Lịch sử đẩy hai ông ở hai đầu chiến tuyến. Người đời cho đến bây giờ vẫn coi vế đối của Ngô Thì Nhậm đáp lại Đặng Trần Thường là một trong những vế đối đại tài của bậc cao nhân và lấy nó làm cách hành xử chẳng thể nào khác: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế".
Hiền nhân quân tử
Sử sách đến nay vẫn còn ghi nhận chiến thắng 29 vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung năm 1789 là cuộc tấn công thần tốc. Thời điểm đó, khi quân Thanh sang đánh nước ta, Ngô Văn Sở là chủ soái trấn ải Bắc Kỳ, Nguyễn Huệ về Phú Xuân tập hợp lực lượng. Trong năm vị chủ soái đóng vai trò tham mưu, trợ giúp đắc lực cho vua Quang Trung, Ngô Thì Nhậm là hiền sĩ được đánh giá cao nhất.
Khi triều Tây Sơn sụp đổ, Gia Long lên ngôi, cầu vọng nhà Thanh, Ngô Thì Nhậm về an trí ở Bích Câu lập chùa nghiên cứu thiền. Gia Long tiêu diệt được Tây Sơn, tập hợp chiêu phụ các sĩ phu sang làm việc cho mình, nhiều tướng sĩ đã cả nể, cầu danh ra làm quan dưới trướng Gia Long. Riêng Ngô Thì Nhậm khẳng khái, nhất định không chịu tái xuất triều đình. Việc làm này đã làm Gia Long vô cùng tức giận.
Nhưng vì danh sĩ họ Ngô là bậc hiền tài nên Gia Long không thể xử tệ. Vì nóng lòng muốn nhận được sự viện trợ của nhà Thanh để bình ổn vương triều mới, Gia Long muốn nhà Thanh công nhận triều đình của mình. Một lần, Gia Long cho người đến hỏi ý kiến Ngô Thì Nhậm về việc có nên lên biên giới nhận sắc phong của nhà Thanh hay không? Cụ Ngô bày tỏ quan điểm thẳng thắn của mình rằng: "Việc ấy chưa từng nghe nói bao giờ. Thường theo lệ của vua nước Nam từ xưa đến nay, muốn sắc phong phải cho sứ giả mang sắc phong đến, không ai tự đi đòi sắc phong". Câu trả lời tỏ rõ thái độ coi thường sự luồn cúi khiến vua Gia Long vô cùng tức giận. Đó cũng là một dự báo cho cái giá quá đắt mà Ngô Thì Nhậm phải trả sau này.
Người dân làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội rất tự hào về truyền thống khoa bảng của mình.
Không thoát mưu kẻ tiểu nhân
Khi Đặng Trần Thường hả hê với thế thượng phong và ra vế đối chế giễu Ngô Thì Nhậm: "Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai ai dễ biết ai", Ngô Thì Nhậm không ngại mà đối lại rằng: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế". Đặng Trần Thường rất uất ức trước mặt bá quan văn võ, bắt Ngô Thì Nhậm đối lại hoặc sửa vế đối nhưng Ngô Thì Nhậm không bắt lời lại. Quá uất ức, Đặng Trần Thường đã cho người tẩm thuốc độc vào roi khiến Ngô Thì Nhậm phải chết sau trận đòn. |
Ngô Thì Nhậm đã từng làm đến chức Tư Nghiệp (Hiệu phó, phụ trách chuyên môn) ở trường Quốc Tử Giám. Sử sách không ghi lại điều này nhưng trong "Thái học môn lâu phú" (Bài phú về ngôi lầu ở cửa nhà Thái Học), nằm giữa sưu tập "Kim mã hành dư" của bộ tùng thư "Ngô gia văn phái" có ghi rằng: "Bất tài như tôi mà được lĩnh chức Tư nghiệp, xin nêu phong phạm của nhà vua để tuyên truyền giáo hóa".
Ngô Thì Nhậm đã "bị" triệu đến "ra mắt" vua Gia Long, giáp mặt tổng quản Bắc Kỳ Đặng Trần Thường. Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm khi đó như là đại diện cho hai mối thâm thù giữa họ Nguyễn Tây Sơn và họ Nguyễn Gia Long. Cho đến nay, dòng họ Ngô ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội vẫn lưu truyền câu chuyện về mối thâm thù thời thơ ấu của Đặng Trần Thường với vị danh sĩ đại tài trong dòng họ mình.
Ông Ngô Đức Diễn, SN 1943, đời thứ 19 dòng họ Ngô, cụ tổ Phúc Cơ cho biết: "Ngày bé, tôi thường nghe ông nội tôi kể lại câu chuyện về cụ Ngô Thì Nhậm. Ngày nhỏ, cụ là đứa bé thông minh, nhanh nhẹn, sau này lớn lên, đỗ đạt, thành tài, ra làm quan giúp sức cho triều đình Tây Sơn vinh danh dòng họ. Đặng Trần Thường vốn xưa là đồng môn một thời với Ngô Thì Nhậm nhưng Ngô Thì Nhậm không thích và giữ khoảng cách. Chuyện xưa kể rằng, Đặng Trần Thường tìm đến nhà đồng môn của mình là cụ Ngô, mang theo rất nhiều lễ vật có giá trị trong đó có một buồng cau rất to, quả đẹp, bày tỏ mong muốn nhờ người bạn đồng môn tìm cách tiến cử mình ra làm quan trong triều Tây Sơn. Tuy nhiên, vốn không ưa bản tính của Đặng Trần Thường, lại là một vị quan thanh liêm, Ngô Thì Nhậm thẳng thừng từ chối. Biết là không thể đi đường tắt, Đặng Trần Thường ngậm ngùi ra về, trong lòng hết sức uất hận. Ra đến ao lớn ngoài ngõ nhà Ngô Thì Nhậm, hắn hất tung buồng cau và lễ vật chìm sâu xuống nước, buông lời thề độc: "Nhất định sau này sẽ trả thù Ngô Thì Nhậm". Một thời gian sau đó, Đặng Trần Thường tự kêu gọi lực lượng chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh, sau này lật đổ được đổ được triều Tây Sơn. Đặng Trần Thường được giữ chức Tổng trấn Bắc Kỳ.
Cuộc giáp mặt với Đặng Trần Thường ở Văn Miếu đã khiến Ngô Thì Nhậm bất ngờ. Khi ở thế thượng phong, Đặng Trần Thường không ngại bộc lộ dã tâm trả thù, nhằm người họ Ngô của cựu triều thất thế. Ngô Thì Nhậm còn thâm thúy báo trước cái chết tủi nhục của kẻ hèn hạ qua một cuộc bói vui khi đến "ra mắt" phó Tổng trấn. Ngô Thì Nhậm xin đem tài đoán số mệnh của mình ra mà phán cho họ Đặng rằng: "Chỉ khoảng năm bảy năm nữa thôi, người đang từ chỗ cao sang hiển vinh nhưng không thể tránh khỏi việc chết treo cổ bởi chính vua Gia Long".
Tượng danh sĩ Ngô Thì Nhậm.
Lời tiên tri lạ
Trong mộ phần của Ngô Thì Nhậm ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, khi được di dời về gần nhà cũ có tìm thấy tấm bia ghi bốn câu: "Hằng tâm hà sa/ Vãng lai vũ trụ/ Bất dẫn bất tử/ Tầm thường li tụ", (Đại ý là Ngô Thì Nhậm coi mình như hạt cát ở sông Hằng, chỉ đến với cuộc đời như một cuộc dạo chơi, thích tự do và không thể khuất phục và ông coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, là quy luật tự nhiên ở đời). |
Tất nhiên, điều tiên tri ấy là ứng nghiệm nhưng hiện lúc đó đã làm Đặng Trần Thường uất ức đến tím tái mặt mày. Họ Đặng cũng không vừa, dùng quyền uy báo trước cho Ngô Thì Nhậm về một thảm họa, rằng: "Vua Gia Long đã cho ứng tất cả những hình phạt nặng nhất đối với vua tôi quan tướng triều đình Tây Sơn bị bắt. Vua Cảnh Thịnh bị tứ mã phanh thây; Thiếu phó Trần Quang Diệu bị "yêu trâm" (chém ngang lưng); Còn nữ đô đốc Bùi Thị Xuân bị hành xử bằng voi giày xéo nhưng vì voi bận đi làm án nên phải chuyển sang xử thiêu sống. Khi đó, Ngô Thì Nhậm đã đau xót nhớ lại cảm giác xót xa khi nghe tin chúa Nguyễn Ánh ngay khi chiếm được Phú Xuân đã cho người quật mộ Quang Trung lên, chém rời thủ cấp bỏ vào sọt, giam trong một gian ngục rồi hàng ngày lệnh cho lính canh phải tiểu tiện vào. Tuy nhiên, ông không lấy đó làm run sợ.
Sau Tết Quý Hợi 1803, quan Chánh, Phó Tổng trấn Bắc Thành của vua Gia Long cho lính đi bắt ba vị tiến sĩ đồng khoa thi năm Ất Mùi 1775 là Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và Ngô Thì Nhậm ra giữa sân Văn Miếu nhận đòn trừng phạt "đả trượng" vì tội đã là sĩ phu, là triều sĩ đại khoa mà lại đi theo "Ngụy Tây" (Tây Sơn). Thường với triều đình xưa, đả trượng là hình thức đánh đòn vào quần áo để hạ nhục danh dự và trừng phạt vua quan khi phạm trọng tội. Riêng Ngô Thì Nhậm bị "chỉ định" là đánh cho đến chết. Nhiều dư luận cho rằng chiếc roi đánh Ngô Thì Nhậm đã bị tẩm thuốc độc do mối thâm thù của Đặng Trần Thường. Điều này đến nay chưa được xác định, nhưng sau khi bị phạt, Nguyễn Thế Lịch và Phan Huy Ích đều có thể về quê sinh sống một cuộc đời khác. Riêng Ngô Thì Nhậm không qua khỏi, về lại quê nhà ở Tả Thanh Oai không lâu sau thì qua đời, hưởng thọ 57 tuổi.
Dương Thu - Trinh Phúc