Đối với mỗi người dân xứ đạo Trung Lao, ngôi nhà thờ cổ từ lâu đã trở thành biểu tượng chung khi nhắc tới địa danh này. Ngôi nhà thờ đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, gắn bó với tuổi thơ của mỗi người dân nơi đây.
Trong tiềm thức của mỗi người dân Trung Lao, dù đi xa quê hương nhưng không ai có thể quên được ngôi nhà thờ cổ và gác chuông cao. Ngôi nhà thờ bị cháy đã khiến nhiều người thương tiếc, xót xa bởi nhà thờ từ lâu đã trở thành biểu tượng liêng thiêng, là văn hoá gắn bó với người dân nơi đây.
Nhà thờ Trung Lao được khởi công xây dựng từ năm 1888, xây dựng trong vòng 10 năm, cùng với sự góp của, góp công của người dân địa phương, nhà thờ đã hoàn thành vào năm 1898. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp các yếu tố Gothic, Tây Ban Nha và kiến trúc truyền thống Việt Nam, tọa lạc tại thôn Trung Lao, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Nhà thờ có chiều dài 50m, rộng 16m, gồm 11 gian, được xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ hình vẩy rồng, còn gọi là ngói Nam.
Toàn bộ nội thất bên trong đều được làm từ lõi gỗ lim do thợ mộc lành nghề thực hiện. Cột của nhà thờ là những thân gỗ lim có đường kính từ 70cm đến 80cm được để mộc mạc, không trang trí. Các vì kèo, xà khóa, xà cân nâng đỡ cây long cốt được chạm trổ rất công phu với hoa văn hoa lá uyển chuyển, tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát.
Phía gian bệ thờ được sơn son thếp vàng với 2 màu vàng, đỏ, là một công trình điêu khắc hết sức công phu, được trau chuốt tới những chi tiết nhỏ nhất. Năm 1986, một trận bão lớn đã làm đổ bức tường các cửa hành lang, sau đó 2 bức tường này được xây dựng lại theo kiến trúc hiện đại. Đến năm 1996 trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng, ngôi nhà thờ đã được trùng tu lại.
Thế Anh
(Trong bài có sử dụng một số ảnh tư liệu)