Thi sĩ Nguyễn Hồng Hải xuất thân sinh viên Văn khoa Tổng hợp, làm thơ từ thuở đôi mươi. Năm 21 tuổi anh đã có tập thơ đầu tay Lời yêu của đá (NXB Thanh niên, 1991), được lan truyền rộng rãi trong giới sinh viên ngày đó. 18 năm sau, lắng đọng và sâu đằm hơn, anh in tập thơ thứ hai mang tên Mùa ban mai (NXB Hội nhà văn 2009). Sau 11 năm im lắng, nhiều độc giả bất ngờ khi anh cùng một lúc công bố hai tập thơ: Vườn của mẹ (tập mới gồm 58 bài) và Thơ Nguyễn Hồng Hải (tuyển tập, gồm 81 bài).
Đã có nhiều nhà phê bình viết về thơ anh, đã có nhiều nhận xét, phát hiện quan trọng để nổi lên một phong cách riêng biệt của Nguyễn Hồng Hải. Đó là chất lãng tử hào sảng, nồng nhiệt và phiêu bạt (nhận xét của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha), đó là ân tình sâu nặng với quê hương của một đứa con phương xa luôn khắc khoải một ngày trở về, luôn đong đầy những hoài niệm cũ (nhận xét của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên). Trong bài viết này, tôi muốn nói về thơ Nguyễn Hồng Hải qua một góc nhìn khác. Đó là những bài thơ Không đề 1của anh.
Khảo sát trong tập Vườn của mẹ, thật bất ngờ khi những bài thơ với tựa “Không đề” lên đến con số 17 bài, chiếm tỷ lệ gần 1/3 toàn bộ tập thơ. Theo tôi, chính ở những bài thơ mang tựa “Không đề”, thế giới tâm hồn của tác giả mới có cơ hội được soi chiếu thêm nhiều chiều kích hơn cả, bởi “Không đề” chính là những khoảnh khắc mơ hồ nhất mà có khi cũng thường trực nhất, là những gì không hẳn rõ nét nhưng lại tiệm cận thật nhiều đến phần vô thức của tác giả, thậm chí là bản năng của thi sĩ.
Điểm khác biệt đầu tiên so với tất cả những bài trong tập là dung lượng của tác phẩm. Nếu như nhiều bài thơ của Nguyễn Hồng Hải có độ dài lên tới 40 dòng thơ (các bài Vườn của mẹ, Gió đêm ở Quảng Trị), nhiều bài khác dao động từ 20 đến 30 dòng thơ (Xứ Tuyên nơi em về, Vu vơ chuyện quê, Gửi tháng bảy và em, Mộc Châu…) thì những bài thơ Không đề lại có dung lượng đặc biệt dồn nén, cô đọng. Trong 17 bài Không đề thì có tới 14 bài chỉ gồm 4 câu, còn lại một bài 5 câu và một bài 6 câu. Hình thức của những bài Không đề cũng rất linh hoạt, bao gồm cả lục bát, tự do và năm chữ.
Nhiều bài Không đề của Nguyễn Hồng Hải nói với chúng ta về nỗi cô đơn, về những khát khao yêu thương mà chưa bao giờ được trọn vẹn. Ta hãy xem khi những dòng thơ thẳm vào trong: Ngày nghỉ lễ không gia đình/Thư phòng chống chếnh lặng thinh bốn bề/Một mình hát một mình nghe/Bàn tay ngần ngại vuốt ve tay mình (Không đề 3). Và khi những con chữ hướng ra ngoài mênh mang thăm thẳm: Thêm một mùa ngâu dài tường đên vô cùng/Chẳng có đàn chim nào về bắc cầu Ô Thước/Những ô cửa bao lần mở rồi lại khép/Và con đường thăm thẳm mưa rơi (Không đề 4). Nỗi cô đơn khiến con người nhiều lúc muốn thu mình lại, muốn khép mình hơn: Đường càng đi càng xa/Đêm mỗi ngày mỗi thẳm/Trái tim như ngọn nến/Ngại ngần mùa thu sang (Không đề 5). Nhưng cũng có những lúc, thiên nhiên làm trái tim thi sĩ rung động đến độ không thể cầm lòng, và thế là bất chợt lại gọi lên một niềm nhớ: Thành phố sớm nay quá đỗi dịu dàng/Những mảng nắng mang mang màu cốm mới/Cơn mưa bóng mây thoảng qua rất vội/Chẳng kịp đong đầy nỗi nhớ vu vơ (Không đề 6). Có những bài Không đề như một sự ngoái nhìn và tổng kết những tháng năm, tự thấy mình lạc lõng bơ vơ trong bao xô dạt của dòng đời: Có những buổi chiều không biết về đâu/Sau ồn ã lại lặng thầm đơn độc/Bấm đốt ngón tay đếm thăng trầm được mất/Tuổi năm mươi như dấu hỏi giữa đời (Không đề 7). Chất lãng tử phiêu bạt của Nguyễn Hồng Hải cũng hiện cả vào trong những bài Không đề tứ tuyệt: Hoa cứ thắm và mây chiều cứ biếc/Kiếp lãng du biền biệt chân trời/Em áo trắng phía miền xa vắng nắng/Hay cánh buồm lơ đãng buông trôi (Không đề 9). Trong bước chân của người lãng tử ấy không thể thiếu bóng hình một người con gái. Nhưng sao hạnh phúc, niềm vui cứ lãng đãng xa vời, vụt đến vụt đi khó lòng nắm bắt. Nỗi niềm ấy thôi cũng đành hòa vào kỷ niệm, để thỉnh thoảng lại nhói lên như vết xước trong tim: Thôi đành vậy, cơn mưa rào tháng sáu/Xứ Cheo Reo nắng lửa sắp xa rồi/Thì ánh mắt dùng dằng, cao nguyên ạ/Cơn cớ gì mà khắc khoải khôn nguôi (Không đề 11).
Nhưng bước chân của người lãng tử rất biết mình cần phải trở về. Tôi thấy thi sĩ như mãi mãi muốn làm một đứa trẻ giữa vòng tay quê hương: Cũng từ gốc rạ lớn lên/Phù du phiêu bạt khắp miền bể dâu/Tóc xanh giờ đã chuyển màu/Nghe hương rơm rạ gọi nhau tìm về (Không đề 1). Quê gốc ở Nam Định, sinh ra ở Tuyên Quang, 18 tuổi về Hà Nội, rồi công việc làm báo đưa bàn chân thi sĩ đi khắp các vùng miền tổ quốc, đến bây giờ lại làm việc chủ yếu tại Tp Hồ Chí Minh, Nguyễn Hồng Hải lúc nào cũng da diết một nỗi niềm về nơi anh sinh ra và lớn lên: Tuyên Quang, Tuyên Quang/Những con đường như máu chảy trong tim/Đi suốt cuộc đời không thể nào quên được/Chiều tìm về sông Lô ngập ngừng bến nước/Nào có ai đợi ta mà cứ bồi hồi (Không đề 2).
Tình yêu quê hương, nỗi cô đơn phong trần và chất giang hồ lãng tử đã làm nên một vẻ đẹp riêng cho những bài thơ Không đề của Nguyễn Hồng Hải. Theo tôi, chính những thi phẩm Không đề lại là những bài thơ bộc lộ nhiều góc khuất nhất trong tâm hồn thi sĩ, và cũng vì thế, niềm chân thành ấy đã chạm vào trái tim mỗi người đọc: Rồi ngay cả những hơn thua được mất/Sẽ qua đi như gió thoảng ngang trời/Thì ly rượu cuối cùng xin tiễn biệt/Một sông Hồng lẻ bạn. Và tôi…(Không đề 15)
Tôi tin rằng, mỗi độc giả sẽ có những cảm nhận và rung động của riêng mình khi bước vào thế giới những bài thơ Không đề của Nguyễn Hồng Hải.
(1): Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi tạm đánh số những bài thơ Không đề của Nguyễn Hồng Hải dựa theo vị trí xuất hiện trong tập thơ.
Đỗ Anh Vũ