Lên núi tìm lộc trời
Vùng đất xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai được nhiều người ví như vương quốc gỗ hóa thạch trên cao nguyên nắng gió. Bởi nơi đây, gỗ hóa thạch có mặt khắp mọi nơi, người dân đi làm rẫy vô tình có thể dẫm đạp dưới chân mình nhưng không hề hay biết.
Sở dĩ vùng đất Chư A Thai được ví là vương quốc gỗ hóa thạch, bởi hàng trăm triệu năm trước, những cánh rừng nguyên sinh của vùng đất này bị đất đá vùi lấp sâu trong lòng đất.
Qua quá trình hoạt động địa chất, những phần hữu cơ của gỗ bị phân hủy. Lúc này, khoáng chất, silic bắt đầu chảy vào và thay thế phần hữu cơ trong thân cây. Sau hàng trăm triệu năm, tạo nên những kiệt tác gỗ hóa thạch quý hiếm.
Ban đầu chỉ một vài người dân đi làm rẫy vô tình đạp phải những khúc gỗ nhưng chất liệu bên trong khác lạ nên hiếu kỳ đem về nhà rửa sạch, đánh bóng trưng trong nhà.
Thế nhưng, khi những vị khách lạ ghé thăm thích thú trả giá rất cao để mua lại. Cũng từ đó, thương lái kéo nhau về nơi đây thu gom gỗ hóa thạch về chế tác. Người dân rủ nhau lên rừng, ra bờ suối đào bới gỗ hóa thạch đem bán.
Vì thế mà những năm trở lại đây, gỗ hóa thạch đang dần cạn kiệt, hiếm hoi lắm mới tìm được những cây gỗ hóa thạch lớn trên núi Chư A Thai.
Giữa trưa nắng oi bức, trên cánh đồng lúa mênh mông, anh Trần Văn Minh, 32 tuổi, trú tại làng King Pêng, xã Chư A Thai, gương mặt cháy nắng, áo đẫm mồ hồi cặm cụi đào bới tìm kiệt tác mà tạo hóa ban tặng.
Ghé bóng cây bên đường, tay cầm chai nước tu ừng ực, thỏa cơn khát, anh Minh cho biết: " Khoảng 10 năm trở lại đây, dãy núi Chư A Thai được ví như "thủ phủ" của gỗ hóa thạch. Gỗ hóa thạch rất có giá trị kinh tế cao được thương lái săn đón mua nên người dân vùng này kéo nhau lên rừng, ra suối đào bới tìm gỗ hóa thạch để bán.
Ngày trước trữ lượng gỗ hóa thạch ở đây nhiều vô kể, đi lên rẫy dẫm đạp dưới chân nhưng không để ý. Sau đó, các thương lái tìm về đây thu gom gỗ hóa đá bán cho giới chơi phong thủy. Từ đó, người dân ồ ạt kéo nhau đi tìm về để bán.
Nhiều người dân nơi đây, đào được những khối gỗ hóa đá nặng hàng trăm kg bán được giá rất cao. Nhờ đó, nhiều người đổi đời vì vô tình đạp phải lộc trời”.
Tương tự, trò chuyện với chúng tôi anh Nguyễn Văn Chuyển, 29 tuổi, trú làng Dlâm, xã Chư A Thai háo hức nói: “Trước đây, người dân làng mình ồ ạt kéo nhau đi đào gỗ về để bán. Lúc đó, mình không hứng thú lắm. Sau, trong một lần đi thả đàn bò dưới chân núi mình vô tình đạp phải một cục gỗ nhưng nó khác lạ lắm.
Thấy tò mò mình đào đem về nhà cân lên được 10kg, rửa sạch đánh bóng để trang trí trên bàn, không ngờ có thương lái tìm đến trả giá rất cao. Từ đó, khi đi thả bò, mình mang theo quốc, đào bới tìm gỗ hóa thạch nhưng chỉ đào được vài cục nhỏ giá trị không cao lắm”.
Theo anh Chuyển, thời điểm rầm rộ nhất là vào những năm 2005 - 2015, không chỉ người dân địa phương mà có cả những người các nơi khác kéo về phủ kín chân núi Chư A Thai để “săn” gỗ hóa thạch.
Lúc đó,, gỗ hóa thạch được các thương lái thu mua với giá 5.000 đến 6.000 đồng/kg, đá đẹp có giá lên đến 10.000 đồng/kg. Những tảng đá có khối lượng lớn lại được tính theo hình dạng, màu sắc có giá hàng chục triệu đồng.
Lộc trời cạn kiệt
Thương lái thu gom mạnh, giá cao, tạo nên cơn "sốt" gỗ hóa thạch người dân tứ xứ lũ lượt kéo lên núi tìm kiếm. Những cánh rừng tái sinh của xã Chư A Thái cũng trụi dần, những hố lớn, hố nhỏ bị đào bới ngổn ngang.
Mỗi ngày có đến hàng chục xe tải loại lớn liên tục ra vào chở hàng thu gom của bà con, đi về các thành phố lớn để gia công.
Anh Đỗ Văn Ngọc, 28 tuổi, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai - thợ chuyên chế tác gỗ hóa thạch cho biết, đam mê gỗ hóa thạch từ năm 2014.
Khi đó, anh chỉ là một người làm phụ hồ. Vào buổi chiều, anh thấy người đàn ông gần nhà cặm cụi mài những khúc gỗ hóa thạch thô thành tác phẩm đá huyền ảo, bóng loáng và bán cho khách ở Tp.Hồ Chí Minh với số tiền rất lớn khiến anh thổn thức, cũng từ đó anh bén duyên với nghề.
Theo anh Ngọc, gỗ hóa thạch có nhiều màu sắc nên giá trị kinh tế cũng khác nhau. Những viên vỏ ngoài mềm mại, bên trong màu ngọc (gỗ hóa ngọc) thì có giá hàng triệu đồng mỗi kg. Còn những viên bình thường, kích thước nhỏ thì giá khoảng 10.000 đồng/kg.
Với niềm đam mê bất tận, anh Ngọc sở hữu nhiều gỗ hóa thạch tìm được sâu hàng chục mét, có đường kính từ 0,5m, cao từ 1,5m. Những viên nặng 2 -3 tạ, có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
Với niềm đam mê gỗ hóa thạch, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Thanh, ngụ phường Phù Đổng, Tp.Pleiku thường đi xe máy gần 70 km xuống núi Chư A Thai để mua lại đá của người dân đi nhặt về.
Từ tay ngang không biết gì về gỗ hóa thạch, giờ đây, vợ chồng chị Thanh đã sở hữu cho mình gần trăm khối gỗ hóa thạch, đủ các kích cỡ.
"Gia đình tôi thường mua đá ở núi Chư A Thai và Tp.Đà Lạt để về trưng bày nhằm thỏa đam mê sưu tầm gỗ hóa thạch. Trước, gia đình thường mua rồi về thuê thợ chế tác cho gỗ hóa thạch trở nên lấp lánh, rõ vân…
Do chi phí đắt, chồng tôi đã mua máy về để tự học và chế tác đá. Gia đình cũng bán một số gỗ hóa thạch để mua những sản phẩm giá trị hơn", chị Thanh tâm sự.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc tuyến Quốc lộ 25 tại thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) đang có gần chục cửa hàng bày bán gỗ hóa thạch.
Những khối gỗ quý được bày bán nặng từ 3 - 5 kg, sau khi đánh bóng thì khối đá hóa thạch sẽ có giá từ bán 500.000 đồng đến vài triệu đồng.
Ông Phùng Chung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết: “Hàng chục năm trước, phong trào đi tìm đá hóa thạch trên địa bàn xã nở rộ.
Tuy nhiên, những năm gần đây gỗ hóa thạch cũng trở nên khan hiếm và nằm ở sâu dưới nhiều tầng đất. Chính vì vậy, việc tìm kiếm cũng chỉ còn nhỏ lẻ ở một số hộ dân đang canh tác gần dãy núi Chư A Thai”.
"Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, nghiêm cấm, xử lý nhiều trường hợp khai thác trái phép gỗ hóa thạch.
Đồng thời, lực lượng chức năng xã cũng đi tuần tra để kịp thời phát hiện việc khai thác đá hóa thạch trên địa bàn và việc trộn đá từ nơi khác vào địa bàn để bán được giá cao”, ông Toàn cho biết thêm.