Điển tích về lễ hội có nguồn gốc gần 1.000 năm
Theo các cụ già ở Đồ Sơn kể lại, vùng đất Đồ Sơn thuở sơ khai không có cư dân bản địa sinh sống. Người Đồ Sơn ngày nay là hậu huệ của những cư dân từ các vùng đất khác di cư đến. Sách “Địa chí thị xã Đồ Sơn” có ghi lại, trước Công nguyên một vài thế kỷ, Đồ Sơn đã có người đến sinh cơ lập nghiệp, khai phá đất đai. Những cư dân này nguyên quán là ở Thanh Hóa, theo gió mùa ra biển đánh cá, bị bão đưa thuyền dạt vào bãi biển Đồ Sơn.
Sau khi định cư ở vùng đất mới, cư dân thường có nhu cầu tâm linh đi tìm một thần bảo trợ và chọn nơi thờ tự. Để cho những chuyến đi biển được bình yên, họ đặt bát hương thờ vị thần hộ mệnh trên một tảng đá mày nâu non ở sườn núi, dưới gốc cây đại thụ. Về sau mọi người dưng lên trên đó một ngôi nhà bằng cỏ, gọi là Nghè. Đến năm 1058 vua Lý Thánh Tông cho xây tháp Tường Long trên ngọn núi này nên gọi là núi Tháp. Với tấm lòng thành kính thần linh, mỗi lần dong buồm ra biển, ngư dân thường hướng về Nghè, đến cầu thần phù hộ cho biển yên, gió lặng, cho cá đầy khoang, đi đến nơi về đến chốn. khi trở về, họ cũng hướng về Nghè cảm tạ thần linh đã che chở.
Nhưng rồi một năm, trời làm đại hạn, cây cối khô héo, các dòng suối đều cạn. Cư dân trên đảo chỉ biết khẩn cầu thần linh xót thương, ban cho nước để uống, để cứu cây cói mùa màng, để thoát khỏi nạn đói. Cho tới một đêm tráng sáng tháng 8, một số người trông thấy ngoài biển, giữa vòng hào quang sáng chói có một cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc, ngự trên một phiến đá nhìn đôi trâu trắng đang chọi nhau. Chỉ một lát, hai con trâu biến mất, sau đó, một trận mưa rào đổ xuống làm tươi tốt đất đai khô hạn. Những người dân chài hiểu rằng thần linh ở đây đã che chở cho họ. Để cảm tạ và làm vui lòng thần bảo hộ, người dân nơi đây đã tổ chức chọi trâu và làm thịt trâu để dâng thần.
Ngoài huyền tích kể trên, còn có những câu chuyện như biển Đồ Sơn thường bị thủy quái quấy nhiễu, để được yên ổn làm ăn, dân làng lập đàn cúng để mong thần linh giúp đỡ. Hôm sau thủy quái đầu rồng, mình trâu rất lớn bị chết nổi lên. Dân làng cho rằng thần linh đã diệt họa cho dân nên đã mua trâu về mổ làm lễ tạ. Những con trâu lạ được mua về để cày cấy, tự dưng lại chọi nhau, Từ đó, mỗi năm trước khi mổ trâu tại thần, người ta đều cho trâu chọi nhau, năm này qua năm khác thành tục lệ. Vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành thấy dân có tục chọi trâu lên lệnh cho mở hội.
Cũng có ý kiến cho rằng, đội quân của Nguyễn Hữu Cầu chống lại nhà Trịnh, khi dừng châu tại Đồ Sơn nhìn thấy hai con trâu chọi nhau rất quyết liệt, ông đã cho tổ chức hội chọi trâu để luyện quân và khích lệ tướng sĩ. Mỗi dịp ra quân, ông đều cho mở hội chọi trâu và đều dành thắng lợi.
Trâu chọi có tiêu chuẩn như một “nam vương”
“Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu”.
Câu ca dao được lưu truyền từ đời này sang đời khác để nói về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có lịch sử gần 1.000 năm. Để có được những cặp trâu tham gia lễ hội không phải chuyện dễ dàng trong một sớm một chiều. Sau nhiều ngày liên hệ, tôi mới gặp được cụ Hoàng Gia Thơm, trú tại phường Hải Sơn, năm nay đã gần 80 tuổi, là một nghệ nhân nuôi và chơi trâu chọi.
“Anh là nhà báo à, đi vào đây uống chén nước đã rồi tôi kể cho mà nghe. Nghe tôi kể chuyện về trâu, anh có nghe cả ngày cũng chả hết đâu”, ông cụ hồ hởi.
Sau nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, lễ hội chọi trâu bị gián đoạn qua nhiều thời kỳ, đến năm 1990, lễ hội được phục dựng bài bản theo truyền thống và duy trì cho đến ngày nay. Ngay từ những ngày đầu được phục dựng, cụ Thơm là một trong số các nghệ nhân hưởng ứng nhiệt thành nhất. Trong 25 năm liên tục tham gia lễ hội, trâu của cụ đạt 7 giải, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì và 3 giải ba. Vinh quang là thế, nhưng để gặt hái được thì cụ đã phải đổ nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt.
Xuất thân là anh bộ đội, sau khi giải ngũ, cụ Thơm tham gia công tác tại địa phương và lấy việc mua, nuôi, huấn luyện trâu chọi làm nguồn vui sống. Ban đầu, trâu chọi được quy tụ ở những vùng xung quanh Đồ Sơn, tuy nhiên, trâu đồng bằng thường hiền và không dai sức. Về sau, những người chơi trâu chọi phải đi tứ xứ để tuyển trâu. Cụ Thơm đã đặt dấu chân khắp mọi miền đất nước, từ Bắc vào Nam. Từ Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, vào đến Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang… cho đến sang các nước bạn Lào, Campuchia. Cụ cho hay, trâu ở những vùng này to khỏe, dai sức vì phải kéo gỗ, thồ hàng nhiều, lao động nhiều nên sức đề kháng hơn hẳn trâu vùng đồng bằng.
Để có được trâu chọi ưng ý, cụ Thơm phải trèo đèo lội suối, ăn nằm với dân bản hàng tháng trời. Trâu chọi chuẩn phải đạt nhiều tiêu chí như: Trâu to, đen, có 4 khoáy chung, sừng to, mặt đen, con ngươi phải sâu, mi mắt dày, đặc biệt trâu có khoáy ở mặt thì sẽ chọi hay. Trâu tiêu chuẩn có chiều dài 2,2m, cao từ 1,45 – 1,5m, chân dài, kheo ngắn, móng sò hoặc móng bát, móng phải khít; đuôi dạng đuôi cá hoặc dạng chai, phần dương vật phải to, thâm. Độ tuổi sung sức nhất của trâu chọi là 8 – 9 tuổi, nhưng để chọi hay, có kinh nghiệm thì phải từ 10 - 11 tuổi.
Những kỷ niệm khó quên gắn liền với các “ông Trâu”
Sau khi tham gia nhiều kỳ lễ hội, năm 1997, trâu của cụ Thơm đạt giải nhất, trâu này được mua tại tỉnh Nghệ An. “Ông Trâu” có kỷ niệm mà cụ Thơm nhớ nhất là được mua tại tỉnh Kiên Giang năm 2003. Khi đã chọn được trâu, cụ Thơm thuê người dắt trâu ra người đường lớn để đưa lên xe tải chở về. Nhưng bất ngờ đã có sự cố xảy ra, khi dắt trâu đi qua một ngã ba cũng có một nhà đang nhốt trâu trong chuồng, con trâu của cụ Thơm nhìn thấy đối thủ đã lao vào đánh con trâu này gần chết. Chủ nhà thấy vậy đã gọi công an đến lập biên bản và cụ Thơm bị xử phạt…5 triệu đồng. Về sau, “ông Trâu” này đạt giải nhì trong mùa lễ hội.
Trâu mà cụ Thơm cảm thấy hối tiếc nhất không mua được cũng là trâu ở tỉnh Nghệ An năm 2015. Năm đó, cụ Thơm được lái trâu chỉ dẫn vào nhà một người dân có trâu hay. Nhưng trâu đã được chủ nhà cho người Lào thuê, đưa qua biên giới để tham dự lễ hội truyền thống. Không mua được trâu, cụ Thơm thất thểu ra về. Hai tháng sau, trâu được chủ nhà đưa về, lúc này ông Lê Bá Tuyền (ở phường Ngọc Xuyên) tìm đến và mua được trâu. Con trâu này sau đó đã đạt giải nhất.
Một kỷ niệm dở khóc dở cười khác đó là vào thập niên 90 của thế kỷ trước, cụ Thơm sang vùng đất Hoành Bồ, Quảng Ninh chọn mua trâu. Thời kỳ này, kinh tế eo hẹp và để thuê xe tải chở trâu về là rất khó nên cụ đã dắt trâu đi bộ từ Quảng Ninh về Hải Phòng. Khi trâu đi qua bến phà Rừng (địa bàn giáp ranh Quảng Ninh và Hải Phòng) qua sông Bạch Đằng, khúc sông này có chiều rộng hơn 500m, trâu không thể lên phà, vì vậy phà vừa chạy, trâu vừa bơi dưới sông. Quãng đường ngắn nhất từ phà Rừng về Đồ Sơn là phải qua nội thành Hải Phòng, vì vậy cụ Thơm quyết định dắt trâu… qua phố trước sự kinh ngạc của nhiều người. Lực lượng CSGT định xử phạt nhưng cụ Thơm không đồng ý, cuối cùng CSGT phải chấp nhận để cụ dắt trâu về nhưng với điều kiện phải mua một cái xô để hứng… phân trâu, không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Ăn cùng trâu, ngủ cùng trâu
Khi đã mua được trâu về, công việc huấn luyện trâu trở thành các “võ sĩ” vô cùng công phu, vất vả, không phải tự dưng mà thành trâu chọi. Ông Lê Bá Vẻ, một nghệ nhân chơi trâu chọi phường Vạn Hương chia sẻ kinh nghiệm: “Chuồng nuôi trâu phải rộng rãi, khô ráo, sạch sẽ, phải phun thuốc khử trùng, những ngày thời tiết ẩm ướt, nhiều muỗi phải hun khói và mắc màn cho trâu để đảm bảo sức khỏe. Mùa hè, trâu ngày nào cũng phải tắm, kỳ cọ sạch sẽ móng guốc để không bị nấm và ký sinh trùng.
Về chế độ dinh dưỡng, ngoài việc chăn thả hàng ngày, đến 20h là phải có cỏ tươi cho trâu ăn, cho trâu ăn thêm trứng gà, ăn vitamin B1, B10, cho trâu uống mật gấu để tăng cường thể lực, cho uống nước chè tươi để gân guốc trở nên săn chắc. Khi huấn luyện, trâu phải tập bơi, chạy, lội bùn. Gần đến ngày lễ hội, chủ trâu cho trâu ra làm quen với sân bãi, làm quen với múa cờ, làm quen với tiếng trống, tiếng thanh la, loa đài để trâu dạn dày với “trận mạc”, lỳ lợm không cảm thấy choáng ngợp trước đám đông.
Con trâu hiện tại ông Vẻ mua ở Bình Dương năm 2018 với giá 160 triệu đồng, hoàn toàn từ tiền bản thân chứ không có tổ chức hoặc doanh nghiệp nào đài thọ. Ông thuê một người quản trâu với tiền lương là 4,5 triệu đồng/tháng. Con trâu này đáng lẽ sẽ được cho tham dự lễ hội chọi trâu năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ hội bị tạm dừng. Từ khi tham gia lễ hội, ông đoạt 1 giải nhất năm 2016 và 1 giải nhì năm 2018.
“Chúng tôi tham gia lễ hội vì niềm vui, niềm tự hào chứ không vì mục đích kinh tế, bởi lẽ giải thưởng chỉ mang tính khích lệ, có vài chục triệu đồng, không đủ tiền mua trâu. Năm 2017 xảy ra sự cố trâu húc chết chủ nên từ đó đến nay, vòng sơ loại đã bị bỏ, chỉ còn vòng chung kết, chính vì thế, trâu chọi không được cọ sát nhiều, không được chinh chiến nhiều nên tính hấp dẫn ít nhiều bị giảm đi. Tôi mong mỏi có vòng sơ loại để trâu chúng tôi được tính lũy kinh nghiệm trận mạc, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo về an toàn cho chủ trâu và những người tham gia”, ông Vẻ chia sẻ.
Một ngày trước khi lâm trận, trâu được đưa ra đình làng làm lễ phong “ông Trâu”, khi đó trâu không chỉ là vật nuôi mà là niềm tự hào của cả dân làng. Theo phong tục của địa phương, các trâu tham gia lễ hội dù thắng hay thua đều phải giết thịt để tế thần và cầm xin năm tới cho mưa thuận, gió hòa. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội mang đậm màu sắc tâm linh, thể hiện tâm tư, tình cảm, lối sống của cư dân bản địa. Chính vì vậy, lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013.