Đến Ninh Thuận vào mùa xuân nhưng cây cỏ cũng tiêu điều xơ xác, mảnh đất cằn cỗi đang oằn mình trước cái nắng cháy đầu mùa. Giữa cái nắng, cái gió đó, những nghệ nhân ở làng gốm Bàu Trúc vẫn miệt mài thổi hồn vào đất, tạo nên những tác phẩm gốm độc đáo riêng có của vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm huyền bí này.
Chế độ mẫu hệ hằn trên nét gốm
Sống với đất, gắn bó với đất và chết cũng về với đất. Những người dân trong làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân - Ninh Phước - Ninh Thuận) vẫn thường bảo với nhau như vậy. Đó cũng là những chia sẻ đầu tiên của họ khi một lữ khách như tôi tìm đến ngôi làng đặc biệt này.
Không ồn ào như làng gốm Bát Tràng, không xô bồ như những làng nghề truyền thống ngoài Bắc, bên trong sự yên ả, thanh bình có phần tĩnh lặng của làng quê xa xôi này là một không khí làm việc miệt mài, đam mê của những nghệ nhân chân đất. Để làm được một sản phẩm gốm, họ phải dậy từ 3h sáng để nhào nặn đất sao thật nhuyễn, thật mịn rồi mới đưa vào xoay, tạo hình. Cả quá trình đó, để đảm bảo cho đất tinh khiết, không bám cát bụi, họ phải chân trần làm việc.
Làng Bàu Trúc là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Chăm, từ thế kỷ 12, đồng bào Chăm đã biết làm gốm, khai sinh ra nghề gốm độc đáo này, vì thế đây được coi là nghề gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Theo tiếng Chăm, Bàu Trúc có tên gọi là Paley Hamu Trok, nghĩa là "làng trũng", nằm nhô ra cuối triền sông. Có lẽ cũng chính vì làng trũng nên mới có được loại đất sét đặc biệt, nguyên liệu tốt nhất để làm ra gốm. Gốm Bàu Trúc độc đáo, bởi chỉ cần nhìn qua sản phẩm, người ta đã nhận ra được những nét văn hóa đặc trưng của người Chăm vùng Ninh Thuận, thể hiện hình dáng sản phẩm, họa tiết, hoa văn và cả trong quá trình sáng tạo của các nghệ nhân.
Dòng sông Quao hiền hòa, thơ mộng không chỉ cung cấp nước tưới cho vùng đất khô cằn này mà còn sinh ra loại đất sét đặc biệt, nguyên liệu làm nên gốm. Tôi gặp nghệ nhân Đàng Thị Gia (gần 60 năm tuổi nghề) là một trong những nghệ nhân già vẫn còn trực tiếp tạo hình cho gốm. Ở cái tuổi 74 với mấy chục năm lăn lộn, gắn bó với những thăm trầm làng gốm cổ truyền, nhưng bà Gia trông vẫn còn khỏe mạnh, bàn tay vẫn khéo léo tạo ra những hình hài của sản phẩm.
"Đất sét sông Quao chỉ có thể tạo hình bằng tay mà không thể dùng bàn xoay như các làng nghề gốm khác vẫn làm. Loại đất sét này mịn, mềm, cho ra sản phẩm bóng, đẹp. Đặc biệt đồ ăn, thức uống đựng trong đồ gốm làm từ đất sông Quao rất bền và nhiệt độ bên trong bình gốm thường mát hơn bên ngoài nhiều", đôi tay nhăn nheo gầy của bà Gia vừa xoay gốm vừa kể cho tôi nghe về loài đất quý giá này.
Hẳn rất nhiều người biết, đồng bào Chăm theo chế độ mẫu hệ. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái không phải bắt chồng như một số dân tộc ngoài Bắc nhưng vẫn rất có…giá. Các cô có quyền cưới chồng cho mình, chú rể phải nghe theo sự sắp xếp của cô dâu và bằng giá nào cũng phải về ở rể. Truyền thống đặc biệt đó đến nay vẫn còn giữ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đối với nghề gốm nổi tiếng này, chỉ có phụ nữ mới được phép nặn, tạo hình gốm, còn đàn ông chỉ tham gia những việc như đập, nhào nặn đất, nung gốm mà thôi. Thấy tôi thắc mắc về điều này, bà Gia cười giải thích, theo truyền thuyết kể lại, ông tổ nghề gốm Poklong Chanh khi truyền nghề chỉ dạy cho phụ nữ Chăm. Bởi vậy, dù công việc vất vả cực nhọc nhưng phụ nữ Chăm vẫn là người giữ vai trò chính để giữ nghề và làm nghề.
Gốm Bàu Trúc mang đậm văn hóa Chăm
Dấu ấn người Chăm
Có từ 1.000 năm trước, nhưng cách làm gốm của người Bàu Trúc vẫn tuân theo một phương thức xưa cũ, không hề đổi thay. Tất cả các khâu đều làm bằng tay, từ lấy đất, nhào nặn, tạo hình cho tới nung gốm. Đất lấy ở bờ sông, sau đó nhào thật kỹ đến khi đất thật dẻo mới thôi. Người Chăm tạo hình sản phẩm bằng cách cho đất lên một bệ đá hình trụ, mặt nhẵn, sau đó nghệ nhân đi vòng quanh bệ đỡ để tạo hình dáng sản phẩm. Có lẽ chính cách làm này mới đã tạo ra những sản phẩm độc đáo đến vậy. Trong khi các làng nghề gốm khác dùng bàn xoay để làm tâm thì người Chăm lại dùng đôi chân của mình đi xung quanh bệ đỡ, làm thay việc của bàn xoay. Chính những đôi chân ấy, mỗi năm phải bước hàng triệu bước chân để làm ra những sản phẩm gốm.
Để minh họa cho những giải thích của mình, nghệ nhân Đàng Thị Gia lấy một cục đất sét đã nhuyễn đặt lên bệ đỡ. Và cứ thế, những bước chân nhịp nhàng, mềm mại của bà di chuyển đều đặn quanh bàn đỡ chưa đầy năm phút, chiếc bình bông đã hình thành. Với lấy chiếc khăn để trong bát nước sông Quao bên cạnh, bà Gia vuốt lên thành bình, chỉ một loáng bình bông đã trở nên bóng mượt một cách đáng kinh ngạc. Sau khi lên khuôn, bình bông được đem ra phơi nắng cho tới khô rồi đánh bóng thêm lần nữa. Công việc đánh bóng thường dành cho đàn ông hoặc những người mới vào nghề đảm nhiệm. Sau đó sản phẩm được đem vào lò nung thủ công.
Chiều tà nhưng đất Phan Rang vẫn còn nắng dữ, những cơn gió heo hắt cũng không đủ làm dịu đi cái nắng. Đây cũng là thời điểm người làm gốm đem nung các sản phẩm của mình, hoàn thành công đoạn cuối cùng của nghề gốm. Mùi rơm rạ bay lên trong khói lam chiều làm chạnh lòng những người xa quê, man mác nỗi buồn với kẻ lữ khách. Đã lâu rồi, bà Gia không trực tiếp đốt lò nung gốm, bởi sức bà đã yếu không phù hợp để canh lò. Nhưng có lẽ hôm đó là ngày đặc biệt, bà giành lấy phần khó nhọc đó cho mình. "Hôm nay cháu sẽ thấy cách nung gốm của người Chăm. Cách nung gốm có một không hai thời hiện đại và là bản sắc của người Chăm cháu ạ. Gốm được xếp lên trên lớp củi khô và chất rơm lên trên cùng. Khi đốt bằng rơm, gốm sẽ chín không đều tạo nên những mảng màu sáng tối tự nhiên cho sản phẩm. Chính thứ màu do khói ám đen lại tạo nên sự độc đáo của gốm Bàu Trúc", nghệ nhân 74 tuổi hào hứng cho biết.
Chị Đàng Thị Dung, con gái của bà Gia bật mí thêm, để có được thứ màu ám khói có một không hai này, người Chăm thường lấy một loại rễ cây rừng về chất lên rơm. Khi đốt, khói sẽ tỏa ra từ các loại rễ cây này tạo nên những mảng màu đặc biệt trên các sản phẩm gốm. Không tô vẽ kỳ công, không tráng men hoa lệ, gốm Chăm vẫn giữ được sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp kiêu sa bởi sự mộc mạc, chân chất, in dấu bàn tay của nghệ nhân Chăm.
Chính cách làm gốm "dị thường" này của người Chăm đã tạo ra những sản phẩm không giống ai. Không bàn xoay gò bó, không khuôn mẫu tạo hình, không tráng men hay hóa chất…tất cả chỉ dựa vào bàn tay khéo léo của người làm. Mỗi nghệ nhân một tính cách, một phong cách khác nhau và họ mặc sức thổi hồn vào đất, tạo nên những sản phẩm độc đáo nhất. Trong căn nhà bà Gia và rất nhiều nhà khác ở ngôi làng này trưng bày hàng nghìn sản phẩm gốm, nhưng có một điều đặc biệt, không một sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Mỗi sản phẩm là một sự sáng tạo của người làm. Đó chính là sức sống và sức hút tuyệt vời của gốm Bàu Trúc từ hàng ngàn năm nay.
Loại gốm riêng có của người Chăm Nói về gốm Bàu Trúc, họa sĩ Sĩ Hoàng, người có nhiều năm gắn bó với làng nghề độc đáo này thốt lên: "Hồn gốm chỉ thuộc về những người Bàu Trúc như má Gia và những bà má làm gốm ở Bàu Trúc. Vì chính họ chứ không ai khác đã đưa nghề gốm của ông cha trở thành nghệ thuật. Những mẫu gốm độc đáo ấy, những hoa văn đặc biệt trên gốm được các má lấy ý tưởng từ tháp Chăm, từ ngọn núi Chà Bang, từ hàng rào cây chùm bầu quanh làng, từ những truyền thuyết của làng. Tất cả, cũng như nghề gốm này, là của chung những ai mang dòng máu Chăm". Hồn đất Chợt nghĩ, có thể đây cũng là một trong những nét đặc sắc tạo ra sự khác biệt của gốm Bàu Trúc với các làng nghề gốm khác. Chính bàn tay khéo léo của chị em mới có thể mang đến những tác phẩm nghệ thuật vừa mềm mại và có hồn đến vậy. Người ta gọi đó là hồn đất. |
Quốc Triều