Thoát nghèo nhờ cá lồng
Ban đầu chỉ lác đác một vài hộ dân thử nghiệm với mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện An Khê, thị xã An Khê tỉnh Gia Lai. Nhờ sự đột phá trong hướng đi mới, sau vài tháng thử nghiệm cá phát triển xuất bán giá thành cao mang lại nguồi lợi kinh tế lớn.
Từ đó, mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện được nhân rộng, hàng trăm người dân địa phương mạnh dạn đầu tư vốn liếng phát triển mô hình.
Nhờ thiên thời địa lợi, sau thời gian vài tháng cá lớn nhanh, thương lái tìm đến tận nơi thu mua. Nhờ đó, chỉ sau vài năm tại thủy điện An Khê được nhiều người ví như “thủ phủ” cá lồng.
Ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, chông chênh rẽ nước, sau khoảng 30 phút chúng tôi có mặt tại “thủ phủ” cá lồng.
Chúng tôi ghé thăm trại cá lồng của anh Nguyễn Văn Thơm, 42 tuổi, trú thôn 3, xã Xuân An, thị xã An Khê.
Anh Thơm cho biết, năm 2012 gia đình tiên phong mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng ở lòng hồ thủy điện An Khê. Là người khởi đầu nên gia đình anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai đầu tư vốn, anh phát triển hơn 10 lồng nuôi cá.
Anh Thơm tâm sự: "Gia đình tôi bao thế hệ gắn bó với nghề nông nghiệp lúa nước, đột ngột chuyển qua mô hình nuôi cá nên bước đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng internet, tham quan các mô hình nuôi các vùng lân cận. Được thời gian, tôi bắt đầu nuôi nhưng không đem lại hiệu quả. Toàn bộ cá đều chết do bị bệnh nấm mang khiến tôi thua lỗ, kinh tế gia đình lao đao".
Sau những thất bại ban đầu, anh Thơm tích cực tìm hiểu thông tin trên các trang mạng để tích lũy kiến thức. Anh biết cách mua vôi về để sát trùng cho cá, đầu tư thiết bị thở oxy cho thể trạng cá khỏe, giảm thiểu được dịch bệnh trên cá.
Trong quá trình nuôi, anh xây dựng diện tích lồng bè 50m2/lồng, nước sâu 4m, được phủ nhiều lớp lưới và tạo không gian rộng để đàn cá bơi lội thoải mái, khỏe mạnh, mau lớn; đồng thời hạn chế dịch bệnh.
Sau 8 tháng thả lứa đầu tiên, đàn cá của anh khỏe mạnh, đạt trọng lượng tốt để thu hoạch. Bước đầu có được hiệu quả, anh Thơm cùng nhiều hộ dân trong xã liên kết phát triển nghề nuôi cá trên lòng hồ thủy điện với hơn 200 lồng.
Theo anh Thơm, nếu nuôi tốt thì một lồng mỗi năm sẽ thu được từ 3-5 tấn cá thương phẩm. Với giá bán 35.000-50.000 đồng/kg cá diêu hồng, gia đình anh thu về 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tèo, 50 tuổi, trú thôn 3, xã Xuân An cũng nuôi hơn 60 lồng cá diêu hồng, cá trê,… Mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Ông Tèo cho biết, nghề nuôi cá lồng cho thu nhập cao vì giá trị sản phẩm kinh tế cao hơn so với các con nuôi khác.
Trước kia, gia đình ông sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn không thoát được nghèo. Kể từ khi nuôi cá ở lòng hồ thủy điện An Khê, cuộc sống đã thay đổi nhiều và ổn định hơn.
“Nuôi cá trong lồng không hề dễ, cần phải đảm bảo theo rất nhiều quy trình. Cụ thể, sau khi thu hoạch cá, người nuôi cần vệ sinh lồng cá, cọ sạch bên trong và ngoài lưới. Thường xuyên theo dõi lồng, bè để theo dõi sức khỏe của đàn cá, nếu cá có dấu hiệu lạ thì ngay lập tức có biện pháp khắc phục”, ông Tèo chia sẻ.
Hỗ trợ nguời dân phát triển
Nhiều năm qua, để giúp cho bà con ở các vùng ven hồ phát triển nuôi cá lồng, UBND xã Xuân An đã có nhiều chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng cho người dân.
Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng phương pháp nuôi cá lồng tiên tiến, nghề nuôi cá lồng của địa phương đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, các hộ nuôi sau khi trừ chi phí, đều cho thu nhập khá trở lên.
Ông Phan Vĩnh Tấn, Phó Phòng Kinh tế thị xã An Khê cho hay, toàn thị xã có 369 lồng cá của 13 hộ dân ở xã Xuân An đang nuôi trên lòng hồ Thủy điện An Khê với các loại cá được thả như cá điêu hồng, cá rô phi, cá trê, mỗi năm đạt sản lượng hơn 1.800 tấn cá thương phẩm.
“Thị xã đã xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nuôi cá lồng, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một số chính sách thực hiện mô hình trình diễn cho bà con nông dân.
Chúng tôi cũng khuyến khích người dân đưa giống cá mới phù hợp vào nuôi. Đồng thời, nuôi cá theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường. Việc xây dựng quy hoạch theo định hướng của thị xã, chúng tôi tuyên truyền, khuyến cáo người dân dừng nhân rộng mô hình để đảm bảo an toàn môi trường nước”, ông Tấn cho biết.