Thế nhưng tiếc thay đã 34 năm qua, cuộc chiến ít được nhắc tới khiến thế hệ trẻ hôm nay không ít người mơ hồ, thậm chí không biết gì về cuộc chiến tranh anh dũng này. Nó xuất hiện trong sách giáo khoa chỉ vẻn vẹn hơn 10 dòng là điều day dứt bởi lãng quên lịch sử không chỉ có tội với những anh hùng liệt sĩ và những người đã khuất trong cuộc chiến tranh vệ quốc oai hùng này mà còn có tội với cả hậu thế mai sau.
Vì vậy gần đây, trên nhiều diễn đàn, các nhà khoa học giáo dục, khoa học lịch sử đã đặt vấn đề cần phải đưa cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1979 vào sách giáo khoa một cách hợp lý trên tinh thần viết đúng như nó đã từng diễn ta. Đây là đòi hỏi khách quan, khoa học và chính đáng không chỉ của lịch sử mà còn là tâm nguyện của dân tộc.
Trả lời báo Tuổi trẻ ngày 24/2/2013 (bài Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979: Cần đưa đầy đủ vào sử sách), GS. Vũ Dương Ninh, ủy viên đoàn chủ tịch Hội KHLS Việt Nam cho rằng đây là thời điểm thích hợp để bổ sung sự kiện này vào SGK: “Cuộc chiến tranh biên giới diễn ra đã khá lâu, đủ độ lùi lịch sử để đưa vào SGK phổ thông cho thế hệ con cháu của chúng ta hiểu được từng xảy ra một sự việc: người Trung Quốc đã tấn công người VN, xâm lược lãnh thổ Việt Nam và chúng ta đã phải tiến hành một cuộc kháng chiến để bảo vệ lãnh thổ.”.
Cùng bài báo trên, GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Nếu có một cuộc biên soạn SGK phổ thông mới và được đảm nhận trách nhiệm chủ biên, tôi sẽ đưa vào SGK những bài liên quan đến sự kiện đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở biên giới phía Bắc”. Không chỉ dừng ở sách giáo khoa Lịch sử, GS. Thuyết còn muốn đưa vào các môn khác những câu chuyện, thơ, bài viết ca ngợi cuộc đấu tranh của dân tộc, ca ngợi những người con đất Việt đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc ở giai đoạn lịch sử bi tráng này.
GS. Đinh Xuân Lâm, Hội Lịch sử Việt Nam cũng khẳng định: “Tôi rất tán đồng đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vào sách giáo khoa vì đây là vấn đề quan trọng đứng về mặt lịch sử để khẳng định thực tế, để học sinh hiểu rõ lịch sử, tránh nghe những thông tin xuyên tạc” và “cần phải vinh danh những tấm gương cụ thể, những chiến công cụ thể, giống như những cuộc chiến chống Nguyên Mông, Minh, Thanh, Pháp, Mỹ...” .
Ông Đỗ Ngọc Thống, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, thường trực Ban biên soạn chương trình - SGK sau năm 2015 cho biết: “Không chỉ SGK Lịch sử mà ở các môn học khác cũng có thể nghiên cứu đưa các nội dung mới phù hợp. Ví dụ như ở SGK Địa lý hoàn toàn có thể đưa vào các nội dung mới hơn về biển đảo, giáo dục ý thức về bảo toàn lãnh thổ Việt Nam.”
Trả lời báo Dân trí ngày 21/2, GS.TS Đỗ Thanh Bình - Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Người Trung Quốc có những chuyện không thật mà họ vẫn đưa vào SGK như vấn đề biển Đông, họ đưa vào bản đồ, vào quả địa cầu cho học sinh học. Huống gì đây là sự thật mà ta lại không đưa vào SGK. Ta không dựng nên chuyện, đó là sự thật”.
Chúng ta hi vọng và mong đợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979 sẽ được sớm đưa vào SGK như một trang sử vàng chống ngoại xâm. Hào khí của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, ngoại xâm trong thế kỉ qua lại một lần nữa như được sống dậy hào hùng trong các trang sách để các em biết nâng niu, quý trọng cuộc sống hôm nay đồng thời biết nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng mỗi khi Tổ quốc Việt Nam yêu dấu bị xâm lăng, phải không các bạn?
Theo Dân trí