy nhiên, để đảm bảo cảnh quan khu di tích và giữ vệ sinh chung, ban quản lý luôn khuyến cáo người dân đến đền không nên rải tiền lẻ xuống giếng mà hãy bỏ tiền vào hòm công đức. Bởi tiền rải xuống giếng chúng tôi cũng phải cho người vớt lên bỏ vào hòm công đức. Nếu cứ để tiền trôi nổi trên diện tích giếng chừng 20m2 thì chẳng mấy chốc trở thành giếng tiền mà cá dưới giếng cũng không thở được". |
Dương Thu