Mảnh đất vốn được coi là một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất vùng Nghệ Tĩnh, từng đi vào thơ ca như một niềm tự hào của người dân xứ này giờ đây chỉ còn là một ngôi làng nổi tiêu điều, xơ xác, vắng bóng người qua lại. Ở ngôi làng ấy, những chuyện thường ngày như cưới xin, học hành cũng trở thành của hiếm. Cả chục năm làng không có lấy một đám cưới linh đình.
Cả làng có một em bé 5 tuổi
Mở đầu câu chuyện với PV, ông Hồ Thanh Bình, cán bộ xã Xuân Giang cao hứng đọc lại câu thơ: "Ai về bến nước Giang Đình/ Nhớ mua vỏ quýt cho mình muối rươi". Giải thích về địa danh trong câu thơ, ông Bình cho hay, trước đây, bến Giang Đình vốn là "cửa khẩu" của làng Hồng Lam. Mấy chục năm về trước làng từng được xem là thương cảng sầm uất bậc nhất nhì vùng Nghệ Tĩnh, là nơi đi lại giao thương buôn bán của người dân trong vùng. Đời sống của người dân ngày ấy vô cùng sung túc, đông vui. Nằm giữa bốn bề sông nước, nhưng người làng không ai cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt và tụt hậu so với đất liền.
Một chuyến đò chuẩn bị vào "ốc đảo"
Kể về lịch sử thành lập ngôi làng, ông Bình cho hay, thôn Hồng Lam có lịch sử hơn 300 năm. Thuở sơ khai, có hai anh em họ Hồ vì nhà nghèo, không có chỗ nương thân trong "đất liền" nên đã đưa nhau ra đây lập nghiệp. Mảnh đất hoang nằm giữa dòng sông Lam ngày một xanh tốt. Người dân quanh vùng kéo đến ngày một đông. Vào những năm 1980, dân số của làng có thời điểm lên tới con số 2000 nhân khẩu.
Với lịch sử oai hùng và sự phát triển trù phú ấy, ít ai ngờ rằng, khoảng 20 năm trở lại đây, ngôi làng lại bị lạc ra khỏi guồng phát triển. Dân số trong làng giảm sút nghiêm trọng. Chỉ trong vòng ba năm (1988 đến 1991), dân số làng này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1500 người. Năm 2011, làng chỉ còn 224 hộ với 667 nhân khẩu, giảm 300 hộ so với 10 năm trước. Tính đến thời điểm hiện tại, tháng 4/2013, làng chỉ còn 208 hộ với 650 nhân khẩu. Về kinh tế, người thôn Hồng Lam giờ chỉ biết sống dựa vào nghề trồng cây đay và cây lạc. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi trâu, bò, gia súc gia cầm. Là một làng sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp nhưng người dân nơi đây phải đi mua gạo để ăn bởi đất trong làng bị nhiễm mặn, không trồng được cây lúa.
Do đặc điểm khác biệt về dân cư và kinh tế nên đời sống của người dân nơi đây cũng có nhiều điều khác xa so với đất liền. Cả làng chỉ có duy nhất một em bé năm tuổi. Vì quá ít học sinh nên xã không thể tổ chức lớp học tại thôn. Hàng ngày, em bé này được cha mẹ đưa đò qua sông để vào đất liền học cùng các trẻ em khác. Trường tiểu học và trung học của làng do có quá ít học sinh nên cũng phải hợp thành một phân viện với trường tiểu học của xã. Cả năm cấp học chỉ có 28 học sinh theo học.
Ông Hồ Thanh Bình, cán bộ xã Xuân Giang trao đổi với PV
10 năm không có đám cưới
Theo lời giới thiệu của vị cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Phong (SN 1967), xóm trưởng thôn Hồng Lam. Thôn Hồng Lam nằm giữa dòng sông Lam với bốn bề sóng nước. Cách duy nhất để đặt chân lên ốc đảo này là đi thuyền chừng 1km. Giong chiếc xe máy và ít đồ đạc đem theo lên chiếc thuyền gỗ cũ kỹ, chúng tôi hăm hở khám phá cuộc sống nơi đây. Ngay khi vừa đặt chân đến ngôi làng, chúng tôi đã cảm nhận rõ sự hoang vu, tĩnh lặng của cuộc sống nơi đây. Con đường bê tông chạy dài trong làng bị bao phủ dày đặc bởi cỏ dại và lá tre hai bên đường. Khó khăn lắm PV mới tìm được một người hỏi đường đến nhà vị trưởng thôn.
Gặp gỡ chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phong nhiệt tình chia sẻ về địa bàn mình quản lý. Ông Phong cho hay: Làng tôi giờ ngày càng thưa vắng. Là người cán bộ quản lý về mặt hành chính, tôi cũng thường xuyên vận động các chi hội trong xóm vận động người dân tích cực xây dựng quê hương. Tuy nhiên, có lẽ vì sức hút kinh tế, nhiều người vẫn rời quê đi làm ăn xa tận miền Nam. Có nhiều gia đình, con cái sau khi lập nghiệp ở nơi khác, còn về quê đưa cha mẹ vào sinh sống. Tính từ năm ngoái đến năm nay, cũng phải có 50 ông bà vào Nam cùng con cháu rồi. Có một điều đặc biệt ở Hồng Lam là đám cưới ở làng ngày càng trở thành "của hiếm". Lớp trẻ trong làng cứ lớn lên là đi ra khỏi làng làm ăn rồi cưới tận đâu đâu, sau đó mới về báo hỉ ở làng. Đám cưới được tổ chức linh đình gần đây nhất là vào năm 2000 của gia đình bà Đỗ Thị Nguyệt. Còn mấy năm trở lại đây, mỗi năm chỉ có 3-4 đám báo hỉ mà thôi.
Lý giải thêm về nguyên nhân dân số trong làng ngày càng giảm sút, ông Phong cho hay, ước mơ về cây cầu nối liền Hồng Lam với đất liền có lẽ còn quá xa vời nên người dân không ai muốn về đây. Hơn nữa, việc xây dựng một ngôi nhà mới ở đây cũng rất khó khăn. Người dân mất rất nhiều chi phí để vận chuyển nguyên vật liệu từ đất liền vào. Nhiều người ước tính, chi phí xây dựng một ngôi nhà ở Hồng Lam cao gấp rưỡi so với ở đất liền. Chính vì thế, nhiều người quyết dành dụm tiền để lên bờ, hoặc đi nơi khác sinh sống.
Hồng Dương
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!