Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed tại đêm ngày 22/3 đã có thông báo nâng lãi suất quỹ liên bang lần thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 3/2022, từ khoảng mục tiêu 4,5 – 4,75% lên 4,75 – 5%, tức nâng thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đúng như dự báo của thị trường.
Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 9/2007. Ngoài ra, Fed cho biết, có thể còn tăng thêm một đợt lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, nếu Fed tăng lãi suất mạnh hơn, thanh khoản càng thắt chặt hơn nữa, cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể trở nên trầm trọng hơn, đẩy cao nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.
Việc Fed tăng lãi suất có thể ghìm lạm phát, nhưng sẽ khiến người Mỹ nặng gánh hơn khi vay mua nhà, xe, dùng thẻ tín dụng; các doanh nghiệp có thể sẽ vay và chi tiêu ít hơn, từ đó giảm lạm phát.
Nhưng điều này cũng kéo theo nhiều hệ lụy khác như làm giảm tăng trưởng kinh tế, thể hiện rõ nhất là chỉ số Dow Jones mất 530 điểm ngay sau thông báo của Fed.
Đồng thời, động thái tăng lãi suất này cũng kéo theo việc nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã phải tăng lãi suất theo để duy trì cán cân thị trường. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong ngắn hạn cũng sẽ chịu biến động.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc phân tích nghiên cứu, CTCP Chứng khoán VCB (VCBS) và ông Trần Quý Dương, Giám Đốc chi nhánh quận 1, CTCK Phú Hưng đều chung quan điểm rằng trong trung và dài hạn, TTCK Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng.
Ảnh hưởng đến thị trường là không đáng kể
Người Đưa Tin: Động thái tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) của Fed đã nằm trong dự đoán của giới đầu tư, vậy điều này có tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam không, thưa ông, thị trường trong ngắn – trung hạn sẽ có diễn biến ra sao?
Ông Trần Minh Hoàng: Theo đánh giá của cá nhân tôi, mức tăng 25 điểm của Fed theo khá sát kỳ vọng của nhiều thành viên thị trường sau sự kiện ngân hàng SVB cũng như ngân hàng Signature. Cũng cần lưu ý thêm, hồi đầu tháng 3 trước khi các sự kiện trên xảy ra, dựa trên các công bố về số liệu lạm phát và việc làm, các kịch bản về mức tăng lên đến 50 điểm đã được nhắc tới nhiều hơn.
Một điểm đáng chú ý giai đoạn này là việc kỳ vọng của các thành viên thị trường đối với các chính sách tiền tệ của các NHTW có sự khác biệt lớn do đó hiệu quả của biện pháp định hướng chính sách (forward guidance) suy giảm đáng kể. Theo đó, mức độ biến động thị trường tài chính (vốn ưa thích sự chắc chắn và có thể dự báo) ở mức cao và tiếp tục nhạy cảm với các thông tin kinh tế vĩ mô. Trong dài hạn, có thể thấy mặc dù Fed đã tiến gần tới mức lãi suất mục tiêu cuối cùng nhưng lãi suất vẫn đang trong xu hướng tăng. Điểm sáng giai đoạn này là cam kết của hàng loạt NHTW lớn như Fed, ECB, BOE, BOJ,… trong việc hỗ trợ và đảm bảo thanh khoản thị trường.
Đứng từ góc độ thị trường chứng khoán phiên ngày 23/3, tốc độ giao dịch chậm cùng việc thanh khoản có phần sụt giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng trước ảnh hưởng của việc Fed nâng lãi suất và những diễn biến chưa lạc quan trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Lãi suất bao giờ mới hạ nhiệt?
NĐT: Trong khi các quan chức tỏ ra thận trọng với cuộc khủng hoảng ngân hàng mới đây nhưng vẫn ưu tiên mục tiêu chống lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Vậy Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất này trong bao lâu?
Ông Trần Minh Hoàng: Trước tiên, để tìm kiếm câu trả lời cho bài toán này, cần nhìn vào quan điểm của Fed với triển vọng kinh tế Mỹ. Cụ thể, trong cuộc họp tháng 3 lạm phát năm 2023 được dự báo tăng lên 3,3% so với mức 3,1% dự báo trong tháng 12. Tỉ lệ thất nghiệp được dự báo giảm xuống 4,5% trong khi triển vọng tăng trưởng GDP cũng được hạ xuống 0,4%. Xuyên suốt trong các biên bản của Fed, luôn đề cập đến thị trường lao động thắt chặt và lạm phát ở ngưỡng cao một cách dai dẳng so với mục tiêu 2%. Do đó, hai bài toán chưa có lời giải của Fed hiện tại bao gồm: một là giữ ổn định cho hệ thống tài chính và ngân hàng, thứ hai, vẫn phải giữ mặt bằng lãi suất cao để ứng phó với lạm phát dai dẳng. Chính vì vậy, dù đã tiến gần đến mức mục tiêu lãi suất cuối cùng, Fed vẫn có thể phải tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Theo đó, Fed đã đưa ra thông điệp về các biện pháp bổ sung mà cụ thể nhất có thể quan sát là biện pháp hỗ trợ thanh khoản thông qua việc cho phép vay cầm cố bằng các tài sản chất lượng cao nhằm tránh tái diễn sự kiện SVB.
Ông Trần Quý Dương: Fed luôn hành xử theo định lượng, chỉ khi có những số liệu chứng minh lạm phát đã được kìm hãm ở mức hợp lý thì Fed sẽ giữ nguyên/hoặc thậm chí hạ mặt bằng lãi suất để duy trì lạm phát. Theo lịch sử, từ lúc lạm phát được kiềm chế, Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thêm khoảng 1 năm trước khi có động thái mới.
Ngành ngân hàng mất triển vọng đầu tư
NĐT: Dòng cổ phiếu ngân hàng còn triển vọng đầu tư trong năm 2023 không, thưa ông, nhà đầu tư nên quản trị danh mục thế nào để sẵn sàng trước những thông tin vĩ mô không mấy khả quan sắp tới?
Ông Trần Minh Hoàng: Ngân hàng là ngành chiếm tỉ trọng lớn, đóng góp lớn với TTCK khi xét tới vốn hóa, quy mô doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, ngân hàng cũng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Do đó, ngành ngân hàng cũng giống như huyết mạch của nền kinh tế khi mạch máu tắc nghẽn, cơ thể không thể vận động một cách tối ưu.
Trong năm 2022, mặt bằng lãi suất tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn đã tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống ngân hàng. Thậm chí, áp lực này vẫn được đánh giá luôn thường trực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 như đã phân tích ở trên.
Theo đó, các khó khăn đối với ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 là điều đã được chúng tôi dự báo từ trước với LNTT toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kỳ vọng chỉ khoảng 10%. Điều này càng được thể hiện khi mức tăng trưởng tin dụng trong 2 tháng đầu năm nay ước đạt ~1%. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Xem xét quyết định đầu tư dài hạn có thể xem xét với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, room tín dụng cao và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành.
Bên cạnh ngành ngân hàng, các nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc một số ngành có lợi thế của Việt Nam và/hoặc được hưởng lợi từ diễn biến giá nguyên vật liệu trên thế giới như bất động sản khu công nghiệp, dầu khí.
Tôi cho rằng với bối cảnh thị trường hoàn toàn khác biệt so với giai đoạn tăng trưởng mạnh 2021-2022, nhà đầu tư cũng cần có những sự thay đổi cần thiết trong chiến lược đầu tư cũng như quản trị danh mục nhằm thích nghi với điều kiện thay đổi nhanh chóng, ưu tiên việc quản trị rủi ro và tuân thủ kỷ luật đầu tư chặt chẽ. Mức giá mục tiêu và cắt lỗ ở mức hẹp hơn đi cùng tỉ trọng đòn bẩy thấp sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn chỉ số được dự báo đi ngang trong biên độ 900-1.250 điểm.
Ông Trần Quý Dương: Ngành ngân hàng năm nay bị ảnh hưởng bởi việc gia tăng nợ xấu (chủ yếu nợ từ bất động sản) và việc thu giảm biên lợi nhuận do thực hiện chính sách giảm lãi suất,... sẽ gây nhiều khó khăn cho nhóm ngành này. Tuy nhiên một số bank có chất lượng tài sản tốt, quản trị rủi ro hiệu quả và đa dạng hoá danh mục cho vay sẽ là những bank có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm nay.
VN-Index hiện tại đang vùng đáy của chu kì mới. Nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tung lắc để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu, nhóm ngành nên quan tâm là chứng khoán, đầu tư công, nếu đầu cơ thì bất động sản cũng là một lựa chọn.