Đó là di tích ghi công, nơi lưu giữ kỷ niệm về một “người mẹ khổ” đã không quản ngại đói nghèo và nguy hiểm, nhường cơm, sẻ áo, nuôi giấu những cán bộ chiến sỹ cách mạng; là di tích về một người mẹ tảo tần, vĩ đại, người mà lúc trở về, nhà thơ Tố Hữu đã thành kính gọi “mẹ Tơm” để bày tỏ sự tri ân trước những đóng góp, những hi sinh của mẹ cho Đảng, cho nhà thơ và những người đồng chí trong những tháng ngày hoạt động khó khăn, gian khổ.
Theo chân anh Vũ Văn Trung, chắt nội của mẹ Tơm về thăm nhà mẹ, câu chuyện 80 năm trước về bà, về mẹ - một người phụ nữ nghèo mà tảo tần gan dạ được anh kể lại với sự thành kính và tự hào…
Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, phong trào cách mạng đang trong giai đoạn hoạt động bí mật. Đây cũng là thời kỳ cam go, khắc nghiệt bởi kẻ địch khủng bố gắt gao, giết hại nhiều đồng chí của chúng ta nhằm dập tắt phong trào đấu tranh giành chính quyền đang ngày càng lan rộng. Tình hình hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa giai đoạn này cũng trong hoàn cảnh khắc nghiệt chung ấy. Lúc bấy giờ, ở thôn Hanh Cù (nay là thôn Đông Thành, Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) có gia đình bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm) - một gia đình nghèo khổ như mọi gia đình nông dân khác ở Việt Nam, không ruộng đất, nhưng vẫn bám biển bám làng sống nghèo khổ qua ngày bằng củ khoai củ sắn, bằng con cá lá rau kiếm được.
Tuy nghèo khổ là vậy, nhưng gia đình mẹ Tơm vẫn giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, sẵn sàng tham gia và hi sinh cho cuộc đấu tranh dành độc lập của dân tộc. Thắp nén hương thơm lên bàn thờ cụ, anh Trung kể: Mùa thu năm 1942, nhà thơ Tố Hữu cùng với các đồng chí sau khi vượt ngục đã tìm ra Thanh Hóa. Tại đây, ông cùng với các đồng chí của mình được gia đình cụ (mẹ Tơm) nuôi giấu. Giữa lúc quân giặc tăng cường lùng sục, nhằm tiêu diệt lực lượng Cách mạng của chúng ta thì gia đình mẹ Tơm đã đồng ý để các đồng chí trong cơ quan Tỉnh ủy lâm thời sử dụng nhà mình làm cơ sở hoạt động của tổ chức. Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời lúc đó gồm các ông Lê Tất Đắc (Bí thư), Tố Hữu, Hoàng Tiến Trình và một số đồng chí khác cùng trốn từ các nhà tù Đắk Lắk và chiến khu Ngọc Trạo về. Từ đây, ngôi nhà nhỏ làm bằng phên tre, mái rạ trở thành nơi diễn ra các cuộc họp của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Những công việc bí mật như in tài liệu, in báo, truyền đơn vận động quần chúng tham gia cách mạng, lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến được tổ chức Đảng thực hiện dưới sự cảnh giác của mẹ Tơm và những người trong gia đình.
Năm 1942, lúc bấy giờ mẹ Tơm cũng đã ngoài 60 tuổi, nhưng để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức Đảng tại đây, mẹ vẫn ngày ngày tảo tần đi chợ bán mớ rau, mớ cá để kiếm tiền đong gạo, mua củ sắn, củ khoai nuôi các chiến sỹ. Ông Vũ Văn Sởn (chồng mẹ Tơm) làm nhiệm vụ ngồi đan rổ ngoài hè để canh gác, đảm bảo an toàn bí mật cho cơ quan Đảng lâm thời của Thanh Hóa khi ấy. Mẹ Tơm, ban ngày ngoài việc đi chợ kiếm sống cũng tích cực tham gia hoạt động, giúp tổ chức bí mật rải truyền đơn kêu gọi người dân đấu tranh giành độc lập, đêm đến, mẹ lại ra cồn cát gần nhà canh gác động tĩnh và sự soi mói của đám mật thám gian xảo. Hai con trai của mẹ là ông Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu ngày ngày đi cắt tóc dạo, cùng với mẹ nuôi các chiến sĩ Cách mạng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ thông tin liên lạc, đưa báo, tài liệu, truyền đơn đến các cơ sở khác…
Đầu năm 1944, cơ sở hoạt động tại nhà mẹ Tơm của cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa bị lộ, phải di chuyển sang Hà Trung. Tại Hanh Cù, mật thám đã về nhà mẹ Tơm lục soát, đánh đập cả hai ông bà và bắt giam 2 con trai của mẹ. Tại nhà lao Thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ, quân giặc dùng mọi biện pháp tra tấn dã man nhưng 2 người con trai của mẹ không khai một lời nào về tổ chức và các cán bộ Cách mạng. Sau hơn một năm giam giữ nhưng không khai thác được gì, địch buộc phải trả tự do cho 2 ông. Trở về, ông Sồ và ông Hậu lại tìm cách bắt liên lạc với cơ sở và tiếp tục hoạt động, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Sau này, trong bài “Cá nước” in trên báo Nhân Dân (số ra ngày 2/9/1958), đồng chí Lê Tất Đắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thời bấy giờ đã viết: “Trong một thời gian dài hoạt động, cơ quan Tỉnh ủy được bảo vệ an toàn, công tác bảo mật phòng gian rất tốt. Mẹ Tơm cùng chồng lo việc cơm nước, giặt quần áo, canh gác cảnh giới nơi gần nhà, ngày ngày mẹ đi chợ Mành, các thôn xóm để bán rau đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền rải truyền đơn, phát báo”. Năm 1961, 19 năm sau khi trở về thăm mẹ Tơm nhưng mẹ đã khuất bóng, Tố Hữu cũng nhớ về mẹ trong niềm xúc động: Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật/ Buồng Mẹ -buồng tim - giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa... Làng bên động/ Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn…
Mẹ Tơm, người mẹ Việt Nam bình dị với những dãi dầu, tần tảo nắng mưa nhưng cũng thật vĩ đại khi “tạc” bóng mình vào quê hương đất nước, vào lịch sử dân tộc. Cách mạng Tháng 8 thành công, đất nước lại đi qua 2 cuộc chiến vệ quốc, tiếp tục đánh đổi máu xương, nước mắt, hy sinh để 2 tiếng “Độc lập” được cất lên trọn vẹn trong hòa bình.
Sải bước trên mảnh đất Hanh Cù hôm nay, chúng tôi cảm nhận một luồng gió mới, một sức mạnh mới từ bãi dưới, làng trên. Nhà mẹ Tơm xưa nay cảnh vật cũng nhiều thay đổi. Để ghi nhớ công lao của mẹ, năm 1966, Chính phủ đã tặng bằng “Có công với nước” và kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công cho mẹ Tơm và gia đình Mẹ”. Ngôi nhà xưa của mẹ Tơm cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là “Địa điểm di tích lịch sử Cách mạng”. Năm 2010, nhà lưu niệm mẹ Tơm được xây dựng trang trọng. Trong ngôi nhà ấy của mẹ giờ chẳng có truyền đơn, cũng không in báo, viết tài liệu nữa, nhưng bài thơ cho mẹ của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1961 cũng được in trang trọng trên khổ lớn trưng bày trong nhà lưu niệm cùng những hiện vật trong cũ còn lưu lại cũng đủ gợi lại những câu chuyện, những ký ức về mẹ, về người thân của mẹ, về những ngày hoạt động bí mật của Đảng và các chiến sỹ Cách mạng trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt trên mảnh đất Hanh Cù.
Bãi cát Hanh Cù giờ không còn bóng mẹ in trong đêm ngồi canh giặc mà đã tạc vào quê hương xứ sở, để chúng ta mỗi người khi về thăm mẹ thêm phần tự hào, kính phục và ngưỡng mộ mẹ, người phụ nữ Việt Nam tần tảo, bình dị mà vĩ đại. Bất giác 4 câu thơ của Tố Hữu lại trở về trong lòng chúng tôi trên cả chặng đường: Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi/Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi/Sống trong cát, chết vùi trong cát/Những trái tim như ngọc sáng ngời!
Lâm Ngọc