Người đưa tin xin gửi tới độc giả nguyên văn bình luận này.
Trong phát biểu của Thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ngày 29/9/2013 tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 68 chứa đựng những sáng kiến hữu ích và thú vị, rất xứng đáng để cộng đồng thế giới quan tâm và ủng hộ. Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã khẳng định sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, những nguyên tắc ứng xử đã được cam kết, trách nhiệm, vai trò dẫn dắt của Liên Hiệp quốc trong việc duy trì trật tự thế giới, tuân thủ tuyệt đối điều lệ của Liên Hiệp quốc và những nguyên tắc chung đã cam kết của luật pháp quốc tế. Kêu gọi tất cả các quốc gia hành động với tinh thần trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quay trở lại với chủ đề lòng tin chiến lược mà ông đã nêu ra tại Đối thoại Sangri-La lần thứ 12 tại Singapore.
Sự tin tưởng lâu dài, bền vững lẫn nhau như vậy nhằm chống lại những biểu hiện vô trách nhiệm, thù địch. Cách đặt vấn đề như vậy hướng tới mục đích cùng nhau giải quyết những thách thức mới và những vấn đề mới, nói như lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhằm “loại trừ việc dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, đặc biệt là đơn phương áp đặt với vị thế của một cường quốc”.
Các chuyên gia Nga muốn được nhìn thấy trong phát biểu của Thủ tướng hàm ý về chính sách của Mỹ, nước tự cho mình là có vai trò đặc biệt trong các vấn đề quốc tế và gây sức ép để Liên hiệp quốc ra những nghị quyết nhằm chống lại chính phủ hợp pháp Syria. Tuy nhiên điểm này đã không được khẳng định. Hơn thế, không rõ là Việt Nam đã kiên quyết lên án bên nào sử dụng vũ khí hóa học tại Syria - Chính quyền hợp pháp hay phe đối lập.
Từ diễn đàn Liên Hiệp Quốc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại kêu gọi giải quyết các vấn đề tranh cãi tại Biển Đông trên cơ sở những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trước hết là công ước về Luật biển của Liên hiệp quốc năm 1982. Tất nhiên là Thủ tướng Việt Nam phát biểu một cách nhất quán về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ở đây Việt Nam bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên có thể thấy ở đây một hình thức biểu hiện quyết liệt trong phát biểu của Thủ tướng. Câu nói của Thủ tướng Việt Nam “một hành động vô trách nhiệm có thể dẫn tới xung đột, thậm chí chiến tranh”. chẳng lẽ không phải là một lời cảnh báo rất nghiêm túc?
Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam thể hiện mong muốn và thậm chí là sự sẵn sàng của Việt Nam đóng một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế. Tôi nghĩ là Việt Nam xứng đáng với vai trò đó với tiềm năng kinh tế của mình, đã phát triển mạnh sau 25 năm cải cách, tích cực tham gia và tham gia có hiệu quả vào các chương trình khác nhau của khu vực và thế giới, trong công việc của Liên hiệp quốc với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc.
Đề xuất của Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình đã được Thủ tướng đưa ra tại diễn đàn của Đối thoại Sangri-La... nếu tính đến kinh nghiệm lớn của Việt Nam trong lĩnh vực quân y, các công việc chống phá bom mìn, tiêu diệt các băng nhóm tội phạm thì theo khẳng định của chúng tôi, đề xuất này cần được chấp nhận và hưởng ứng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 68 ngày 29/9/2013.
Một minh chứng nữa về những công lao và trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện những quyết định của Liên Hiệp Quốc, ví dụ đó là thành tựu đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đưa ra. Thành công nhất của Việt Nam là những nỗ lực trong công cuộc đấu tranh chống đói nghèo. Tỷ lệ người dân Việt Nam sống trong cảnh bần cùng đã giảm từ 74% vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước xuống đến 13-14%, đây là kỷ lục trong các nước còn lạc hậu. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn phần lớn công dân, khoảng một nửa dân số Việt Nam vẫn sống trong cảnh tương đối đói nghèo theo tiêu chuẩn đánh giá của Liên Hiệp quốc, vì thế Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong cuộc đấu tranh này. Cuộc đấu tranh này còn cần thiết bởi vì nền kinh tế thị trường giúp cho một bộ phận dân số sống tốt lên, đồng thời sẽ gây khó khăn cho một bộ phận khác thoát ra khỏi cảnh đói nghèo.
Thủ tướng Việt Nam đã công nhận một cách khách quan là khoảng cách giàu nghèo tiếp tục được gia tăng và điều này cũng đúng với Việt Nam. Thủ tướng Việt nam cũng đã đúng khi nhận xét rằng một hệ quả nữa của việc phát triển kinh tế bằng các phương pháp truyền thống, đó là những hiểm họa và tổn thất của môi trường. Theo đánh giá của các chuyên gia có uy tín, Việt Nam đối mặt với các nguy cơ đe dọa môi trường và những cơ chế pháp luật để ngăn chặn những hiểm họa này còn rất yếu.
Tất nhiên là để các nước giống như Việt Nam có thể thoát ra tình trạng đói nghèo, đấu tranh với thiên tai, dịch họa, bảo vệ môi trường thì chúng ta cần giúp đỡ họ. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã một lần nữa nhắc nhở “những nước nghèo cần có sự ủng hộ của các nước phát triển hơn”. Vấn đề nằm ở chỗ các nước phát triển có khả năng hay không và có muốn hỗ trợ hay không trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu? Theo quan điểm của chúng tôi và các nhà khoa học Việt Nam cũng đồng tình, đó là Việt Nam đã đến lúc cần phải chuyển sang một mô hình phát triển kinh tế mới, đáp ứng những tiêu chuẩn thế giới về phát triển bền vững.
Như vậy thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là hướng tới một thế giới không có chiến tranh và đói nghèo mà còn hướng tới một “thế giới màu xanh”, có thể được xem như sự sẵn sàng của Việt Nam thực hiện “Chương trình nghị sự của phát triển toàn cầu sau năm 2015” và chính Việt Nam sẽ chuyển sang “mô hình xanh”. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang bước vào con đường hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Liên quan đến những thành tựu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật một cơ chế quan trọng để giải quyết các vấn đề tương tự, cơ chế này về bản chất đã được thể hiện bằng luật trong chương trình có tên gọi Hỗ trợ phát triển quốc tế (ODA). Thủ tướng đã coi đây là ví dụ một mô hình hợp tác đa phương và ghi nhận là mô hình này đã giúp Việt Nam từ một nước đói nghèo thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho nước mình mà còn tích cực hỗ trợ điều này cho một loạt các nước ở Châu Á.
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức lương thực thế giới (FAO) đã ghi nhận những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực chống đói nghèo. Định hướng xã hội của kinh tế Việt Nam với khẩu hiệu “con người là mục đích, là trọng tâm của phát triển”, đó là nét khác biệt của Việt Nam trên nền của việc phần lớn các nước XHCN trước kia, khi lâm vào ngõ cụt đã sao chép lại những liệu pháp phát triển tự do, những liệu pháp đã không còn hiệu quả.
Sự thật là Việt Nam đã tích cực đầu tư vào y tế, giáo dục, thông tin… cho tất cả công dân mình, đặc biệt tại các khu vực còn khó khăn, những khu vực các dân tộc thiểu số sinh sống. Tổng số tiền chi cho các much đích này chiếm đến 10% GDP, đây là một chỉ số cao, thậm chí xét theo mức của các nước đang phát triển.
Cuối cùng Thủ tướng Việt Nam lưu ý đến trong phát biểu của mình trên diễn đàn của Liên Hiệp quốc đó là một nguyên tắc khác của trật tự thế giới toàn cầu, sự cần thiết của nguyên tắc này, tiếc là không phải ai cũng hiểu, đó là nguyên tắc thống nhất trong sự đa dạng. Thủ tướng đã đưa ra ví dụ phản ánh vấn đề này đó là việc xây dựng ngôi nhà chung tại Đông Nam Á, nơi đã bị chia cách sâu sắc bởi chiến tranh và ngày nay đã trở thành một trong những trung tâm mới của kinh tế thế giới. Phát triển thành công ASEAN, tiến tới hình thành cộng đồng 3 trong 1 vào năm 2015 là một ví dụ minh chứng cho việc nếu chúng ta mong muốn sống trong hòa bình, hợp tác và thịnh vượng thì điều đó sẽ mang lại những thành quả lớn, không phụ thuộc vào sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế hay thể chế chính trị.
TS Nguyễn Hùng - Đặc phái viên báo Người đưa tin tại LB Nga (dịch)