Nhiều khách hàng đi ô tô đời mới nhưng chỉ hỏi... tranh chép!
Để biết rõ hơn về thị trường tranh giả ở Hà Nội, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc khảo sát tại một số con phố trên địa bàn Thủ đô như: Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Tràng Tiền, Hàng Trống, Nhà Thờ, Hàng Khay,...Tại đây, có thể dễ dàng tìm được tranh của những họa sĩ đương đại nổi tiếng nhất của Việt Nam, với đủ các hình thức như sơn dầu, sơn mài, lụa, tranh in, khắc, tổng hợp,...
Một số cửa hàng bán tranh cũng đã bắt đầu treo những tác phẩm theo các hình thức hội họa mới của trường phái phi lập thể (non-cubism) hoặc mỹ thuật số (digital art) mà nhiều người hiện nay ưa chuộng
Trong vai một người đi tìm mua tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương để treo ở nhà mới, chúng tôi tìm đến một phòng tranh trên phố Hàng Trống, Hà Nội. Chủ phòng tranh cho biết, hiện tại, ở đây không có một bức tranh nào của họa sĩ này, vì tranh Lê Thiết Cương rất đắt. Tuy nhiên, khi chúng tôi bảo, không cần những bức tranh cầu kỳ, chỉ cần tranh chép để treo ở phòng khách thôi, thì người bán hàng hồ hởi đem ra một số mẫu tranh chép của các họa sĩ ở Việt Nam, trong đó có cả tranh của... họa sĩ Lê Thiết Cương.
Chủ phòng tranh tên L.G quảng cáo: “Tranh chép ở đây có chất lượng rất tốt, không khác gì tranh thật. Giá cả từ thấp đến cao nên ai cũng có thể mua được. Nếu tranh thật của họa sĩ Lê Thiết Cương có giá từ 40 – 120 triệu đồng/bức thì tranh chép có giá thấp hơn rất nhiều, khách hàng bình dân cũng có thể mua được. Có cầu thì các phòng tranh sẽ cung thôi, đây là quy luật tất yếu của thị trường”.
Họa sĩ Huy Hoàng cho biết: “Tại các phố bán tranh như Nguyễn Thái Học hay trên phố cổ, chủ yếu là tranh chép, tranh nhái tác phẩm của các họa sĩ nước ngoài như Van Gogh, Picasso, Salvador Dali,... Ở Việt Nam, các họa sĩ như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Đặng Phương Việt,... cũng bị chép tranh. Các phòng tranh thuê họa sĩ tự do hoặc sinh viên các trường mỹ thuật chép tranh với giá từ 50.000 đồng – 200.000 đồng/bức và bán với giá từ 500.000 đồng – 2.000.000 đồng/bức, thậm chí hơn.
Với lợi nhuận “khủng” như vậy, nên các phòng tranh vẫn sống “khoẻ” dù thuê mặt bằng tại các con phố đắc địa ở Hà Nội ”.
Trao đổi với PV, họa sĩ Đặng Phương Việt khẳng định: “Tranh của tôi bị các cửa hàng bán tranh tại Việt Nam sao chép khá nhiều, đi một vòng từ Bắc vào Nam, hầu như chỗ nào cũng có tranh chép từ tác phẩm của mình. Các bức tranh chép rất tinh vi, có thể giống bản mẫu đến 99%, nếu không phải người trong nghề thì không thể phân biệt được.
Các cửa hàng tranh chép “sống” được là do vẫn có người mua tranh chép. Có một thực tế là nhiều khách hàng có tiền, đi ô tô đời mới nhưng vào cửa hàng tranh vẫn chỉ hỏi tranh chép. Vì thế, thị trường tranh chép, tranh nhái rất nhộn nhịp”.
Nói về các cửa hàng tranh, các phòng tranh ở Hà Nội có bán tranh nhái, tranh chép, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Các phòng tranh tư nhân có cách sao chép tranh kiểu... “tạp phí lù”, một bức tranh nhưng pha trộn nhiều phong cách, lắp của người này một tí, người kia một chút. Nếu là người sành tranh thì sẽ phát hiện ra ngay. Tuy nhiên, khách hàng ở Việt Nam hiện nay không nhiều người có gu thưởng tranh, họ cứ mua về mà không biết, mình bị chính các cửa hàng bán tranh qua mặt”.
Tranh bán theo... mớ
Khi được hỏi, anh phản ứng thế nào về việc các cửa hàng tranh ở Hà Nội có chép tranh của mình, họa sĩ Đặng Phương Việt chia sẻ: “Tranh ở những cửa hàng tranh bình dân, phần lớn không có... tác giả. Ở các phòng tranh cao cấp hơn là những bức tranh có tác giả. Nó vẫn là tranh chép nhưng chép lại của những họa sĩ có tên tuổi nên giá thường cao hơn. Có một sự thật là không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, người ta cũng sao chép tranh của tôi. Một lần, người bạn ngoại quốc hỏi tôi: Có phải tranh này của Việt không? và gửi kèm cho tôi một bức tranh.
Tôi nhận ra ngay đây là tranh chép từ tranh gốc của mình. Đúng là rất buồn. Tôi cũng có lần vào nói chuyện với cửa hàng tranh về việc tranh của mình bị nhái và họ hứa sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng, việc bán tranh giả với giá mức lợi nhuận gấp 5, 6 lần thì khó mà tin được họ sẽ không chép tranh nữa”.
Kể về việc tranh chép, tranh nhái được đi “du lịch”, họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Sinh chia sẻ: “Các phòng tranh cao cấp và cửa hàng tranh bình dân gần phố cổ có những loại tranh rất rẻ tiền. Đó là những bức tranh nhỏ, được in theo... mớ, lồng vào khung tranh để bán cho khách du lịch mang về làm quà. Đây cũng là một dạng tranh chép và nhiều người gọi là tranh “thân thiện”. Loại tranh này được sản xuất hàng loạt trong các xưởng và thường bán từng “mớ” cho các phòng tranh, cửa hàng bán tranh. Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà ở các thành phố du lịch khác như Hội An, Huế,... cũng có các xưởng làm tranh dạng này.
Hầu hết tranh bán theo... “mớ” thường mô phỏng một bức tranh gốc nào đó của họa sĩ Việt Nam. Nhiều họa sĩ biết tranh của mình bị “nhái” hàng loạt rồi được bày bán công khai nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ. Bởi, nhiều người ngại kiện tụng, ồn ào”.
Anh Trần Văn Minh – một chủ phòng tranh trên phố Hàng Gai, Hà Nội cho biết: “Thị trường tranh ở Việt Nam hiện nay đang rất phức tạp, có những phòng tranh, cửa hàng bán tranh làm ăn “chụp giật” bán cả tranh chép, tranh nhái mà không xin phép tác giả. Thực trạng này đã khiến nhiều phòng tranh làm ăn chân chính “mang tiếng lây”. Riêng đối với phòng tranh của tôi, các tác phẩm tranh đều có nguồn gốc rõ ràng, nếu có chép tranh cũng được sự cho phép của các họa sĩ. Tôi cho rằng, cứ làm ăn chân chính thì sẽ có lộc thôi”.
Còn họa sĩ Lê Nam cho biết: “Đa phần ở Việt Nam, những vụ việc tranh chép, tranh nhái được bày bán ở cửa hàng, phòng tranh bị phát hiện nhưng rồi đều “hoà cả làng”, vì không có những quy định cụ thể. Nhiều họa sĩ biết các cửa hàng tranh chép tác phẩm của mình xong cũng thôi, các họa sĩ chép tranh do “cơm áo, gạo tiền” nên đành làm theo yêu cầu của chủ cửa hàng. Vì vậy, nhiều năm nay, tình trạng tranh chép, tranh nhái vẫn bày bán công khai trên các tuyến phố”.