Ngày 10/10, tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Xuân Nam, người từng giữ chức vụ Kế toán trưởng của tập đoàn.
Quyết định của Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN cho hay, ông Nguyễn Xuân Nam giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc tập đoàn này từ ngày 15/10/2018.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN bày tỏ sự tin tưởng đối với ông Nguyễn Xuân Nam trên cương vị mới.
Là Phó Tổng giám đốc phụ trách về tài chính kế toán, ông Nguyễn Xuân Nam được kỳ vọng sẽ cùng với EVN hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu hoạt động có lãi và đạt được các mục tiêu mà Chính phủ, bộ Tài chính đã đề ra.
Chủ tịch Dương Quang Thành cũng mong muốn ông Nguyễn Xuân Nam sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị của tập đoàn, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác tài chính đúng quy định của pháp luật, quy chế của ngành, cũng như đảm bảo công tác thu xếp vốn cho đầu tư xây dựng các công trình điện.
Hiện tại, ban Tổng giám đốc của EVN đang khuyết chức danh Tổng Giám đốc. Có 5 Phó Tổng giám đốc, bao gồm các ông: Đinh Quang Tri, Ngô Sơn Hải, Nguyễn Tài Anh, Võ Quang Lâm và Nguyễn Xuân Nam.
Trong đó Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri đang thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Tổng Giám đốc EVN.
Theo EVN, sản lượng điện thương phẩm toàn EVN lũy kế 9 tháng ước đạt 143 tỷ kWh, tăng 10,13% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 10,21%.
Trong quý IV/2018, tập đoàn đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất và mua đạt 53,7 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện thương phẩm (kể cả bán cho Lào và Campuchia) đạt 49,7 tỷ kWh.
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ (thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP) thành lập tháng 2/2018. Đơn vị này được ví như một “siêu ủy ban” vì nó quản lý 19 doanh nghiệp Nhà nước với tổng giá trị tài sản là 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 30% tổng giá trị tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó riêng giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước của 19 doanh nghiệp được bàn giao về “siêu uỷ ban” là trên 1 triệu tỷ đồng.
Ngày 30/9 mới đây, ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Lễ ra mắt chính thức.
7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao “siêu ủy ban” quản lý bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tổng công ty Viễn thông MobiFone, tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, tổng công ty Hàng không Việt Nam, tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, tổng công ty Cảng Hàng không, tổng công ty Cà phê Việt Nam, tổng công ty Lương thực miền Nam, tổng công ty lương thực miền Bắc, tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.