Thái Nguyên quả không hổ danh là xứ “mở mắt thấy trà”. Trên địa bàn tỉnh có tới hàng chục chợ chuyên doanh, không chỉ là chỗ mua bán trà mà còn là nơi để những người làm trà, yêu trà tụ họp thử trà và bình phẩm. Thứ chè đinh ngon hảo hạng thì không phải nhà nào cũng có, nhưng ở nơi đây còn rất nhiều loại chè khiến cho người uống “mê mẩn”.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 105 chợ nông thôn, trong đó có 17 chợ đầu mối lớn về trà, mỗi chợ cung cấp từ 40-200 tấn trà/năm. Mỗi tháng, chợ nào họp ít cũng 4 bốn phiên, nhiều thì 1 phiên.
Người dân Thái Nguyên có câu: “Ba cây (ki lô mét) một chợ, năm ngày hai phiên” hoặc “Ba cây một chợ, mười ngày bốn phiên” để chỉ mật độ và thời gian diễn ra các chợ trà trên địa bàn tỉnh. Trong 158.700 tấn sản lượng trà búp tươi, tương đương 32.000 tấn trà thành phẩm/năm của tỉnh, có khoảng 80% bán tại chợ nông thôn với giá bình quân 60 triệu đồng/tấn, doanh thu khoảng 19.200 tỉ đồng.
Chúng tôi có mặt tại chợ chè Tân Cương lúc 6h ngày 28 tháng Chạp. Tiếng động cơ ô tô, xe máy, tiếng người nói xôn xao bắt đầu rộ. Người từ khắp nơi chở những bao tải trà nghễu nghện sau xe máy hoặc chất đầy trong thùng ô tô tải đổ về chợ. Mỗi người chiếm một góc để đặt những bao tải trà xuống nền xi măng của nhà lồng chợ. Miệng bao mở sẵn.
Khoảng 7h sáng, người mua bắt đầu đến và chợ lập tức sôi động. Hai mươi cái bàn gỗ, mỗi bàn đặt hai phích nước sôi và hai chục cái chén. Người bán đã mở sẵn những bao trà tươi cười, đon đả mời chào.
Người mua vui chân dừng lại, một tay thọc vào bao nhúm một nhúm trà thả vào lòng bàn tay kia, dàn đều để cảm nhận bằng tay, ngắm bằng mắt, đưa lên mũi ngửi. Nhưng pha trà mới là công đoạn quan trọng nhất. Thả nhúm trà vào một cái chén, mở phích rót nước sôi ngập trà rồi đổ đi để tráng; tiếp tục rót nước sôi ngập trà và lấy một cái chén khác úp lên trên. Hãm chừng mười giây, người mua cầm hai chén trà lên chuyên nước sang nhau để ngắm màu nước, ngửi hương, nhấp vài ngụm mà cảm nhận vị. Khép kín một quy trình thử trà là hình (của búp, cánh), sắc, hương, vị (của nước) và hình (của bã).
Rời chợ Tân Cương trong cái vị ngọt vẫn lưu lại trên đầu lưỡi khi được thưởng thức 1 chén trà ngon hảo hạng, chúng tôi tới chợ xã Bình Sơn, TP. Sông Công cách đó tầm 10km. Chợ ở đây không được đông như chợ Tân Cương nhưng lại có một loại trà đặc biệt, nổi tiếng ở mảnh đất Thái Nguyên, đó là chè hạt – có thâm niên hàng chục năm.
Theo người dân địa phương ở đây, chè hạt được trồng hàng chục năm, có một hương vị rất đặc biệt so với các giống chè mới. Khi uống, vị đậm thay vị thanh dịu, và vị chè sẽ lưu lại rất lâu.
Tại đây, chúng tôi gặp cô Kiều Thị Đương (48 tuổi, ở xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn) nở nụ cười tươi vì cô chở xuống chợ gần 50 ký trà thì đã bán được 30 ký với giá 500.000 đồng/ký. Cô cho biết: “Thấp nhất thì 40 (400.000 đồng/ký), cao nhất là chè đinh (chỉ hái một tôm so với các loại trà khác là hái một tôm hai lá) là 3,6 triệu đồng/ký".
Nhưng cô Đương cũng cho biết: “Giá chợ mùa đông thì cao, nhưng vào mùa hè thì giá chè thấp. Nếu như các vị lãnh đạo không mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước thì người làm chè sẽ còn nhiều vất vả”.
10h, phiên chợ đã kết thúc, theo các thương lái ở đây cho biết, vì là phiên chợ cuối năm nên kết thúc sớm để người dân còn mua sắm tết. Trước khi ra về, chúng tôi cũng kịp mua cho mình 1 ký với giá 500.000 đồng để làm quà biếu gia đình nhân dịp tết nguyên Đán Đinh Dậu 2017.
Công Luân