Cứ mỗi độ xuân về là dù ai đang làm gì, ở đâu đều muốn nhanh chóng quay trở về bên gia đình. Ở các thành phố lớn, không khó để bắt gặp cảnh người dân ùn ùn đổ về quê ăn Tết. Không chỉ mang mỗi đồ cá nhân, nhiều người tay xách nách mang với nhiều túi quà lớn nhỏ.
Chứng kiến hình ảnh này, nickname Thanh H. đã bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, quan điểm này đã không nhận được sự ủng hộ từ mọi người.
Theo đó, Thanh H. viết trên trang cá nhân:
“Về quê ăn Tết hay là về hành xác?
Những ngày này, đi đâu ra đường tôi cũng nhìn thấy cảnh người dân về quê, nhưng mỗi người đều tay xách nách mang rất nhiều đồ. Không có xe ô tô riêng mà chỉ đi xe khách cũng rất lắm đồ, điều này khiến cho phụ xe vất vả. Bất giác, tôi chợt nghĩ tại sao lại phải khổ như vậy, chưa kể những người đi xe máy đằng sau xe cũng chằng rất nhiều đồ nữa.
Thiết nghĩ, về quê ăn Tết hay là về hành xác? Nếu đổi lại là tôi tôi sẽ chọn không có Tết và nếu về quê sẽ không bao giờ mang đồ lỉnh kỉnh về”.
Ngay sau khi chia sẻ, ý kiến này đã nhanh chóng vấp phải sự phản ứng của dư luận. Nhiều người đã bày tỏ không vui trước ý kiến này.
Chị Thu Thủy (quê Hưng Yên) bày tỏ: “Đọc phần ý kiến của H. mà tôi cảm thấy buồn. Tôi không biết bạn ấy quê ở đâu chứ như chúng tôi đi làm ăn xa quê, ngày Tết mới được về nên mang nhiều đồ đạc là chuyện dễ hiểu. Có khó khăn trong việc cầm đồ, nhưng tôi thấy vui là được”.
Tương tự, anh Nguyễn Ánh (Phú Thọ) nói: “Gia đình tôi đi làm ăn xa ở Hà Nội, cả vợ chồng và 2 con nhỏ, tuy điều kiện không có nhiều nhưng về quê không thể về tay không được, ít nhất phải có gói bánh, gói kẹo làm quà. Nên tôi không cảm thấy nặng nhọc, thêm một túi đồ có hề gì. Còn nếu bạn bảo không cần Tết nữa thì quả thật sẽ rất buồn, vì dù sao hiện nay, Tết có sự đổi thay nhưng ai cũng đều rất háo hức mỗi khi Tết đến”.
Cùng chung suy nghĩ với anh Ánh, chị Hoàng Lan (Yên Bái) cũng cho hay: “Thật ra, đến Tết là ai cũng ngại mang nhiều đồ đạc vì đi xe bất tiện. Thế nhưng, không có Tết thì chúng ta đâu thể tất bật chuẩn bị đồ như thế. Nói chung, ai nói gì thì nói, tôi thì vẫn thích Tết”.
Chia sẻ thêm ý kiến của mình với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy bày tỏ: “Hiện nay, Tết cũng đã được giản lược đi rất nhiều, ở mỗi một vùng quê cũng đều có đầy đủ bánh, kẹo, đồ dùng cần thiết cho Tết. Biết là không thiếu thốn, nhưng người đi xa quê bao giờ cũng muốn thể hiện chút tấm lòng. Tôi cho đó là điều dễ hiểu, chỉ có điều tôi mong rằng Tết đừng làm phức tạp hóa mọi thứ mà chỉ cần người cho và người nhận có một tấm lòng thật tâm, chân thành, sống nhân nghĩa thì đó mới là gốc, là truyền thống ngày Tết”.
Còn bạn, ý kiến của bạn thế nào về quan điểm nêu trên?