Trước và trong dịp Tết Giáp Thìn này, khắp nơi trên mạng xã hội đều thấy ồn lên về việc giá vé máy bay các chặng trong nước tăng cao một cách bất thường. Không phải gấp rưỡi gấp đôi nữa, mà là gấp ba, có khi gấp bốn. Có nhiều lý do cho sự tăng giá, nhưng theo tôi, lý do lớn nhất nằm ở thời điểm Tết và tập quán về quê ăn Tết của người Việt Nam chúng ta.
Tôi không nắm rõ số liệu thống kê, nhưng có lẽ những đô thị lớn nhất ở nước ta như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng..., cũng là những nơi tập trung đông nhất người tứ xứ đến học hành, lập thân, lập nghiệp, hoặc đơn giản chỉ là buôn bán vặt hay bán sức lao động cơ bắp để độ nhật.
Và cứ mỗi dịp Tết đến thì đa phần trong số họ lại nôn nao muốn “về quê ăn Tết”, lại lo liệu xoay xở đủ thứ, từ thời gian đến tiền bạc, để được “về quê ăn Tết”. Trong nhiều trường hợp bất khả kháng – vì thời gian được/ có thể khá ít nghỉ mà quãng đường di chuyển lại quá dài chẳng hạn – thì đi bằng máy bay sẽ là lựa chọn tối ưu.
Nhắc lại lần nữa, theo tôi, đây chính là một trong những lý do dẫn đến sự tăng giá vé bất thường, và hỗn hào, như ta đã thấy, của các hãng hàng không nội địa dịp Tết Giáp Thìn.
Và cứ mỗi dịp Tết đến nhiều người nôn nao muốn “về quê ăn Tết” (Ảnh minh họa)
Vấn đề không chỉ có vậy. Tôi lấy một thành phố lớn để làm ví dụ: Hà Nội. Trước Tết vài hôm, một nhà văn nổi tiếng nhắn tin cho tôi: “Nhìn thấy khắp nơi là một cuộc tháo chạy tán loạn, như Sài Gòn tháng 4 năm 1975”. Ấy là ông nói cái sự “về quê ăn Tết” đang diễn ra ở Hà Nội đấy. Mà thực ra, sự chuyển dịch dân số ở mức lớn như thế, từ Hà Nội về các thành phố hoặc các vùng quê khác trong dịp Tết, đã diễn ra cả hàng chục năm nay rồi, ít nhất, từ đầu những năm 1990. Tất nhiên điều đó cũng có cái hay: nó khiến cho những người ở Hà Nội nhiều đời – tạm gọi là người “Hà Nội gốc” đi – có được một Hà Nội thực sự là Hà Nội của mình trong khoảng từ chiều 30 đến hết mùng 1 Tết. Thành phố trở nên rộng rãi, vắng vẻ, sạch sẽ, tĩnh lặng đến kỳ lạ khi mà Tết đã “rút ruột” hầu hết dân ngoại tỉnh, trả họ “về quê ăn Tết”.
Nhưng có một câu hỏi: “dân ngoại tỉnh” là những ai? Tôi đoán chắc rằng trong số đó có không ít những gia đình mà cả chồng cả vợ đều đã ở độ tuổi ngũ thập hoặc hơn. Họ có nhà cửa và công việc ổn định ở Hà Nội. Con cái họ sinh ra ở Hà Nội, nói rặt giọng Hà Nội, đã trở thành sinh viên đại học hoặc thậm chí đã bắt đầu đi làm ở Hà Nội.
Nghĩa là, nói cách khác, Hà Nội cũng chính là một thứ “quê” đối với họ, mảnh đất mà, tôi đồng ý với quan điểm của một nữ nhà báo khi viết về chủ đề này: họ phải biết ơn nó không kém việc biết ơn mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Ấy thế nhưng, cứ hễ Tết đến là họ lại bầu đoàn thê tử hối hả... “về quê ăn Tết”, bỏ mặc Hà Nội, hệt như nó chỉ là nơi mà họ sống nhờ ở tạm, mang thân phận dân nhập cư đến mãn kiếp.
Những người phản đối quan điểm này hẳn sẽ đưa lý lẽ: phải “về quê ăn Tết” là vì còn có ông bà, cha mẹ, anh em bạn bè cũ, họ hàng xa gần, rồi phần mộ tổ tiên v.v... Tôi không bác bỏ, vì những yếu tố ấy, những mối liên hệ ấy quả thực rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà “về quê ăn Tết” lại trở thành một cuộc tháo chạy tập thể tưng bừng và đầy tốn kém như thế, lại kéo dài cả chục ngày đến đôi tuần như thế, vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí tiền bạc, vừa gây lắm xáo trộn cho nhịp sinh hoạt bình thường.
Mấy năm gần đây trên truyền thông, truyền hình, báo chí thường có những quảng cáo quảng bá cho ý niệm “về quê ăn Tết” bằng các slogan như: “Tết là đoàn viên”, “Tết là gia đình”, rồi bằng hình ảnh những đứa con đứa cháu hớt hải tàu xe chạy về quây quần quấn túm quanh ông bà cha mẹ.
Cách nay hai ba năm, rapper Đen Vâu cũng từng làm điên đảo mạng xã hội với bài rap “Đi về nhà”, được minh họa bằng những hình ảnh thuộc đúng style “về quê ăn Tết”, “Tết là đoàn viên”, “Tết là gia đình” rất quen thuộc. Thì, dường như nữ nhà báo kể trên đã nói giúp tôi, khi chị nhắc đến những gia đình gốc ngoại tỉnh mà cha mẹ, con cái đều đang lập thân lập nghiệp ở Hà Nội, đại ý: đấy là gia đình chứ đâu, bận công việc, học hành quanh năm, ngày Tết hãy lo đoàn viên với cái gia đình nhỏ của mình cho thật tử tế, rồi từ từ “về quê ăn Tết”, bày tỏ tình cảm trách nhiệm với ông bà vài ngày sau thì có chết ai, việc gì cứ phải cuống cuồng lao mình vào cái thác người kia?
Cứ như tôi nghĩ, “về quê ăn Tết” theo kiểu nó đã và đang diễn ra, có lẽ chỉ hợp nhất với đối tượng sinh viên xa nhà. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của ý nghĩ cá nhân này là: các trường đại học thường cho sinh viên nghỉ Tết khá dài, ba tuần, thậm chí có trường là cả tháng. Không “về quê ăn Tết” thì họ ở lại Hà Nội với ai? Và biết làm gì, lấy gì mà ăn bây giờ?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả