Mắm là đỉnh cao của văn hóa ẩm thực Cà Mau
Người dân Cà Mau sinh ra và lớn lên đều gắn bó với ruộng đồng, vườn cây, ao cá. Do vậy, những sản phẩm được sinh ra từ “cây nhà lá vườn” đều là những nguồn thực phẩm vốn quý không thể nào thiếu được trong đời sống hàng ngày của họ.
Trong đó, phải kể đến lẩu mắm U Minh vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là “Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam”.
Hàng năm, người dân U Minh thường có những đợt bắt cá như chụp đìa, tát mương,... Cá bắt được với số lượng nhiều, ăn không hết, người dân nảy ra ý định làm mắm. Ăn dần rồi sinh ra nghiện và trở thành thói quen hàng năm cứ đến mùa cá là người dân lại bắt đầu làm mắm.
Nhắc đến mắm cá đồng là chúng ta có thể nghĩ ngay đến là mắm cá lóc, cá rô, cá sặc và các loại cá đồng khác nhau của vùng rừng U Minh Hạ,… Và có thể nói mắm là đỉnh cao của văn hóa ẩm thực Cà Mau.
Công đoạn làm mắm thì vô cùng công phu. Cá sau khi được rửa sạch, đem ướp muối hột để khoảng vài ngày sao cho con cá thấm muối, nấu nước đường kẹo kẹo rưới đều trên mỗi con cá. Sau đó đem ủ kỹ trong hũ sành để từ 6 tháng trở lên là có thể ăn được. Tuy nhiên, mắm để càng lâu thì càng ngon.
Mắm U Minh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, mỗi món đều mang đến mùi vị riêng biệt và không thể lẫn vào đâu được. Trong những ngày khí trời se se lạnh, mùi vị nghi ngút của nồi lẩu mắm sẽ làm ấm lòng cho bất cứ ai ngồi quây quần bên mâm cơm với những người thân và bạn bè của mình.
Gác kèo ong có thể xem như là một nghệ thuật
Người dân U Minh đặc biệt có nghề truyền thống là đi “ăn ong” hay còn gọi là gác kèo ong. Lúc đầu, người ta chỉ biết lấy mật ong từ những tổ ong đã làm tổ sẵn trong trong thiên nhiên, nghĩa là ong tự đóng tổ rồi con người tìm đến để lấy mật mang về.
Lâu dần, bằng những kinh nghiệm dân gian, người dân để ý thấy ong thường làm tổ trên những cành cây và những chỗ có phần rậm rạp và họ nghĩ ra cách gác kèo để ong về xây tổ. Dần dần nghề gác kèo ong được ra đời và phổ biến khắp U Minh Hạ.
Việc gác kèo ong có thể xem như là một nghệ thuật, người thợ phải vận dụng tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng để đẽo gọt cây kèo và chọn vị thế hợp lý (còn gọi là trảng) sao cho thu hút đàn ong về xây tổ. Đối với nghề gác kèo ong việc chọn trảng là vô cùng quan trọng.
Nơi chọn trảng để gác kèo ong phải bằng phẳng và làm thế nào mặt nước được phản chiếu ánh sáng của mặt trời tia đều vào tấm kèo thì mới có thể dẫn dụ được ong về xây tổ.
Sau khi đặt kèo, người thợ phải biết cách phủ lại lớp cỏ sậy xung quanh trảng để ong không thấy được sự khác biệt khi có người dàn dựng sẵn vị thế “cất nhà” cho mình. Sau khi ong về xây tổ, khoảng 20 đến 25 ngày nếu bông tràm trổ tốt và chuyển sang màu cỏ úa thì những tổ ong ấy đã đầy mật.
Lúc đó, những người thợ gác kèo ong cơm nước, khăn gói vào rừng để “ăn ong”. Những người ăn ong chuyên nghiệp họ không lấy hết phần tổ ong mà chỉ cắt khoảng 3/4 hoặc 4/5 tổ ong (tùy vào tổ lớn hoặc nhỏ) để ong có thể tiếp tục xây tổ trên nền tổ đã được cắt đi.
Tổ ong sau khi được thu hoạch mang về có nhiều thành phẩm như mật ong, sáp ong, ong non, phấn ong. Thông thường thì mỗi tổ ong có khoảng từ 2 đến 15 lít mật.
Gác kèo ong là một trong những nghề rất đặc biệt được truyền từ đời này, sang đời khác và là một trong những nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ.
Nghề gác kèo ong được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.
Vừa qua, huyện U Minh cũng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan phổ biến rộng rãi để tìm ra tổ ong lớn nhất vùng đất U Minh hạ. Sau đó, hoàn thiện hồ sơ gửi về Tổ chức Kỷ lục Việt Nam để xác lập kỷ lục tổ ong lớn nhất nước và đã được xác nhận.
“Tổ ong lớn nhất Việt Nam” có kích thước 2,2 m x 1 m, chứa khoảng 10 lít mật và khoảng từ 1,5 - 2 kg phấn hoa. Tổ ong này thuộc về Điểm du lịch Sinh thái Cộng đồng Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).
“Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam” có đường kính 1,25 mét, cao 0,7,5 mét, chứa được 50 lít nước lẩu, được nấu từ 10 kg mắm, 200 trái dừa tươi, nguyên liệu ăn mắm là các loại lươn và các loại cá đồng cùng nhiều loại rau ở đồng đất U Minh. Kỷ lục “Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam” thuộc về một công ty du lịch sinh thái tại xã Khánh An, huyện U Minh.