Hầu hết học viên khi cai nghiện đều mong muốn làm lại cuộc đời để tìm thấy chính mình. Thế nhưng, vừa ra khỏi trung tâm cai nghiện không lâu, nhiều người một lần nữa tự tìm đến với cái "chết trắng". Sau những giây phút phê thuốc, họ phải chiến đấu với sự đau đớn, dày vò về tinh thần lẫn thể xác.
Vật vã tìm lại mình
Chúng tôi đến với Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) tỉnh Bình Phước vào một ngày cuối tháng 8. Trung tâm nằm sâu trên một ngọn đồi thoai thoải bao quanh là những lô cao su ngút ngàn, nhằm hạn chế tối đa điều kiện trốn trại của các học viên. Tại đây, có rất nhiều người thân đến thăm nuôi học viên đang trong giai đoạn cai nghiện.
Ông Nguyễn Văn Nhãn, giám đốc trung tâm cho biết: "Từ năm 2008 đến nay, trung tâm tiếp nhận 613 học viên và có 350 trường hợp được tái hòa nhập cộng đồng. Chủ yếu học viên là các đối tượng có quyết định đưa đi cai bắt buộc của chính quyền địa phương trong thời gian từ 12-24 tháng. Tuy nhiên, hiệu quả cai nghiện thời gian qua không cao, tỉ lệ tái nghiện trên 90%. Sau mỗi lần tái nghiện, học viên thường nghiện nặng hơn và vì vậy, phác đồ điều trị cai nghiện cũng phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều so với cai nghiện lần đầu".
Ông Nguyễn Văn Nhãn (người mặc áo trắng) - giám đốc
Anh N.V.H. (50 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), một trong những học viên có số lần cai nghiện nhiều nhất tại trung tâm bộc bạch: "Cũng như bao người khác, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân. Năm 20 tuổi, tôi lập gia đình và có một con trai. Cuộc sống hạnh phúc, êm đếm cứ thế trôi qua. Nào ngờ trong một lần đi nhậu với bạn, nhân lúc say xỉn không làm chủ được mình, tôi đã "bén duyên" với ma túy và sa chân vào vũng lầy từ ngày đó. Hơn 10 năm nay, tôi đã ra vào trung tâm 4 lần, quãng đời làm cha, làm chồng của tôi chỉ là những chuỗi ngày tái nghiện, cai nghiện nhưng vẫn hoàn... nghiện".
Sống trong niềm day dứt khôn nguôi, tâm trí bị dày vò, chị P.T.T.H. (33 tuổi, công nhân cạo mủ cao su, ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) chia sẻ: "Chiều nào, tôi cũng bám song sắt cửa sổ ngóng trông về phía cổng luôn đóng im ỉm của trung tâm hy vọng thời gian trôi qua mau. Chính tôi đã tự hủy hoại cuộc sống tươi đẹp của mình. Nguồn cơn là vì tính tò mò và nghe theo sự rủ rê của bè bạn, tôi đã đánh mất tất cả. Từ lúc biết tôi bị nghiện ma túy, chồng tôi đã bỏ đi lấy người phụ nữ khác để lại hai đứa con thơ dại cho bà ngoại chăm sóc. Hơn một năm nay, mỗi lần nghĩ đến mẹ và hai cháu, tôi không tài nào ngủ được. Tôi tự hứa với lòng sẽ không để bản thân vấp ngã thêm lần nào nữa, cái giá phải trả quả thật quá đắt".
Cũng bị hành hạ bởi trót lỡ "mắc nợ" với "nàng tiên nâu", anh B.K.T. (34 tuổi, tài xế xe tải, ngụ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho hay: "Gần 4 năm qua, tôi chìm trong sự vật vã của những cơn thèm thuốc. Nhiều lần tôi tự nhủ phải quyết tâm từ bỏ ma túy. Thế nhưng, tất cả đều không thành. Lần này, tôi tự nguyện đăng ký vào trung tâm, hy vọng sẽ không tái nghiện lại nữa. Vợ con ở nhà vẫn luôn quan tâm và trông đợi tôi cai nghiện thành công trở về làm lại từ đầu. Tôi không muốn để gia đình phải thất vọng thêm về bản thân lần nữa".
Trao đổi với PV về nguyên nhân của tình trạng tái nghiện diễn ra ngày càng nhiều như hiện nay, chị Trương Thị Nhằn, cán bộ giáo dục tuyên truyền của trung tâm cho biết: "Người nghiện ma túy nếu đã quen dùng rất khó ngưng thuốc. Ma túy nguy hiểm vì nó gây sự lệ thuộc cả thể chất và tâm lý. Về tâm lý, người nghiện luôn có sự ham muốn, thèm khát không kiềm chế được là phải sử dụng ma túy. Còn về thể chất, nếu quen dùng mà ngưng lại, không sử dụng tiếp, sẽ bị các rối loạn mà từ chuyên môn y dược gọi là bị "hội chứng cai thuốc" gây ra cơn vật vã dữ dội như bị tiêu chảy, ói mửa, đau nhức cơ xương, tim đập hỗn loạn... làm người nghiện đau đớn, khổ sở. Do vậy, việc học viên tái nghiện là chuyện vẫn thường gặp".
Trung tâm CB- GD- LĐXH tỉnh Bình Phước ngồi trò chuyện với các học viên.
Nước mắt từ bi kịch được báo trước
Trên thực tế, đa số những người đi đến với con đường nghiện ngập đều có chung những kết thúc tương tự: Gia đình lục đục, hạnh phúc tan vỡ, kinh tế kiệt quệ và bản thân người nghiện lâm vào bệnh tật, trong đó nhiều người đã mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Chờ đợi họ ở cuối con đường đó là những bi kịch đã được thấy trước. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể nhận ra điều đó để rồi quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhiều năm gắn bó với trung tâm, ông Nguyễn Văn Nhãn nhận định: "Muốn cai nghiện thành công, học viên cần hội tụ đầy đủ nhiều điều kiện quan trọng như: Sự quyết tâm của bản thân người nghiện, sự quan tâm của gia đình, sự bao dung của xã hội, giáo dục tốt của trung tâm cai nghiện...".
Ông Nhãn cho biết thêm: "Trong các yếu tố đó, ý thức người nghiện là yếu tố quan trọng nhất. Theo quan sát của tôi, chỉ những học viên nào có quyết tâm, ý chí kiên định mới cai nghiện thành công. Động lực để tạo quyết tâm cai nghiện cho học viên phần lớn là những cú sốc tâm lý lớn, gây biến đổi toàn bộ nhận thức người nghiện".
Theo ông Nhãn, điển hình như trường hợp của học viên T.H.N. (29 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Anh N. vốn là cán bộ của một cơ quan Nhà nước, vì trót dại nghe bạn bè rủ rê nên N. đã trở thành nô lệ của ma túy. Sau khi N. nghiện ngập, doanh nghiệp của gia đình anh cũng bị phá sản. Bố N. đột ngột qua đời, mẹ N. phải nhập viện vì căn bệnh ung thư máu, các anh chị em N. chỉ lo tranh chấp phân chia gia sản. Nghĩ đến mẹ nằm viện không người chăm sóc, buồn vì cảnh gia đình ly tán, N. đã quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Chính nhờ vậy, N. đã cai nghiện thành công. Hiện N. có một gia đình êm ấm bên vợ và đứa con trai đầu lòng.
Lời trăng trối của một con nghiện
Bên cạnh đó, với một số học viên, tình yêu, hy vọng chính là động lực tốt nhất giúp họ từ bỏ ma túy. Không ít học viên đã tìm được nửa còn lại của mình ngay tại trung tâm, họ cùng động viên nhau cai nghiện thành công, xây dựng cuộc sống mới. Anh N.V.N. và chị P.T.T. là một trong những trường hợp như vậy. Anh N. và chị T. đều là những người có số phận kém may mắn, tìm đến ma túy chỉ vì sự nông nổi nhất thời. Nhờ tình cảm chân thành dành cho nhau mà cả hai đã cai nghiện thành công. Với anh chị , trung tâm cai nghiện là "bà mai" giúp họ có gia đình hạnh phúc.
Trên thực tế, không phải ai cũng được may mắn như anh N. và chị T.. Rất nhiều học viên khi phải đối mặt với tử thần do mắc phải căn bệnh HIV/AIDS, họ mới tỉnh ngộ nhận ra những lầm lỗi của mình. Sự ra đi của họ chính là bài học cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn lưu luyến với "hạnh phúc ảo" do ma túy đem lại. Anh N.V.L. (35 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) trăng trối với những học viên cùng phòng trong nước mắt trước khi chuyển về nhà sống tiếp những ngày còn lại: "Nếu được làm lại từ đầu, tôi thà chết chứ không dám đụng đến ma túy. Giờ tôi ra đi, để lại mẹ già và con nhỏ, không biết sau này họ sẽ sống ra sao. Các anh em ở đây, hãy nghĩ đến cha mẹ, vợ con mà tu tỉnh bản thân. Đừng để như tôi, khi nghĩ lại thì đã không còn cơ hội".
Còn nhiều khó khăn trong công tác cai nghiện Ông Nguyễn Văn Nhãn, giám đốc Trung tâm cho biết: "Do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lực lượng cán bộ trung tâm còn mỏng, một người phải kiêm nhiều chức vụ, khó đảm bảo chất lượng công việc. Cũng vì lý do đó, tháng 10/2012, 131 học viên cai nghiện đã đập tường, cắt rào trốn khỏi trung tâm. Lực lượng chức năng đã tìm và bắt lại gần đủ, chỉ còn sót lại một số trường hợp trốn ra các tỉnh miền Bắc vì địa bàn quá rộng, nên chưa tìm được. Trung tâm đã kiến nghị xét xử lưu động 4 đối tượng cầm đầu trong cuộc "nổi loạn" trên để răn đe nhưng đang chờ cơ quan chức năng xem xét xử lý. |
Hoài Thương - Quyên Triệu