Thuê 20 người khuân vác nhà cổ từ Nhà Bè về Bà Chiểu
Sau nhiều biến thiên của thời gian, nhà cổ của nhà văn hóa Vương Hồng Sển cũng đôi phần hư hao. Tiếp PV trong Vân Đường phủ của cụ Sển, bà Võ Ngọc Liên (con dâu của cụ Sển, SN 1951, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ với nhiều tâm tư tiếc nuối. “Nhiều phần của ngôi nhà đã xuống cấp nhưng tôi không có điều kiện tu bổ. Năm 2003, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xếp hạng ngôi nhà này là di tích cấp thành phố và là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống. Căn nhà được cụ đặt tên là Vân Đường phủ. Vân Đường là một trong những bút hiệu của cụ. Ngôi nhà cổ có 5 gian, 2 chái, ngang 15m, sâu 20m, tọa lạc trên diện tích 750m2”, bà Liên cho biết.
Theo quan sát của PV, căn nhà vẫn giữ được khá nguyên vẹn hình dáng dù có xuống cấp nhiều cột, vì kèo... Ngôi nhà trông khá vững chãi, được chống đỡ bằng những chiếc cột lớn chắc chắn. Mặt trước và bên trong nhà cổ là vô số cấu trúc, hoa văn chạm trổ công phu mang nét cổ xưa. Kèo của ngôi nhà được làm từ những thanh gỗ lớn chắc chắn, điêu khắc nhiều họa tiết tinh xảo. Không gian bên trong được bố trí nhiều ô lấy ánh sáng từ hai bên hông, trên các mái. Các gian đều được lợp ngói đỏ cổ kính. Những viên gạch âm dương màu ngọc bích hiếm có được gắn dọc dưới mái hiên. Nhiều tạp chí danh tiếng trên thế giới như Time, Newsweek từng đến tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của cụ Vương Hồng Sển. Song gỗ hai cánh cửa phía sau mang dáng dấp kiến trúc truyền thống của nhà cổ người Việt.
“Tôi còn nhớ, khi về làm dâu nhà cụ năm 1979, ngôi nhà được rào bằng hàng cây ốc ó. Ở sân, tôi thấy có một hòn non bộ và 7 gốc mai vàng, 1 cây xoài thơm, 1 cây xoài cát Hòa Lộc, phía sau là sầu riêng, vú sữa... Lúc còn sống, cụ ưu ái gọi ngôi là “vuông nhà cổ tích” với đầy đủ cảnh vật của Nam Bộ”, bà Liên nhớ lại.
Theo bà Liên, bà nghe người nhà kể lại, năm 1950, cụ mua xác nhà từ một dòng họ đang sa sút ở Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Lúc đó, ngôi nhà đã được 100 tuổi. Để đem khung nhà từ Phú Xuân về gần chợ Bà Chiểu, cụ thuê 20 người lực lưỡng phụ trách công việc khuân vác. Tuy nhiên, một việc mà ít người biết đến, đó là 20 người cụ thuê lại đều thuộc tổ chức Việt Minh. Cụ Sển biết tiếng Pháp nên tìm cách, góp phần giải cứu 20 người này vượt qua vòng vây nguy hiểm. “Để mua được ngôi nhà ưng ý, cụ đã bỏ công tìm kiếm rất lâu. Sau đó, cụ dồn nhiều tâm huyết để trang trí, phục dựng căn nhà mang dáng dấp cổ xưa, với những cổ vật sưu tầm được trước đó. Sau khi cụ mất, tại gian nhà chính, chúng tôi treo nhiều di ảnh của cụ”, bà Liên cho biết.
Nhà văn hóa liêm chính, mê cổ vật
Nhìn nếp nhà hiểu gia chủ. Nơi ở của nhà văn hóa Vương Hồng Sển nổi tiếng với kho kiến thức khổng lồ, cũng như sở hữu vô số đồ cổ quý giá thì chủ nhân không thể là người xuề xòa. Dưới mái nhà nề nếp ấy, cụ Sển đặt ra nhiều quy định để rèn giũa và đưa nếp nhà vào đúng lề lối mong muốn. Nói về cha chồng, bà Liên nhớ: “Lúc tôi về nhà làm dâu nhà họ Vương, ông cụ và bà cụ vẫn còn khỏe mạnh. Năm 49 tuổi, cụ mới có được người con trai là Vương Hồng Bảo. Tôi và ông Bảo quen nhau từ thuở ấu thơ, lớn lên tôi có chồng, ông Bảo có vợ. Tôi là người giới thiệu người vợ đó cho ông Bảo. Sau đó, vợ chồng ông Bảo chia tay nhau, rồi ông cưới tôi về năm 1979”.
“Lúc đầu, tôi về nhà mà không được cụ hoan nghênh. Tôi cũng không rõ lý do, chắc là hiểu lầm chi đó. Sau khi tôi sinh con đầu lòng với ông Bảo, cụ thay đổi thái độ. Tuy nhiên, phụ nữ ở Vân Đường phủ không có tiếng nói. Phụ nữ không có quyền, chỉ được ở nhà bếp. Khách đến nhà, tôi chỉ đứng ở nhà sau, chắp tay thưa cho cụ biết có người đến. Cụ tiếp thì tôi mời khách lên, còn không thì tôi lễ phép mời họ ra về”, bà Liên nhớ lại.
Cũng theo bà Liên, lúc cụ Vương Hồng Sển còn sống, trong nhà có 1 quản gia phụ trách việc quét tước, lau dọn nhà cửa. Con dâu chỉ phụ trách việc đi chợ nấu cơm. Tiền đi chợ cụ đưa cho, con cái không phải lo kinh tế cho gia đình. Cụ quản lý tiền và đều đặn phát cho các thành viên trong gia đình. Mỗi tháng, cụ phát cho bà Liên tiền chợ, đóng tiền học phí cho 3 đứa cháu nội, tiền mua gạo, tiền cho mỗi người ăn sáng...
Cụ rất quy củ, khách đến nhà phải có hẹn trước, nếu không hẹn, cụ nhất định không gặp. Chỉ các cấp ban ngành đến đột xuất, cụ mới ra tiếp. “Không phải cụ phách lối hay khó khăn, mà bởi vì, cụ dành rất nhiều thời gian để viết sách. Khách không mời mà đến khiến cụ lỡ dở công việc viết lách vốn đã được đưa vào khuôn khổ, giờ giấc. Cụ rất đam mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn những tác phẩm của cụ rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký. Ngoài viết sách, cụ còn đam mê sưu tầm đồ cổ. Cụ bắt đầu đam mê cổ vật bằng việc giữ những món cổ vật yêu thích từ năm 19 tuổi. Cụ giữ tất cả, không bán đi món nào cho đến ngày cụ mất lúc 94 tuổi. Cụ có rất nhiều món cổ vật quý hiếm. Thế nhưng, cuối đời, cụ chỉ giữ lại 2 cái bàn thờ, còn bao nhiêu hiến hết cho Nhà nước", bà Liên tự hào nhắc về cha chồng.
“Cha chồng của tôi sinh tại Sóc Trăng. Cha cụ là Vương Kim Hưng, làm nghề kéo chỉ vàng. Nói về vàng của Vương Kim Hưng thì miễn giám định và miễn trả giá. Hai em trai của cụ đều giàu sang và có địa vị trong xã hội. Căn bản cụ cũng có tiền từ gia đình nhưng vốn tính tình liêm chính nên cụ không giữ nhiều tiền. Để mua được món cổ vật yêu thích, cụ thường cắt bớt tiền sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Chúng tôi luôn vui vẻ để cụ toại nguyện với sở thích. Cụ mê cổ vật đến kỳ lạ, nghe nói có cổ vật quý dù xa bao nhiêu cụ cũng tìm đến nơi”, bà Liên cho biết thêm.
Nhìn bức ảnh của cụ, bà Liên kể tiếp, đương thời, cụ rất nổi tiếng với kiến thức và kho đồ cổ vô giá. Thời Ngô Đình Diệm, nhiều nước mời cụ ra nước ngoài để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về cổ vật. Tuy nhiên, thế lực của Ngô Đình Diệm không thích điều này nên không cho cụ biết mà lại cho người khác đóng giả cụ để đi theo lời mời. Năm 1963, cụ được mời đi Pháp nhưng Diệm cử người khác đóng giả sang đó. Qua đến Pháp, Tổng lãnh sự Pháp mới đuổi người này và nói: “Chúng tôi mời đích danh ông Vương Hồng Sển”. Ông Diệm biết chuyện cảm thấy hổ thẹn nhưng vẫn cho người đến thông báo và mời cụ đi Pháp. Nghe vậy, cụ nói bản thân không có tiền nên không tiện đi. Diệm mới chi tiền mua quần áo, vật dụng... ngay cả tiền cầm tay, cũng chuẩn bị cho cụ. Trước khi qua đời, cụ Vương Hồng Sển đã hiến tặng lại những cổ vật, mà cả đời ông sưu tập được cho thành phố và mong muốn những di vật này sẽ được trưng bày trong ngôi nhà cổ của ông với tên gọi "Nhà lưu niệm Vương Hồng Sển". Tuy nhiên, mong ước ấy đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Ngọc Lài