Người có đói vẫn phải dành thóc cho chim
Về thôn Lạc Thổ (thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh), đến cả các cụ cao niên cũng không thể biết chính xác hội thi chim của làng có từ bao giờ. Người ta chỉ áng chừng hội chim có từ thời Thượng cổ. Số khác lại dựa vào bức Đại Tự của làng còn giữ được mang bốn chữ "Mỹ tục khả phong" (mang nghĩa là phong tục tốt đẹp đáng khen ngợi) được ban tặng từ năm Tự Đức thứ tư (1844) để cho rằng hội thi chim có từ đó.
Ông Nguyễn Trọng Cầu (xóm mới, thôn Lạc Thổ) cho biết, hội thi chim năm nào cũng ngỏ (ngỏ là mở hội), chim được chọn thi là chim bồ câu ta, mỗi "đội tuyển chim" gồm 10 con. Trước đây, hội chỉ mở một lần duy nhất vào dịp hè, nay thường mở một năm hai lần vào tháng 4 và tháng 8, gọi là Xuân Thu - Nhị Kỳ. Thành phần tham gia đủ các lứa tuổi, trong đó có "đội tuyển chim" của các cụ 70, 80 tuổi cho đến các bác trung niên và cả đám trai tráng. Trước giờ thi, bao giờ phía người dẫn chương trình của ban tổ chức hội thi chim cũng tếu táo lưu ý chị em không được sờ vào lồng chim của các cụ. Sát ngày thi, cả đội tuyển 10 chú chim của tất cả các tay chơi đều được chăm sóc cẩn thận.
Cụ Dương Hữu Hồ.
Nhớ lại hội thi chim năm trước, ông Cầu hồ hởi kể: "Do có đủ các tay chơi chim ở mọi lứa tuổi nên phía khán giả cũng phân phe, cổ vũ nhiệt tình chẳng khác nào đi cổ vũ cho một đội bóng đá. Phe trái thì quả quyết đàn chim của cụ cả sẽ về nhất vì trong đàn là sự góp mặt của các "tuyển thủ" kỳ cựu, đã có từ 5 - 10 năm kinh nghiệm thi hội. Trong khi đó, phe phải gồm nhiều thanh niên lại cá cược đội tuyển chim của đám trai làng sẽ bay đẹp nhất, tròn nhất".
Việc huấn luyện chim để mang đi thi hội là vô cùng khó. Chim đạt giải thường là đàn chim bay cao, bay tròn đàn như con bói cá, không gặp phải trường hợp con thì thò ra, con chim khác lại bay thụt vào trong gây vỡ đàn. Khi đứng nhìn, cảm giác đàn chim như một chấm đen trên đỉnh đầu là đàn chim thi đạt tiêu chuẩn. Trung bình, thời gian từ lúc thả đến lúc đàn chim thành hình chấm từ 45 phút đến một tiếng. Kỷ luật thi chim khá nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Chế độ ăn cho đàn chim thi khá tốn kém, thường gồm gạo xay, đỗ xanh, ngô, cám viên và thóc. Ở Lạc Thổ, người ta vẫn truyền nhau câu cửa miệng: "Xưa đến nay, cho dù người làng có đói nhưng vẫn phải dể dành thóc cho chim". Thậm chí, có gia đình còn cấy riêng diện tích thóc cho chim ăn. Chim bồ câu là người bạn, là "đồng đội" và thậm chí được coi là tri kỷ của những tay mê chim Lạc Thổ. Người làng vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện của ông cụ Thư. Khi còn sống, gia cảnh khó khăn, mua được bò gạo về ông liền bớt cho chim ăn. Người vợ thấy vậy thì kêu la, cụ Thư liền bảo: "Tôi sẽ nhịn để cho chim ăn phần gạo của mình...".
Cụ Dương Hữu Hồ (76 tuổi, xóm Vĩnh Tây, thôn Lạc Thổ) là một người có 55 năm tham gia các hội thi chim trong làng, ngoài tỉnh. Nói về quá trình tập luyện cho 10 chú chim trong đàn đi thi, cụ Hồ bảo: "Một đàn chim để tham dự hội thi được thường sẽ cho tập từ 20 ngày đến một tháng. Ban đầu, 10 chú chim được vực đuổi quanh nhà. Khi chim bay cao đến mức không nhìn thấy đuôi thì người chơi sẽ mang cả lồng chim ra đầu làng, rồi xa hơn nữa để thả, chim sẽ tự tìm về ngay sau đó".
Chỉ một tiếng vỗ tay, đàn chim của gia đình anh Năm đồng loạt bay lên.
Chim giống là do dân làng gìn giữ từ xưa, các cụ tự tuyển lựa, sau đó cho nhân giống cho tới ngày hôm nay. Đến đời cụ Hồ thì chỉ còn lại ba đàn chim giống, sau đó cụ tự nhân lên thành năm, bảy và mười đôi chim giống. Một đội tuyển chim 10 con sẽ có cả những chú chim già lão luyện với hội thi và những chú chim trẻ mới tập bay. Hiện, một đôi chim trong "đội tuyển" của các tay chơi Lạc Thổ có giá từ 10 - 15 triệu đồng. Gia đình anh Dương Hữu Năm (thôn Lạc Thổ) đang có một đôi chim già nhất là 20 năm tuổi. Anh là một trong những người trẻ đoạt nhiều giải nhất trong các hội thi chim. Nói về đàn chim của gia đình, anh Năm hồ hởi: "Hiện tại gia đình có gần 100 con chim để thi hàng năm. Chim già nhất 20 năm tuổi vẫn còn đi thi lấy giải. "Đội tuyển chim" của tôi có nhiều hệ, có đội tuyển già, đội tuyển trẻ, có cả những con chim mới trưởng thành". Những con chim được tuyển lựa đi thi phải là chim rắn chắc, người tròn, nhiều lông, mắt tròn, cánh dài, chim còi bị loại khỏi đội thi.
Theo anh Năm, tập luyện cho chim khá công phu. Có người, cả đời có 70 - 80 năm chơi chim, tập cho chim, chỉ mong có được một mảnh vải đỏ (giải thưởng - PV) mà không được toại nguyện. Nhiều thanh niên trẻ mới chơi, hì hục tốn hàng tạ thóc nuôi đàn chim suốt một năm, đến khi thả chim thi, mới được 10 phút thì cả đàn nhập vào đội chim của tay chơi ở huyện khác đi mất.
"Đội tuyển chim" và những điều chưa biết
Đến thăm gia đình anh Dương Hữu Năm (sinh năm 1971, ngõ 3, thôn Lạc Thổ, trưởng hội thi chim thôn Lạc Thổ), chúng tôi thấy trên mái nhà cả đàn chim nằm rỉa cánh, con nào con nấy bụ bẫm, lông mượt và có kích cỡ đều tăm tắp nhau.
Vừa chỉ tay về phía cây sào dài gần chạm nóc nhà, đầu sào buộc một túm túi bóng tua dua, cụ Nguyễn Thị Thành (74 tuổi, mẹ của anh Năm) chậm rãi, Lạc Thổ hiện có chừng 20 người có đàn chim thi hội. Đồ nghề để tập luyện cho chim trong mỗi gia đình thường là một cây sào dài. Nhà nào "sang" hơn thì đầu tư cả trống để rèn chim. Cách vỗ tay để rèn luyện cho chim là thông dụng và khá hiệu quả. Đứng giữa sân, cụ Thành mới vỗ tay vài cái lập tức cả đàn chim câu đang nằm trên mái nhà đồng loạt bay lên cao chừng 5m. "Nhà có một chiếc trống hội của dòng họ, mỗi khi anh con trai gõ trống thì cả đàn chim di chuyển cao, thấp hay xa gần theo từng nhịp trống", cụ Thành nói.
Trong lúc chờ cậu con trai đi công chuyện, bà cụ Thành dẫn chúng tôi đi thăm chốn ăn ở của đàn chim. Cả một dãy nhà nhỏ với các ngăn cho chim trú ngụ, bên cạnh, một vại ngô đã vơi chừng quá nửa là thức ăn của chim. Lúi húi dẫn chúng tôi mục sở thị cả một dãy lồng chim dùng cho mỗi mùa hội, bà cụ Thành chép miệng: "Nuôi chim chẳng khác nào nuôi con mọn, ngày nào tôi cũng mất cả buổi cho chim ăn, uống và dọn chuồng chim".
Kèm theo đó, cụ Thành cũng kể lại những câu chuyện ly kỳ đến khó tin về những chú chim trung thành: "Khi còn sống, cụ ông cũng là một người chơi chim kỳ cựu của làng, chẳng một cuộc thi nào cụ ông không đoạt giải. Trong một hội thi, một chú chim già chừng 15 năm đã nhập vào đội chim của một đàn chim ở huyện khác đi mất. 5 năm sau, chú chim thất lạc bỗng nhiên tìm về được nhà thì chủ của chúng đã qua đời. Lạ thay, chú chim tự xõa cánh, nằm bẹp xuống chân giường, nơi mà khi còn sống cụ ông vẫn hay ngủ. Chừng 5 ngày sau, chim mới chịu bay cùng cả đàn. Chưa thấy con chim nào tình nghĩa như vậy, cả nhà tôi ai cũng quý nó".
Điều thú vị trong mỗi hội thi chim là những đàn chim sau khi hoàn thành đường bay của mình thì tự động tìm về tổ dù cho địa điểm thi xa đến mấy. Trao đổi với PV, anh Dương Hữu Năm cho biết: "Năm 2011, khi mang chim đi thi hội ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), tôi chỉ thả chim sau đó nằm chờ kết quả chấm thi của ban giám khảo. Tôi về đến nhà thì đã thấy cả đội chim đầy đủ trong tổ, không thiếu con nào". Như thấy PV còn nghi ngờ, anh Năm quả quyết: "Cho dù ai mang đàn chim của tôi vào quê Bác thả thì chúng vẫn tìm được đường về nhà".
Cũng theo anh Năm, chim bồ câu được truyền giống từ thời xa xưa trong làng và thuộc dòng chim đưa thư nên khá thông minh. Trước đây, loài chim này được gọi với tên "Nghĩa Điểu", tức là chim có nghĩa với chủ. Có rất nhiều loại chim khác khi sổ lồng thì bay đi mất và không trở lại, gọi là "Bạc Điểu".
Với người dân Lạc Thổ, hội thi chim như một nét văn hóa đẹp được lưu truyền từ ngàn xưa. Qua mỗi giai đoạn, hội chim lại có một vài sự thay đổi song hơn hết, nó vẫn là cầu nối giao lưu, là món ăn tinh thần, là phong tục đậm chất quê của người dân lam lũ.
Điều quý giá - phần thưởng tinh thần Cả một gian nhà và trái nhà của cụ Thành treo kín mít các loại vải đỏ, đây là giải thưởng mà chồng bà và anh Năm giành được qua mỗi hội thi chim. Bà bảo, năm ngoái, con trai bà mang về đến 11 giải nhờ "đội tuyển chim" của gia đình. Nuôi chim tốn kém là vậy nhưng phần thưởng cũng chỉ dừng ở giải thau đồng, mâm đồng hay phích uống nước. Giải cao nhất thì 1 triệu đồng còn thông thường chừng dăm ba trăm ngàn. Tuy nhiên, với những người mê chim, phần thưởng về tinh thần lớn hơn rất nhiều. Nói một hồi, bà cụ Thành thủ thỉ: "Anh Năm tuy còn trẻ nhưng do năm nào cũng giành giải nhất trong các hội thi chim nên mỗi dịp họp làng lại được ngồi mâm trên với các cụ có vai vế. Anh ấy đi đâu cũng được người ta coi trọng. Những cụ nào đạt giải thấp thì vẫn phải ngồi hàng dưới...". |
Yến Dương