Giá trị của bưởi quý
Mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán, người dân cả nước háo hức săn tìm những sản vật đặc biệt quý hiếm, độc lạ,… để trưng tết hoặc mang biếu tặng. Tại mảnh đất Đồng Nai, đặc sản được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho xứ Đồng Nai chính là bưởi Tân Triều - loại bưởi mọng nước, thanh ngọt. Loại trái cây quý này được nhiều người dân lùng mua bởi "tứ tuyệt": nhiều nhất, ngon nhất, quý nhất và danh tiếng nhất.
Nằm bên dòng sông Đồng Nai hiền hòa thơ mộng, làng bưởi Tân Triều nằm cách trung tâm tỉnh Đồng Nai khoảng 3 cây số thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây nổi tiếng với khung cảnh yên bình và những vườn bưởi sum sê trái, nhộn nhịp hơn vào dịp cuối tuần và lễ tết. Ngay từ đầu làng, khách thập phương đã có ấn tượng nhờ mùi thơm thoang thoảng của bưởi.
Vừa thoăn thoắt lựa những trái bưởi loại 1 xếp vào thùng để xuất bán, bà Nguyễn Thị Én, chủ vườn bưởi tại Tân Triều cho biết, năm nay bưởi được giá nên người dân Tân Triều rất phấn khởi.
Theo bà Én, bưởi Tân Triều có rất nhiều loại như thanh trà, đường lá cam, bưởi xiêm, bưởi ổi, bưởi núm, bưởi thanh long, bưởi thanh dây,… và mỗi loại có một hương vị đặc trưng khác nhau.
Khách mua hàng sẽ lựa mua những loại bưởi mà họ ưng ý nhất, thích mùi vị đặc trưng của nó nhất nhưng để mua biếu Tết, họ thường chọn bưởi đường lá cam, da xanh và các loại bưởi được chế tác thành hình hồ lô, thỏi vàng,…
“Bưởi Tân Triều của chúng tôi may mắn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những đặc trưng riêng, ngon ngọt, đặc biệt, rất thích hợp làm sản vật quý mang biếu tặng. Giá bưởi Tết năm nay dao động từ khoảng 700.000 - 1,2 triệu đồng/chục (chục của người Tân Triều là 12 trái), nhỉnh hơn năm trước khoảng mấy chục ngàn. Năm nay bưởi không mất mùa nhưng giá lại ổn định khiến bà con làng bưởi rất vui và phấn khởi vì có một cái Tết ấm áp. Riêng các loại bưởi khắc chữ có giá giao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/cặp hoặc chùm 4 trái tùy vào độ tinh xảo và thẩm mĩ của nó”, bà Én cho biết.
Cách đó không xa, chúng tôi tìm đến khu du lịch sinh thái làng bưởi Năm Huệ, nơi thu hút hàng ngàn lượt khách ghé tham quan ăn uống mỗi năm nhưng vẫn có nét yên bình rất riêng.
Khu du lịch này được nằm lọt thỏm giữa những con kênh rạch hiền hòa, uốn lượn và phủ kín bởi những rặng trúc, dừa, tre,… và điểm nhấn đặc biệt đó chính là bưởi. Đây được xem là thế giới của bưởi bởi khi thăm thú nơi này, du khách có thể lựa chọn cho mình những món quà quý cho dịp Tết cận kề như rượu bưởi, mứt bưởi,… và thưởng thức tại chỗ món gỏi bưởi ngon nức tiếng.
Tại vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Hưng, nơi mỗi dịp Tết đến xuất ra thị trường khoảng 5 tấn bưởi, ông chủ hồ hởi khoe: "Bưởi Tân Triều nổi tiếng trên thị trường, không những sản phẩm bưởi tiêu thụ trong tỉnh mà còn ở một số nơi như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM…".
Số lượng bưởi đường lá cam, bưởi da xanh Tân Triều cung ứng cho thị trường Tết hàng năm vào khoảng 800 tấn có năm lên đến gần 1.000 tấn. Tuy nhiên năm nay do mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi nên bưởi chín khá sớm, do đó nhiều nhà vườn không kịp chờ để bán Tết mà phải thu hoạch sớm nên vẫn bị thiệt thòi.
“Chúng tôi ở đây trồng bưởi cũng giống như cái nghề truyền thống. Bởi, nó được truyền từ đời này qua đời khác và không mấy ai nỡ lòng bỏ nghề này để ra ngoài kia làm ăn. Làng bưởi Tân Triều có những thứ riêng biệt, đặc trưng mà không phải nơi đâu cũng có được và ai ăn bưởi Tân Triều một lần là sẽ nhớ mãi. Có loại ngọt thanh mọng nước, có loại thơm ngọt, có loại có vị chua chua thanh thanh những tất cả đều có nét đặc trưng riêng mà khó nơi nào có được, đó chính là cái chúng tôi được ban tặng bởi phù sa màu mỡ của dòng sông Đồng Nai hiền hòa”, ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.
Tầm sư tạo bưởi quý
Tiếp tục cuộc hành trình của mình, chúng tôi tìm đến vườn bưởi của ông Ngô Văn Sơn - người nổi tiếng với bưởi hồ lô, tạo hình hài mới cho trái bưởi Tân Triều.
Từ những trái bưởi giản dị bình thường, qua bàn tay nghệ nhân tài hoa này đã “hóa phép” làm phong phú mâm trưng bày cúng ông bà, tổ tiên. Giá bán những sản phẩm này nhờ đó cũng tăng lên gấp mấy chục lần so với sản phẩm cùng loại.
Nhắc về cuộc hành trình để tìm cái mới, ông Sơn kể: “Năm 2011, tôi có một nhóm bạn ở miền Tây Nam Bộ, nhiều lần xuống vùng đó chơi tôi thấy họ tạo hình hồ lô lên bưởi, dưa hấu,… rất đẹp, độc lạ nên tôi nghĩ rằng đây có thể là lối ra cho trái bưởi ở quê hương mình, tôi quyết định học theo”.
“Lúc về cứ nghĩ đơn giản là lấy dây kẽm thắt ngang qua, tôi lấy dây kẽm thắt các trái bưởi trong vườn. Thế nhưng, sau 1 tháng phần trên trái bưởi ra hình, còn phần dưới thì chả thấy hồ lô đâu”, ông Sơn thổ lộ. Sau năm đầu thất bại với hàng chục trái bưởi tạo hình bằng dây kẽm, ông Sơn quyết định khăn gói về miền Tây học nghề.
Ông Sơn tìm đến vườn bưởi của ông Võ Trung Thành, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) – là người đầu tiên ở vùng đất miền Tây tạo hình từ những trái bưởi tròn thành bưởi hồ lô để học nghề. Mất cả năm ròng rã vừa học vừa thực hành, bỏ ra hơn 60 triệu đồng để làm khuôn, chữ, dây cột nhưng đến khi làm vẫn bị thất bại.
Nguyên nhân là do giống bưởi Tân Triều nhỏ nên không vừa khuôn đã đặt, vì vậy phải thay khuôn liên tục. Bên cạnh đó, kỹ thuật siết eo bưởi vẫn chưa chuẩn nên hình hồ lô không cân đối. Có mùa Tết, ông Sơn chỉ có 20/250 cặp bưởi đạt yêu cầu.
Sau những lần thất bại, ông Sơn quyết định mời thêm một giảng viên đại học Cần Thơ nhiều kinh nghiệm trong ngành cộng tác cùng mình. Được sự hướng dẫn của chuyên gia cùng những kinh nghiệm đúc rút sau 2 lần thất bại, thành công bước đầu đã đến với ông.
Năm nay, mỗi trái bưởi có hình hồ lô hay hình thỏi vàng sẽ có 2 chữ Tài – Lộc đối xứng nhau, mỗi trái cân nặng từ 0,8-1kg được bán cho thương lái với giá 1 triệu đồng. Riêng đối với các cặp bưởi cùng một chùm sẽ được bán với giá 3 triệu đồng (1,5 triệu đồng/trái).
Ngoài ra, trong dịp tết năm nay, ông Sơn còn tung ra thị trường 10 chậu bưởi kiểng 2 năm tuổi, trái được tạo hình bưởi hồ lô, bưởi thỏi vàng có chữ Tài – Lộc. Mỗi chậu kiểng có giá 5 triệu đồng. Toàn bộ các chậu bưởi kiểng đã được thương lái đặt mua hết tại vườn.