Cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống
Liên quan đến vấn đề tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng thêm 15%.
Tuy nhiên, mới đây khi góp ý về vấn đề này, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tính toán lại các mức điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi nếu thực hiện theo các phương án tăng như đề xuất, thì vượt quá khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước giao đến hơn 7.400 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024.
Trong điều kiện ngân sách Trung ương khó khăn, tiền bố trí cho tăng lương hưu và các khoản trợ cấp hạn chế, trong khi một số địa phương dư nguồn lực lớn cho cải cách tiền lương. Đồng thời, nhằm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước và chủ động nguồn kinh phí, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LLĐ-TB&XH báo cáo cấp thẩm quyền, cho phép dùng nguồn tích lũy của trung ương và tiền còn dư của địa phương sau cải cách tiền lương để chi cho các chính sách này.
Mặc dù vậy, thông tin về vấn đề điều chỉnh lương hưu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Đào Ngọc Dung, vẫn giữ quan điểm là việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng cải cách tiền lương của cán bộ công chức, viên chức (lương công chức, viên chức dự kiến tăng hơn 30%). Việc này để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn khi cải cách tiền lương.
Chia sẻ với Vneconomy, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân- người từng có nhiều năm tham gia xây dựng các chính sách về an sinh, lao động cho hay, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp để tính toán lại các mức điều chỉnh tăng cho phù hợp. “Nếu không điều chỉnh được ở mức 15% thì có thể tăng từ 12 – 13% chẳng hạn" , ông Huân nói.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu tăng 8% như đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì thấp quá, bởi tiền lương công chức, viên chức tăng mấy chục phần trăm, trong khi người về hưu đời sống của họ cũng còn nhiều khó khăn.
Thực tế, lương hưu phụ thuộc vào mức đóng, tức là đóng cao thì hưởng cao và ngược lại. Giải quyết vấn đề này, ông Huân cho rằng có thể tính toán để những người đang có mức lương thấp được điều chỉnh cao hơn. Còn những người có mức quá cao thì điều chỉnh thấp hơn một chút, song không có nghĩa nhóm này điều chỉnh với mức quá thấp được, vì như thế sẽ không đúng với nguyên tắc đóng – hưởng của bảo hiểm xã hội.
“Đóng cao mà cho người ta hưởng thấp thì không ổn. Như vậy, với người có mức lương thấp thì phải có cơ chế bù thêm cho họ, nâng cao đời sống lên. Còn nguyên tắc là đã đóng thấp thì mức hưởng thấp, dù đúng là người có lương hưu thấp rất khó khăn. Vì thế, vấn đề này cần có sự chia sẻ giữa những người tham gia”, ông Huân nhìn nhận.
Trao đổi với Đại Đoàn kết, TS.Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), phương pháp tính lương hưu của chúng ta hiện nay là phương pháp dòng chảy, tức là chi phí để trả cho người hưởng hiện hành thực chất là dựa trên mức đóng của người đang tham gia bảo hiểm xã hội hôm nay. Khi điều chỉnh tăng lương thì đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của những người đang tham gia hiện hành cũng sẽ tăng lên. Đây chính là nguồn đầu vào của quỹ hưu trí.
Bà Hương cho rằng bản chất của lương hưu là tổng tiền đóng của hôm nay sẽ dùng để chi trả cho những người đang hưởng lương hưu ở thời điểm hiện tại. Do đó, khi Chính phủ quyết định tăng lương vào ngày 1/7 cần điều chỉnh mức tăng cho người về hưu phù hợp, đảm bảo một mức hợp lý so với mức tăng của công chức. Đặc biệt, cần chú ý đến nhóm có mức lương hưu thấpi.
Theo bà Hương, việc chênh lệch mức hưởng lương hưu giữa các nhóm là khó tránh khỏi, bởi mức hưởng dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, do đó nếu cùng nhân với một hệ số điều chỉnh giống nhau thì khoảng cách tạo ra càng lớn, những người có lương hưu cao sẽ nhận mức hưởng càng cao và những người lương hưu thấp sẽ bị điều chỉnh thấp hơn. Theo đó, cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỉ lệ % để bù đắp cho họ.
... Để về hưu không còn phải mưu sinh
Với mức tăng dự kiến 15% và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2024, nhiều người hy vọng mức lương hưu sẽ được cải thiện và giúp họ có thể không phải quá chật vật khi mưu sinh giữa “cơn bão giá”’.
Theo Pháp luật & xã hội đưa tin, ông Vương Văn Thủy (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội), năm nay đã ngoài 60 tuổi, từng là công nhân công ty than ở Quảng Ninh, nên dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng do làm việc trong môi trường độc hại nên ông được về hưu trước tuổi. Dù có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng khi cầm quyết định về hưu cách đây 12 năm, mức lương hưu mà ông Thủy nhận được khi đó chỉ là hơn 4 triệu đồng/tháng.
Với mức lương hưu đó, ông Thủy phải nhận thêm công việc làm thợ sửa chữa máy tại huyện Hoài Đức để có thêm nguồn thu nhập, giúp ông và gia đình không quá chật vật để mưu sinh giữa Thủ đô.
Qua nhiều lần điều chỉnh, hiện ông Thủy đang hưởng mức lương hưu là 5,9 triệu đồng/tháng, cộng thêm lương đi làm thêm thì tổng thu nhập hiện tại của ông Thủy vào khoảng 10 triệu đồng/tháng. Theo ông Thủy thì số tiền này không quá nhiều nhưng cũng tạm đủ để sinh sống tại Hà Nội.
Ông Thủy cho biết: “Tại công ty tôi đang làm hiện nay, số người đã về hưu nhưng vẫn đi làm thêm thì không phải là hiếm. Có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn đều vì mục đích trang trải cuộc sống khi mà mức lương hưu chúng tôi nhận được không đủ đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày”.
Cũng như ông Thủy, hiện nhiều công nhân, người lao động, viên chức tại Hà Nội dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tìm kiếm việc làm thêm như: bảo vệ, chạy xe ôm... vì lương hưu không đủ để trang trải cuộc sống.
Dù chưa có sự thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ LĐTB&XH nhưng thông tin việc lương hưu dự kiến tăng 15% và sẽ áp dụng từ 1/7/2024 khiến nhiều người phấn khởi và bàn tán. Nhiều người hy vọng với mức tăng này sẽ giúp họ có được mức lương hưu tốt hơn vào mỗi tháng và qua đó kéo theo cuộc sống cũng đỡ chật vật hơn.
TS.Bùi Sỹ Lợi - chuyên gia cao cấp của Bộ LĐTB&XH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, việc đề xuất tăng lương dựa trên 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là dựa trên tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế phát triển thì người dân, kể cả người đang làm, đang cống hiến và người không còn cống hiến mà hưởng lương hưu thì đều phải được hưởng lợi. Mặt khác, khi tăng lương, chắc chắn sẽ dẫn đến trượt giá. Tiền lương phải đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và phải bù được trượt giá. Vì vậy, mức tăng cho người về hưu từ 10-15% là hợp lý.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần chú ý đến 2 đối tượng về hưu trước năm 1995 và từ 1/7 tới đây. Cụ thể, khi mà chúng ta đang cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, khuyến nghị để đảm bảo công bằng của vị trí việc làm của các năm trước với các năm sau này thì nên điều chỉnh tốc độ tăng cho người về hưu trước năm 1995 cao hơn một chút của người về hưu sau này để giảm bớt khoảng cách chênh lệch của những người đang hưởng lương hưu.
Theo một số chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất của tăng lương hưu là cải thiện đời sống cho người về hưu. Nhưng cải thiện mức lương hưu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, ở góc độ vĩ mô là việc làm sao để Quỹ Bảo hiểm xã hội đầu tư sinh lời được nhiều hơn, nền kinh tế tăng trưởng, ngân sách quốc dân tốt hơn. Như thế mới có điều kiện tăng lương hưu cho mọi người dân.
Nguồn cải cách tăng lương lương hưu để đảm bảo đời sống cho người về hưu là cả một quá trình và phụ thuộc vào nền kinh tế của đất nước. Chúng ta đều biết và chia sẻ việc cần tăng lương hưu ở mức cao hơn. Song vấn đề quan trọng là cần có nguồn. Đây là bài toán phải giải quyết từng bước. Bởi thực tế đã rõ nhưng không có nghĩa là giải quyết được ngay.
M.Vy (t/h)