Vẻ đẹp mê đắm của cô gái 'sơn ca Mường Động'

Vẻ đẹp mê đắm của cô gái 'sơn ca Mường Động'

Thứ 2, 04/11/2013 14:07

Chị sinh ra ở bản mường Cuối Hạ, một trong những nơi tuy khó khăn bậc nhất của đất Kim Bôi, Hòa Bình nhưng giàu truyền thống cách mạng.

Chị được nhiều người biết tới không chỉ vì vẻ đẹp mê đắm lòng người, không chỉ bởi tài năng ca hát mà còn vì tình yêu tha thiết dành cho văn hóa Mường.

Nàng Kiều của xứ Mường Động

Nhắc tới cái tên Đinh Kiều Dung, không người dân nào trên mảnh đất Kim Bôi, Hòa Bình không biết. Họ tự hào khi quê hương có một người con như chị.

Tôi gặp chị trong căn nhà giản dị nằm khiêm nhường bên dòng suối nhỏ ở xóm Bo, xã Kim Bình khi trời đã xế chiều. Chị được người dân yêu mến ví von là nàng Kiều của mảnh đất miền sơn cước hữu tình này. Tuy chị đã ngoài 50 tuổi, nhưng không khó gì để người đối diện có thể nhận thấy những đường nét trang nhã trên gương mặt chị: Nét ngài nở nang, miệng cười như hoa, đôi mắt sáng, làn da trắng hồng và thân hình vẫn còn chuẩn dáng với chiều cao hơn mét bảy của mình.

Nhưng có lẽ lý do để chị được ví với giai nhân đình đám trong thi văn không chỉ có vậy. Nếu nàng Kiều thuở trước giỏi cầm kỳ thi họa thì ít danh ca xứ Mường nào có thể so bì được với chị. Mỗi điệu cồng, chiêng cổ, mỗi làn điệu Mường chị còn nhớ và thể hiện đều mang một âm hưởng, một màu sắc riêng biệt và chạm tới độ chín mà người khác khó có thể làm được.

Ngay từ nhỏ những lời ru của mẹ, của bà, những câu hát dân ca dân tộc Mường đã ngấm sâu vào tâm hồn chị. Lớn lên chị nhập ngũ, tham gia hoạt động trong đội văn công phục vụ cho các đơn vị quân đội. Chính những năm tháng quân ngũ đã se duyên cho chị với chàng lính trẻ ở xóm Bo, Kim Bình. Chị kết hôn, chuyển về nhà chồng sinh sống và chuyển ngạch từ bộ đội sang cán bộ văn hóa huyện năm 1978.

Xã hội - Vẻ đẹp mê đắm của cô gái 'sơn ca Mường Động'

Với tố chất văn nghệ sẵn có và những năm tháng được rèn giũa trong quân đội, khi về công tác tại địa phương chị luôn là một nhân tố dẫn đầu trong hoạt động văn nghệ quần chúng. Cái danh con chim sơn ca đất Mường Động không phải chỉ là cái tên chị được đặt ở cái ao làng tù túng, mà nó là thực danh được ghi nhận qua các cuộc thi ca hát nổi tiếng của quốc gia khi đó. Bắt đầu từ năm 1983, trong cuộc thi văn hóa văn nghệ quần chúng tỉnh Hà Sơn Bình cũ, chị đã giành giải A, rồi vinh dự đại diện cho tỉnh nhà đi thi tiếng hát Sơn ca toàn quốc đem về huy chương Vàng, rồi chiếc huy chương Vàng thứ hai chị mang về trong cuộc thi năm 1986 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam... đã khẳng định cái tài ở chị.

Nhận được nhiều lời mời trở thành ca sỹ chuyên nghiệp, nhưng với tình yêu lớn dành cho quê hương Kim Bôi, chị quyết định ở lại quê hương và tiếp tục cống hiến cho phong trào văn nghệ quần chúng của ngành văn hóa huyện. Gần 30 năm tận tụy với phong trào quần chúng của quê hương, chị đã tận mắt chứng kiến nét sinh hoạt của văn hóa Mường dần mai một và có nguy cơ bị mất dần đi. Từ lòng say mê, tình yêu tha thiết với những bản sắc văn hóa của dân tộc Mường đã thôi thúc chị nghĩ đến việc phải bảo tồn những giá trị văn hóa Mường mà cha ông đã để lại.

"Nàng sơn ca" miệt mài gìn giữ bản sắc văn hóa Mường

Thành quả vô giá

Thành quả của chị là mỗi đêm cuối tuần ở xóm Bo lại vang lên lời hát các bài hát dân ca cổ như: Ru ún, lời ru ban ngày, lời ru ban đêm, rộn ràng tiếng cồng chiêng đánh nhịp bài đi đường, bông trắng bông vàng, điệu múa bông xúng xính váy áo Mường. Nhiều em nhỏ bỡ ngỡ, xa lạ với chính văn hoá Mường ngày đầu đến lớp học nay đã trở nên quen thuộc, yêu mến tự hào. Em nào cũng biết hát dân ca, biết đánh cồng chiêng, biết mặc váy Mường.

Cuộc sống hiện đại đem đến những cách tân cho con người, nhưng phần nào chính lối sống thời thượng đã làm xói mòn đi văn hóa truyền thống. Là người cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ người Mường chính gốc 100% nhưng không biết nói lấy một câu tiếng Mường khiến lòng chị đau nhói. Đấy là chỉ nói thôi, nhưng tiếng nói mất đi thì không sớm thì muộn nền văn hóa của một tộc người cũng sẽ bốc hơi theo.

Day dứt trong lòng, năm 2004, chị đã mạnh dạn mở một lớp học truyền dạy cồng chiêng và học hát dân ca tại xóm Bo, xã Kim Bình. Lúc đầu chị rất lo sợ lớp học sẽ chẳng có học sinh nào tham gia, vì nhà chị rất gần thị trấn và con trẻ dường như đang bị cuốn vào cuộc sống số. Nhưng sau khi biết chị mở lớp, các cụ già, các tổ chức đoàn thể nhiệt thành quan tâm, động viên con trẻ tới học.

Hàng tuần, dù bận rộn với công việc, gia đình nhưng chị vẫn không quản khó khăn nhọc nhằn, ngày đêm sưu tầm các làn điệu dân ca và các bài chiêng cổ để chị lại cùng các em học sinh của mình hát, học đánh cồng chiêng. Tuy lớp học với nhiều em ở độ tuổi khác nhau nhưng không khó để chị truyền dạy những gì mình có. Vì các em học sinh được chị truyền  những bài hát dân ca Mường cùng những bài chiêng cổ cảm thấy phấn khích và tự hào khi được tiếp xúc với văn hóa của ông cha.

Không chỉ dạy cho các em, chị còn phối hợp với chính quyền và đoàn thể để cho các em có sân khấu được thể hiện những gì mà mình tiếp thu được qua lớp học. Các em thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ và đã giành được nhiều giải thưởng cao do huyện Kim Bôi và tỉnh Hòa Bình tổ chức. Đặc biệt có những học sinh rất say mê, hăng hái tiếp thu trong lớp học của chị như em Bùi Thúy Ngần - nay đã làm cô giáo âm nhạc đứng lớp dạy trẻ sau khi tốt nghiệp đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Chị bảo vì một mình lo đứng lớp, tổ chức biên soạn và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan nhiều khi cũng không tránh khỏi sự mỏi mệt. Hay có những tối cuối tuần trời mưa gió chị định báo cho các học sinh nghỉ, thì một vài cháu đã đội mưa tới tận nhà gọi cửa: "Bà ơi, hôm nay bà dạy bọn cháu hát bài gì?". Thấy chúng hăng hái, hồ hởi đợi mình như vậy chị lại tự cười mình, rồi phấn chấn trở lại lớp học.

Con trẻ theo học nhiều, lớp học được nhiều người động viên nhưng chị bảo cái khó ở lớp học là từ khi mở lớp tới nay cũng đã được gần 10 năm rồi, nhưng cả cô lẫn trò vẫn ở trong tình thế tay không bắt giặc (cười). Vì là lớp dạy đánh cồng chiêng và hát dân ca Mường nhưng một chiếc cồng chiêng cũng không có chứ nói gì tới một bộ.

Chị cho biết lớp chỉ học vào cuối tuần, mà để có nhạc cụ cho các con học thì chị phải chạy đi mượn khắp nơi. Lúc thì của câu lạc bộ người cao tuổi, khi thì mang từ phòng Văn hóa huyện về, những lúc cả hai nơi đều phải đi hội diễn thì cả cô và trò đành học chay. Bộ cồng chiêng của người Mường đủ thì phải có 12 chiếc, trong khi đó những nơi chị có thể mượn được thì nhiều cái đã hỏng không thể dùng được nữa. Cũng chính vì thế tuy chị đã cố gắng hết sức nhưng lớp học cũng bị ảnh hưởng phần nào tới chất lượng do nguyên nhân trên.

Cả chị và nhiều thế hệ hơn 10 năm qua đều mong mỏi sẽ có một ngày lớp học nhỏ ở nhà văn hóa xóm Bo sẽ có bộ cồng chiêng đủ âm sắc. Nếu chỉ miêu tả, hay giới thiệu qua lời nói thôi thì các em rất khó hoặc sẽ chẳng thể tưởng tượng ra được nét đặc trưng của không gian văn hóa Mường.

Trước khi chia tay tôi, đôi mắt người cán bộ địa phương nhiều tâm huyết như trùng xuống, ngấn nước. Chị bảo mấy ngày rồi nghe tin nhà Lang cuối cùng của người Mường ở Tân Lạc bị thiêu rụi mà xót xa, mà nuối tiếc. Cho nên nếu ngày  nào còn sức khỏe, chị sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mơ mà mình đang theo đuổi: ươm những mầm non mới để phát huy bản sắc dân tộc.

 

Ý tưởng khó thành công, nếu…

Anh Nguyễn Quang Huy - Phó trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Kim Bôi cho biết: "Chị Dung đang ấp ủ dự định mở thêm nhiều lớp mới giống như mô hình lớp học ở xóm Bo, Kim Bôi. Nhưng ý tưởng đó sẽ rất khó thành công nếu không có sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng và các cơ quan trên địa phương".       

Đức Anh Chí

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.