Người dân ở đây hay gọi vui, đây là xã của tình đoàn kết Kinh - Thượng. Thật đúng vậy, chẳng nơi nào mà sự gắn bó bền lâu, sâu sắc của mối tình đoàn kết Kinh -Thượng được thể hiện rõ rệt và bền chặt như thế.
"Em thích anh lâu rồi, anh có muốn lấy em làm vợ không?"
Ông Phạm Hải (84 tuổi) kể lại: "Ngày đó tôi chỉ nghĩ đến nhiệm vụ cách mạng giao cho thôi chứ có biết yêu đương gì đâu. Hơn 40 tuổi đầu mà chưa có một mảnh tình vắt vai. Trong cơ quan cũng có nhiều cô xinh lắm, người Kinh cũng có, người đồng bào cũng có. Bà ấy (bà Y Nảy vợ ông Hải kém ông 17 tuổi-PV) được trên tỉnh cử xuống phụ trách công tác chính trị ở cơ quan tôi, tôi cũng chẳng chú ý gì đến bà ấy đâu. Không ngờ bà ấy lại thích mình, theo dõi, điều tra mình từng ly từng tí mới chết chứ!”.
Hơn 40 năm trôi qua, vợ chồng ông Hải bà Nảy sống rất hạnh phúc bên con cháu
“Tôi còn nhớ, có một hôm tôi và bà ấy ra giếng rửa chén, bà ấy bẽn lẽn nói với tôi: "Em thích anh Hải lâu rồi, anh có muốn lấy em làm vợ không?”. Tôi có ngờ đâu con gái miền ngược lại bạo dạn như thế. Tôi nói dối bà ấy là tôi có vợ ở quê rồi. Nhưng không ngờ bà ấy nói: "Anh đừng có nói dối em, em biết ở quê anh chưa có vợ, anh chưa lấy vợ đâu!”. Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào nữa. Sau hôm đó, anh em đồng đội cứ ghép đôi cho tôi và bà ấy.
Nhưng sự đời cũng thật trớ trêu, không bao lâu sau đó, những câu nói dạn dĩ của bà ấy làm tôi thổn thức không ngủ được, khiến tôi suy nghĩ mãi. Tôi bị ám ảnh nhiều, và chính tôi cũng không thể ngờ rằng qua thời gian, tôi lại thương yêu bà ấy thật lòng. Đến ngày nhận ra mình chẳng thể tìm được người vợ nào hơn bà ấy, thế là tôi chấp nhận lời cầu hôn hôm nào của bà ấy!”, ông Hải cho biết.
Năm 1970, bằng một lễ ra mắt nhỏ trước cơ quan, người con trai quê Bình Sơn, Quảng Ngãi, Phạm Hải và người con gái Xê Đăng, Y Nảy nên duyên vợ chồng. Bà Y Nảy kể lại: "Trước khi đồng ý cưới, ông ấy bắt tôi hứa là sẽ không làm ảnh hưởng đến công tác của nhau và phải yêu nhau suốt đời, không được bỏ nhau. Còn tôi, tôi cũng bắt ông ấy hứa là khi về ra mắt gia đình, buôn làng tôi thì sẽ phải theo tục lệ của buôn làng, không được chê đồ ăn, thức uống, không được từ chối bất kỳ món ăn nào”. Sau khi giao ước xong thì hai người quyết định báo cáo đơn vị để được tổ chức lễ cưới.
Tình yêu và lý tưởng cách mạng đã gắn kết hai con người khác xa nhau về dân tộc, phong tục, tập quán lại với nhau. Nói về những khó khăn trong việc hòa hợp với gia đình hai bên, ông Phạm Hải kể lại: "Ban đầu tôi không dám đưa cô ấy về giới thiệu với bà con, dòng họ. Tôi rất sợ về làng bà con hàng xóm hỏi chuyện vợ con. Đến khi đất nước giải phóng, tôi mới mạnh dạn về thăm quê nhưng chưa dám đưa vợ và đứa con đầu lòng về cùng. Đấu tranh tư tưởng mãi, chỉ đến tối cuối cùng ông mới tập hợp gia đình thú nhận mình đã có vợ, vợ là người dân tộc. Không một tiếng nói, chỉ nghe đâu đó hắt ra tiếng thở dài nhưng rồi ai cũng phải chấp nhận”.
Sau lần chiến thắng tư tưởng này, ông mới dẫn vợ con về quê. Dân làng bóng gió, họ hàng phản đối, ông càng thương vợ con mình. Ai hỏi về vợ con, tôi đều im lặng không hề dám hé răng. Ngày mà tôi đưa bà ấy về giới thiệu họ hàng, làng xóm, ai cũng bất ngờ, cũng có nhiều người ngăn cản, gièm pha ghê lắm.
hưng sau một thời gian sống chung với gia đình nhà chồng, bà ấy thể hiện là một người con dâu giỏi giang, hiểu biết, ngoan hiền nên ai cũng quý bà ấy. Sau khi bà ấy chứng minh cho mọi người thấy, con gái làng này không ai giỏi việc nhà, giỏi việc nước như cô, khiến ai cũng yêu quý, tôn trọng, ông Hải tự hào kể về người vợ giỏi giang.
Nối dài mãi những mối tình Kinh - Xê Đăng
Tình yêu của anh bộ đội Nguyễn Chí Kiệm và cô dân quân Y Bom cũng có một kết thúc đẹp không kém. Vì trót đem lòng yêu thương người con gái Xê Đăng vừa đẹp người, vừa đẹp nết Y Bom mà anh bộ đội Nguyễn Chí Kiệm quyết định gắn bó suốt đời với mảnh đất Đăk Ui, Đăk Hà, Kon Tum nơi ông đã chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất.
Khi được hỏi tại sao lại chọn lấy người con trai miền Trung, bà Y Bom cười: "Thấy thương thì lấy thôi chứ cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, sau này về sống với nhau cũng có nhiều bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen dần và vượt qua được”. Mảnh đất Đăk Ui được ông bà chọn làm tổ ấm, xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong mấy chục năm qua.
Vượt qua những rào cản về phong tục tập quán, hai ông bà Phạm Hải - Y Nảy đã sống hạnh phúc bên nhau được 42 năm. Các con ông bà đều đã khôn lớn, trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Cô con gái thứ tư Phạm Thị Thương giờ đã là Phó văn phòng UBND Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ông bà và các con đang từng ngày góp sức xây dựng vùng quê Đăk Ui anh hùng ngày càng giàu đẹp. Mối tình đẹp của ông bà là minh chứng chân thực nhất cho sự xóa nhòa khoảng cách Kinh - Thượng.
Còn ông bà Nguyễn Chí Kiệm - Y Bom (đều trên 75 tuổi) cũng có 10 đứa con, 5 trai 5 gái, ông bà để cho đứa mang họ cha, đứa mang họ mẹ cho công bằng với hai bên! Các con của ông Kiệm, bà Bom cũng khôn lớn trưởng thành trên chính mảnh đất Đăk Ui này. Họ bây giờ đều đã là những cán bộ của xã, của huyện. Người thì làm công an, bộ đội, người làm giáo viên, người làm cán bộ huyện, người thì đang đi học, ai cũng đang xây dựng tương lai tươi sáng của mình trên chính mảnh đất quê hương.
Những cặp vợ chồng con trai người Kinh lấy con gái Xê Đăng là một nét thú vị đặc biệt và là niềm tự hào của người dân ở vùng đất Đăk Ui. Ở mọi thôn làng của Đăk Ui đều có những gia đình là kết quả của sự kết hợp Kinh - Thượng. Làng Tam Năng có đôi vợ chồng Nguyễn Văn Sinh - Y Ben; thôn 7 thì có Nguyễn Hữu Cương - Y Trí; thôn 8 có Trần Xuân Lành - Y Xã, Trần Đình Minh - Y Mười và rất nhiều, rất nhiều cặp vợ chồng như thế ở đây.
Tiếp nối truyền thống Ông U Brao - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui cho chúng tôi biết: "Những cặp vợ chồng này đều là cán bộ kháng chiến, gắn bó với Đăk Ui từ trong chiến tranh chống Mỹ. Họ lấy nhau và cùng sinh sống trên nơi họ đã từng chiến đấu. Và sau này có thêm những lớp con cháu của họ cũng tiếp nối truyền thống đó. Kinh tế của các gia đình đều tương đối khá giả, trong gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc, con cái được học hành”. |
Nguyễn Tâm