Trắng đêm ngoài... nghĩa địa
Đống Cáo là nghĩa trang chôn cất người mất của hai thôn Lầm Trong và Lầm Ngoài. Khu nghĩa địa này nằm ở mô đất cao, đó là nơi yên nghỉ ngàn đời của những người quá cố. Nhưng hiện nay, những ngôi mộ này đang bị xâm phạm vì nạn đào cổ vật.
Chúng tôi được ông Bùi Văn Tô (SN 1960) dẫn ra khu Đống Cáo để tìm hiểu về hiện tượng đào trộm mộ săn cổ vậåt. Ông Tô cho hay, khoảng 5 năm về trước, những ngôi mộ bắt đầu có hiện tượng bị đào bới, nứt nẻ. Lúc đầu dân làng không biết, nên cứ nghĩ có hiện tượng lạ. Mọi người trong làng đồn thổi về chuyện người âm không bằng lòng với con cháu nên mới có hiện tượng mộ bị nứt nẻ.
Nhiều người dân trong làng đã làm lễ cúng, sửa sang, xây mới lại khang trang hơn. Nhưng sau này, họ mới vỡ lẽ rằng, không phải chỉ một vài ngôi mộ có hiện tượng lạ, mà rất nhiều ngôi mộ trong khu nghĩa trang đều có hiện tượng lạ lùng như vậy. Không lâu sau, người dân tá hỏa khi phát hiện những đồ vật chôn cùng người chết đã biến mất. Dẫn chúng tôi đến gần một ngôi mộ, ông Tô bảo rằng: "Cậu có thấy điều gì lạ không?". Quan sát kỹ, tôi nhận thấy, trên ngôi mộ có nhiều vết đâm xuyên bằng vật cứng nhọn hoặc những vết nứt do đào bới... Theo lời kể của ông Tô, đó chỉ là một trong ngôi mộ đã từng bị những tên trộm vô lương tâm đào bới.
Ông Bùi Văn Tô chỉ cho PV xem những ngôi mộ thường xuyên bị nhóm săn đồ cổ đào bới.
Trao đổi với PV, ông Tô cho biết: "Hiện tượng đó là do những kẻ săn đồ cổ gây ra. Trong năm 2009, có rất nhiều đoàn đến địa phương tìm cổ vật. Họ đi từng tốp khoảng 5 đến 7 người, những chiếc xe chở cồng kềnh đi khắp các ngõ ngách để tìm mua đồ cổ. Họ tìm mua bất cứ thứ gì cũ kỹ, từ những chiêng cổ đến mâm đồng, mâm bạc, hũ đựng rượu, bát đĩa, ấm chén... Nhiều đoàn còn nằm vùng tại địa phương thời gian dài để tìm mua cổ vật. Những kẻ mua đồ cổ này còn bới tung mồ mả của người dân địa phương để tìm cổ vật. Họ lợi dụng lúc đêm hôm hoặc khi mưa to gió lớn mò ra nghĩa địa hòng khai quật những ngôi mộ để "săn" đồ cổ. Phương tiện mà chúng sử dụng là những thanh sắt phi 6, phi 8 dài hơn 1m, đâm xuyên xung quanh mộ. Những đội săn đồ cổ chuyên nghiệp còn trang bị những máy dò chuyên dụng, hiện đại".
Người dân địa phương cho rằng, cứ có đoàn khảo cổ đến địa phương thì y rằng mồ mả của họ sẽ bị xâm phạm?!. Vì vậy, chỉ cần nhìn thấy đoàn người săn cổ vật, dân làng sẽ thông báo cho nhau ra canh nghĩa địa. Thậm chí, chỉ cần nhìn thấy người lạ mặt xuất hiện, dân làng đều đề phòng, cảnh giác. Khi phát hiện những kẻ đào bới những ngôi mộ ngoài nghĩa địa, dân làng lại hò nhau đuổi bắt. "Nhiều đêm, khi phát hiện ánh đèn sáng ngoài nghĩa địa, cả làng lại thức giấc canh mộ. Các gia đình phải thay nhau ngủ canh ngoài nghĩa địa", ông Tô cho biết.
Cũng theo lời của ông Tô, vào những đợt cao điểm, dân làng còn phải thông báo lên xã và có nhờ đến lực lượng chức năng của xã can thiệp. Dân trong làng cũng từng bắt được đối tượng đào trộm mộ. Ông Tô bộc bạch: "Đội săn cổ vật vẫn lăm le, dòm ngó, đào bới ngoài nghĩa địa, chỉ cần nhìn thấy tiếng động, họ sẽ nhanh chóng "lặn" mất hút. Im lặng được thời gian thì đâu lại vào đó".
Ông Hà Công Cún cho hay: Dân làng rất bức xúc vì nạn đào mồ mả săn cổ vật.
Người dương ăn cắp của… người âm
Ông Hà Công Cún (SN 1945) - Đảng viên chi bộ thôn Lầm Ngoài cho hay: "Cả thôn có hơn 200 hộ. Đống Cáo là nơi chôn cất người người chết của dân làng từ ngàn đời nay. Trước đây dân làng có phong tục chôn cổ vật cùng người chết (tập tục từ ngàn đời của vùng Mường Lầm nơi đây-PV). Họ thường chôn những báu vật quý giá như đồ trang sức, vòng bạc, chiêng cổ, mâm cổ hoặc bát đĩa, dao, kiếm... Hiện nay, người dân trong làng cũng có tập tục đó nhưng cũng chỉ chôn những vật dụng thân thuộc như bộ ấm chén, bát đĩa... chứ không có đồ quý giá để chôn cùng người chết như thời các cụ".
Theo lời kể của ông Cún, việc những ngôi mộ cổ bị đào bới xuất phát từ những tin đồn thất thiệt. Trước đây, có người loan tin rằng, tại khu làng cổ Đống Mụa (nay là Đống Cáo-PV) có người đào được những cổ vật là bát đĩa, chum vại cổ... bán được hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, họ truyền tai nhau rằng, còn nhiều ngôi mộ khác cũng chôn rất nhiều cổ vật. Do vậy, ngày càng có nhiều đoàn tìm về đây "săn" cổ vật của người âm.
Ông Cún bảo rằng, cũng có những kẻ loan tin, huyện Kim Bôi là vùng đất huyền bí, có nhiều dòng họ của người Mường sinh sống như: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Chính vì vậy, nơi này có nhiều phong tục, tập quán, trong đó có phong tục chôn cổ vật cùng người chết. Nhiều người hay tin có người đến săn đồ cổ ở xã Nuông Dăm đã tìm được vài món cổ, bán được giá cao nên họ cứ tưởng là đào được từ khu nghĩa địa Đống Cáo. Những tin đồn đó khiến nhiều kẻ bất nhân tìm kiếm vận may bằng cách đào mộ săn cổ vật.
Theo ông Cún, những đối tượng săn đồ cổ gồm những đội chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Chủ yếu là nhóm người từ tỉnh Phú Thọ hoặc từ thị trấn Ba Đồi (huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Những kẻ có kinh nghiệm thì chỉ cần dùng thanh sắt chọc vài cái là biết ngôi mộ nào chôn của cải, còn những kẻ ít kinh nghiệm thì hì hục đào bới, đào được mấy cái bát cũ, mẻ cứ tưởng là đào được báu vật.
Mùa cao điểm nhất là mùa mưa, khi trời mưa, đất mềm, chỉ cần dùng cây sắt là dò được ngôi nào có chôn đồ cổ. Những nhóm này lần tìm từ ngôi mộ cổ nhất đến ngôi mộ mới chôn, từ ngôi mộ xây khang trang của những người giàu có và những ngôi mộ đôi. Họ cho rằng, những mộ này chắc sẽ chôn nhiều của cải. "Không chỉ những ngôi mộ ở khu vực này bị đào mà còn rất nhiều những ngôi mộ ở khắp các nơi, khắp các vùng Mường đều bị những nhóm người đào cổ vật cạy phá. Vùng đất nào càng giàu truyền thống thì càng nằm trong tầm ngắm của những kẻ săn đồ cổ", ông Cún buồn rầu nói.
Việc xâm phạm mồ mả, hài cốt có thể bị phạt tù đến 5 năm Luật sư Vi Văn Diện, công ty luật Thiên Minh cho biết: Theo Điều 629 - Bộ luật Dân sự quy định, việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Còn căn cứ theo BLHS năm 1999 được bổ sung năm 2009, người nào có một trong những hành vi sau: Đào mồ mả để chiếm đoạt các vật có giá trị đã chôn theo người chết (vàng, bạc); phá mồ mả để lấy vật thờ cúng; chiếm đoạt các vật thể trên mồ mả (bia, tượng thờ); hủy hoại mồ mả (san bằng, vứt xác hay hài cốt của người chết đi chỗ khác); đào mồ mả để lấy một phần thi thể của người chết làm vật thờ cúng; xâm phạm thi thể khi được an táng... thì người thực hiện tội phạm này có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm trong trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. |
Hoàng Thế Tào