Đền làng Ngọc Tiên được xây dựng từ thế kỷ 17, Nơi đây thờ tướng Hoàng Quảng, danh tướng thời hậu Lê. Ngài đã có công cầm quân dẹp loạn, giữ yên bờ cõi.
Với công lao đó, trải qua các triều đại phong kiến khác nhau, tướng Hoàng Quảng đã 9 lần được vua ban sắc phong thần. Hiện tại, đền Ngọc Tiên chỉ còn lưu giữ lại được 1 sắc phong.
Hàng năm, từ ngày 13 đến 15 tháng Giếng, làng Ngọc Tiên lại mở lễ hội xuân truyền thống để tưởng nhớ công ơn của tướng Hoàng Quảng.
Lễ hội có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ, đoàn lễ sẽ đi từ khu vực đền làng, đi vòng tròn 2 vòng quanh bờ hồ rồi trở về đền. Đoàn nghi lễ gồm có đội múa rồng đi phía trước, theo sau là đội tế, đội phật tử, đội rước sắc phong, đội rước kiệu bát cống, kiệu Mẫu…
Kiệu bát cống trong lễ hội làng Ngọc Tiên.
Người ta bỏ tiền lẻ, cho trẻ con chui qua kiệu để cầu mong trẻ khỏe mạnh.
Phần hội, có nhiều trò chơi, môn thi dân gian truyền thống như: Thi bắt vịt dưới ao, kéo co, têm trầu, cờ tướng, đu tiên, leo cầu ngô… Đặc biệt, thi Địch hỏa (cọ tre lấy lửa) là trò chơi đặc sặc, không thể thiếu, làm nên nét đặc trưng của lễ hội làng Ngọc Tiên.
Sẽ có 6 giáp trong làng Ngọc Tiên tham gia vào môn thi này. Trước ngày hội thi, những vật dụng cần thiết phải được chuẩn bị kỹ càng.
Thi Địch hỏa vô cùng đặc biệt, người ta không lấy lửa từ bật lửa mà lấy lửa theo cách của người tiền sử: Cọ các thanh tre với nhau tạo ra ma sát đến khi thanh tre trở nên nóng bắn ra tia lửa.
Vật dụng gồm có một viên gạch hoặc một khúc gỗ hình chữ nhật làm giá đỡ. Tiếp đó, quan trọng nhất là lựa chọn tre để đánh lửa. Tre được chọn phải là loại tre già, là tre hóa. Cây tre này có đặc điểm chết khô giữa bụi tre. Trước khi thi, các vận động viên đánh lửa từ thanh tre phải được luyện tập kỹ càng để đảm bảo khi vào hội thì phải đánh ra lửa.
Một vận động viên của một giáp trong làng đang đánh lửa, khói bắt đầu bốc lên.
Tàn lửa từ thanh tre trong quá trình cọ sát được lấy ra.
Tàn lửa được đưa vào bó bùi nhùi để thổi cho lửa bùng lên.
Hội thi diễn ra, 6 giáp sẽ thi với nhau xem giáp nào đánh được ra lửa, châm cháy lá cờ trên cột nhanh nhất để quyết định giải thưởng.
Sau khi đánh được lửa, lửa sẽ được bảo quản trong một bó bùi nhùi để mang về khu vực hành lễ để tổ chức thi nấu cơm, làm bánh.
Giã gạo để chuẩn bị làm bánh giữa các giáp trong làng.
Gạo giã xong được cho vào nồi đồng nấu bánh, lửa được lấy từ hội thi Địch hỏa.
Tiếp đến là công đoạn nấu cơm, ngọn lửa cũng được lấy từ hội Địch hỏa, được nhóm vào bó tre. Gạo sau khi vo sẽ được bỏ vào nồi đồng, tra nước và nấu.
Các giáp sẽ đi vòng quanh trước khu vực đền 1 vòng để nấu cơm, đến khi 1 vòng kết thúc, việc nấu cơm sẽ được dừng lại, phải đảm bảo cơm chín, thơm, ngon.
Cơm và bánh cùng các lễ vật chay sau khi được các giáp hoàn thiện sẽ được dâng vào trong đền làng để cúng sau đó tán lộc cho dân làng.
Trò Địch hỏa gắn liền với nền văn minh lúa nước, mọi công đoạn đều được làm thủ công từ lấy lửa, giã gạo làm bánh, nấu cơm, nấu bánh… chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Làng Ngọc Tiên, thời phong kiến thuộc phủ Xuân Trường, nay là làng Ngọc Tiên xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một làng cổ, có từ thời nhà Lý, đã trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển.