Tuần trước, đoạn video của ngôi sao YouTube Logan Paul có hình ảnh thi thể người trong rừng Aokigahara ở Nhật Bản đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Logan Paul đã phải lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ đoạn video gây tranh cãi ra khỏi kênh YouTube cá nhân.
Những người chỉ trích nói rằng Paul đang vô tình lan tỏa những hình ảnh tiêu cực về vấn nạn tự tử và sức khỏe tâm thần tại một đất nước có tỷ lệ tự sát được cho là cao nhất trên thế giới.
“Rừng Aokigahara được biết đến như một địa điểm tự tử lý tưởng", Giáo sư Karen Nakamura từ Đại học California cho hay. "Không có gì ngạc nhiên khi có thể nhìn thấy thi thể ở nơi đây”.
Người ta sẽ cảm thấy phẫn nộ khi một người nước ngoài đến khu vực này cười cợt, thậm chí là dùng như một công cụ kiếm tiền từ YouTube, bà nói thêm.
Khu rừng Aokigahara trong vài năm trở lại đây đang được giới chức địa phương cố gắng gỡ bỏ tiếng xấu khi là một trong những địa điểm nhiều người tìm đến tự sát nhất.
Theo các số liệu mới nhất, tỷ lệ tự tử ở Aokigahara đã giảm xuống còn 30 vụ/năm, so với mức 100 vụ/năm ở thập niên trước. Các nhà chức trách lo ngại video trên YouTube của Paul sẽ khiến khu rừng ngày càng được chú ý hơn.
Khu rừng tự sát
Rừng Aokigahara, hay còn được gọi là Biển Cây, nằm theo rìa núi Phú Sĩ và cách phía Tây Tokyo khoảng 1-2 giờ lái xe.
Ngay lối vào khu rừng, một bảng hiệu nhắc nhở du khách rằng "cuộc sống là một món quà quý giá từ cha mẹ".
Aokigahara trở nên nổi tiếng từ năm 1960 khi cuốn tiểu thuyết của tác giả người Nhật Seicho Matsumoto mô tả là địa điểm tự tử hoàn hảo.
Gần đây bộ phim kinh dị Mỹ "The Forest" năm 2016 cũng lấy cảm hứng để xây dựng nên nội dung về một người phụ nữ đi tìm người chị sinh đôi biến mất một cách bí ẩn trong rừng.
Aokigahara trở thành chủ đề cho các câu chuyện, đồn đoán huyền bí. Nhiều người nói rằng khu rừng có mãnh lực khiến bất kỳ ai trầm cảm, ủ dột đều cảm thấy muốn kết liễu cuộc đời tại đây.
Có rất nhiều người băng qua những cung đường xa xôi tìm đến khu rừng chỉ để tự sát, trong khi họ có thể dễ dàng thực hiện ngay tại nhà.
Mặc dù vậy, các chuyên gia từ lâu đã thấy tìm lý do tại sao một số người lựa chọn đi vào khu rừng này để kết thúc cuộc đời.
Ba thập kỷ trước, một bác sĩ tâm thần Nhật Bản đã phỏng vấn một số ít người tự tử bất thành ở Aokigahara và kết luận, lý do nơi đây được chọn là bởi “họ sẽ chết dễ dàng mà không bị ai can thiệp”.
Bác sĩ Yoshitomo Takahashi tin rằng phim ảnh và các phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò gián tiếp khiến cho khu rừng phải tiếp đón lượng “khách không mời” ngày một tăng.
Một số lặn lội từ các tỉnh thành khác đến đây vì họ muốn chết ở nơi có nhiều người để đồng cảm.
"Nhiều người đã tự sát thành công tại Aokigahara, do đó bạn sẽ không phải chết một mình", Giáo sư Nakamura nói.
“Tôi muốn đến đó”
"Ý chí để sống của tôi đã không còn", Taro, một người đàn ông trung niên từng tìm đến cái chết ở Aokigahara nói với CNN vào năm 2009. "Tôi đã mất tất cả mọi thứ. Đó là lý do tại sao tôi đến đó".
Taro đi vào rừng sau khi đón nhận quyết định sa thải tại một công ty sản xuất sắt. “Bạn cần tiền để tồn tại”, ông nói.
Khi vào rừng, Taro cắt cổ tay nhưng vết thương không quá nặng để gây tử vong. Ông kiệt quệ và gần chết do mất nước, đói và lạnh nhưng một người leo núi đã tìm thấy và cứu sống ông.
Để khắc phục tình trạng tự tử diễn ra liên tục, chính quyền địa phương cho lắp camera an ninh tại lối vào của khu rừng, hy vọng có thể theo dõi những người đi vào bên trong và hành động kịp thời.
Chính quyền địa phương cũng đề cập đến các phương pháp ngăn ngừa tự tử khác như tuyển một tình nguyện viên nói chuyện với du khách có ý định tự tử, tăng cường cảnh sát tuần tra tại các lối vào của khu rừng và hạn chế các bộ phim, hình ảnh có thể gây cảm hứng tự sát tại Aokigahara.
Thường vào tháng Ba, giai đoạn kết thúc năm tài chính, người tìm đến khu rừng tự tử nhiều hơn khi nền kinh tế chuyển biến xấu.
Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 26 về tỷ lệ tự tử theo độ tuổi trên toàn thế giới vào năm 2015, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tính một cách cụ thể, tỷ lệ này ứng với 15,4 vụ tự tử trên 100.000 dân, cao hơn so với các quốc gia phát triển khác như Anh, Mỹ, Italia.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, áp lực học tập, trầm cảm, làm việc quá sức, khó khăn tài chính và tình trạng thất nghiệp là những nguyên nhân hàng đầu khiến người ta tìm đến bước đường cùng.
"Tự tử là một hiện tượng vô cùng phức tạp với nhiều yếu tố, bao gồm cả sự suy thoái kinh tế tại Nhật Bản”, Giáo sư Nakamura nói. “Ngoài ra, còn có sự kỳ thị về vấn đề sức khỏe tâm thần và họ tin rằng đây là quyết định hợp lý khi chỉ có thể tự trách bản thân mình”.