Hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền thông và tin tức nổi lên mạnh mẽ tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc những phương tiện truyền thông lâu đời sụp đổ. Cuộc khảo sát mới được thực hiện tại khu vực này đã chứng minh điều đó.
TV là nguồn thông tin phổ biến nhất
Tháng trước, công ty quan hệ công chúng ASDA'A Burson-Marsteller công bố kết quả cuộc Khảo sát tuổi trẻ Ả-rập được thực hiện năm năm một lần. Cuộc khảo sát năm nay thu hút hơn 3.000 thành niên nam nữ ở độ tuổi 18-24 đến từ nhiều nước khác nhau ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông tham gia bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.
Mặc dù có 72% số người được phỏng vấn cho rằng TV là kênh tin tức chủ yếu, chỉ 40% người trong số đó cho rằng TV là nguồn đáng tin cậy – giảm mạnh từ 60% trong năm 2011. Theo ông Sunil John, CEO của ASDA'A Burson-Marsteller, các gia đình được coi là một đối tượng chủ yếu mà truyền thông tại Trung Đông nhắm tới bởi ở đây người dân thường có thói quen quây quần trong phòng khách cùng cha mẹ hoặc đồng nghiệp và xem TV.
Theo ông John, đài truyền hình tiếp tục mất niềm tin nơi người dân đặc biệt là hai kênh truyền hình lớn nhất là Al-Jazeera và Al-Arabiya. Mỗi đài đều thể hiện quan điểm đáng chú ý của riêng họ về môi trường chính trị Ai Cập trong đó đài truyền hình Al-Jazeera bị cáo buộc ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsy và nhóm Anh Em Hồi giáo; đài truyền hình Al-Arabiya lại thiên về phe đối lập.
Truyền thông thế giới Ả-rập có thay đổi đáng kể sau sự kiện Mùa xuân Ả-rập
“Hầu hết các kênh truyền hình Ả-rập đều bị nghi ngờ về các quan điểm xã luận. Hai đài truyền hình nổi trội nhất khu vực đó đã thể hiện lập trường chống đối và ủng hộ tại các đất nước như Ai Cập. Đây là một trong những vấn đề đáng bàn luận nhất trên “đường phố Ả-rập”.
Cựu chuyên gia báo chí từ Đại học Zayed thuộc Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, ông Matt Duffy không hề ngạc nhiên với những phát hiện này sau cuộc khảo sát. Ông nói, “tôi nghĩ có rất nhiều bạn trẻ nhận thức được thực tế bản chất của thông tin sẽ bị thay đổi khác nhau tùy thuộc vào việc truyền thông đưa bạn theo hướng nào”. “ Thêm nữa, sinh viên bây giờ cũng được tiếp cận rất sâu, rộng với phương tiện xã hội do đó những người trẻ thường theo dõi các thiết bị BlackBerry còn nhiều hơn xem TV”.
Các mạng xã hội đã đạt được thay đổi đáng kể. Trong cuộc khảo sát năm 2011, chỉ 11% số người được hỏi chọn mạng xã hội và không có ai trong số đó cho rằng mạng xã hội là nguồn tin tức đáng tin cậy. Trong cuộc khảo sát năm nay, có 26% tin tưởng vào các trang web trong đó số người tin tưởng mạng xã hội từ con số không đã vượt lên mức 22%.
Đối với Duffy, việc niềm tin đối với các trang mạng tăng cao không có nghĩa đó là biểu hiện tốt. “Tôi nhận thấy sinh viên bây giờ tin vào tất cả: Twitter, blogs, báo chí, Tumblr, TV. Nhiều người còn mù quáng tới mức đọc một tweet và ngay lập tức coi đó là sự thật”.
Internet có lợi ích rất lớn nhưng cần phải được kiểm soát
Đại học Tây Bắc tại Qatar cũng thực hiện một cuộc khảo sát hồi tháng trước, tập trung vào việc sử dụng phương tiện truyền thôn trong khu vực này. Cuộc khảo sát đã điều tra 10.000 cá nhân trên 8 đất nước về quan điểm của họ đối với phương tiện truyền thông. Sau cuộc khảo sát, họ nhận ra, ở nhiều nơi, người Ả-rập tin tưởng vào việc tự do thể hiện trên mạng; 61% trong số đó đồng tình với nhận định: “đồng ý với việc bất cứ ai cũng đều có quyền thể hiện ý kiến trên mạng dù không phải là người nổi tiếng”.
Các công dân Ả-rập Saudi đã lên tiếng thể hiện quan điểm mạnh mẽ trong đó 76% đồng ý với nhận định trên. Ngược lại, chính người Ả-rập Saudi cũng cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ các quy định về internet. “62% số người được hỏi đồng ý nên thắt chặt hơn các quy định đối với internet tại đất nước họ. Hơn một nửa số người trên toàn khu vực được khảo sát đồng ý với ý kiến này”.
Ông Everette Dennis, CEO Đại học Tây bắc tại Qatar - một trong những người thực hiện cuộc khảo sát này cho biết “tại khu vực này, tồn tại một mối quan hệ đối nghịch”. Ông Dennis nói, “ không biết mọi người có nhận thức được xu hướng đó hay không, nhưng tư tưởng về sự “phạm thượng” vẫn tồn tại thậm chí là tồn tại rất mạnh mẽ tại khu vực Trung Đông. Các tài liệu trực tuyến chống lại đạo Hồi bị coi là báng bổ. Thậm chí, trong các chế độ quân chủ, người ta hình thành một tư duy không chỉ trích người lãnh đạo. Họ có thể chỉ trích người đứng đầu nhà nước nhưng không được phép làm như thế đối với Tiểu vương xứ Ả-rập.”
Truyền thông tự do không có nghĩa là đáng tin cậy
Tại một số quốc gia mà ông Dennis khảo sát đã rất thận trọng về truyền thông nước họ. Ở Ai Cập và Tusinia, chỉ khoảng ¼ người được hỏi đồng ý các phương tiện truyền thông là đáng tin cậy. Tuy nhiên, ở nhiều nước khác chẳng hạn như Ả-rập Saudi, nơi truyền thông đươc kiểm soát rất chặt chẽ, có 74% tin rằng tin tức nước họ rất đáng tin cậy. Tại Lebanon, một khu vực tự do báo chí, chỉ 25% đồng tình với ý kiến đó.
Ông cho rằng, thực tế, việc tiếp cận truyền thông ngày một phát triển và đa dạng đã góp phần làm định hình nên những kết quả như trên.” Chẳng hạn, tại Saudi, tiếp cận truyền thông bị hạn chế do đó hầu hết người dân đều cảm thấy rất biết ơn khi họ được tiếp cận với web. Tại Lebanon, truyền thông đa dạng hơn dẫn đến rất nhiều quan điểm lùm xùm xung quanh, từ đó gây tranh cãi nhiều hơn”.
Trang Trần (Theo CNN)