Hè đến, thấy các bạn đi du lịch, “check in” hết chỗ này chỗ kia khiến mình cũng nổi máu xê dịch. Khổ nỗi, “ngân sách” hạn hẹp, đi đâu, làm gì cũng phải canh khuyến mại, ưu đãi để tiết kiệm nhất có thể.
Như hiểu được tâm tư của tôi, công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đã ra thông báo mở bán 8.000 vé với giá 10.000 đồng/vé cho hành khách trên một số chặng. Đúng là quá hời cho một chuyến đi chơi. Từ ngày đọc thông báo đó cho đến ngày mở bán vé, không ngày nào tôi không nghĩ đến kỳ nghỉ tuyệt vời của mình.
Hào hứng đến ga Hà Nội xếp hàng mua vé từ sớm tinh mơ vào ngày mở bán, thứ tôi nhận được không phải tấm vé 10.000 đồng mà là sự thất vọng. Hóa ra, phương thức bán vé giá rẻ 10.000 đồng được bán ngẫu nhiên, tức là chỉ khi hành khách hoàn thành việc đặt vé qua mạng hoặc khi người bán nhập thông tin của khách thì hệ thống bán vé điện tử mới hiện giá 10.000 đồng. Do đó, chỉ khi hành khách thanh toán thì mới biết được mua vé giá rẻ hay không.
Mang bức xúc đó đi giãi bày, nhiều người nói rằng đó chỉ là chiêu marketing thường thấy trong các lĩnh vực bán hàng khác theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” để thu hút sự chú ý. Và tôi nghĩ rằng, nếu đây thực sự là một chiêu marketing thì nó đã thất bại hoàn toàn.
Bởi hiệu quả đâu chẳng thấy, chỉ thấy mất thời gian của hành khách và nhân viên bán vé. Hơn nữa, sau “cú lừa truyền thông” này, chắc chắn công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đã hoàn toàn đánh mất chữ “tín” – một trong những giá trị vô cùng quan trọng, quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Gọi là “bị lừa” có lẽ hơi nặng nề bởi cũng đã có nhiều hành khách mua được vé tàu với giá 10.000 đồng. Tuy nhiên chính những hành khách đó cũng cho rằng “mua bán kiểu vậy chẳng khác gì chơi xổ số”. Và đương nhiên, nếu muốn “trúng số” thì họ đã bỏ ra 10.000 đồng để mua vé Vietlott chứ chẳng phải mua vé tàu.
Thôi thì tôi “sức dài, vai rộng” chẳng nói. Nhưng nhìn nhiều ông, bà, các bác đã cao tuổi đứng mòn mỏi xếp hàng từ sáng sớm trong cái nóng hầm hập của mùa hè Hà Nội rồi ra về với một gương mặt chưng hửng đến tội nghiệp mà bản thân không khỏi bức xúc với cách truyền thông của công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội. Đúng là làm truyền thông, nếu khách hàng không “thông” thì đừng “truyền”.
Và cho đến ngày hôm nay, tôi càng thấm thía hơn câu nói: “Bữa ăn miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Thôi thì những hành khách như chúng tôi không cần những tấm vé “giá rẻ như cho”, nhưng cũng đừng bán vé với “giá cắt cổ” là tốt lắm rồi.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả