Ngay lúc đó bước chân vội vã của một người bộ hành đã xé nát sự yên tịnh. Người đàn ông, vừa xuống chuyến phà ở Riva degli Schiavoni, đang cuối đầu bước vội vã trên quảng trường đến nơi làm việc. Ông vừa đi khuất lại xuất hiện người quét đường, dùng cây chổi khổng lồ kỳ cọ đá hoa cương, một người đẩy chiếc xe chở đầy báo đi đến những dãy cuốn, một người gác cổng với xâu chìa khóa kêu leng keng.
Quảng trường Thánh Mark. Ở phía trước ngay cạnh phá là quảng trường nhỏ Piazzetta dei Leoncini có 2 cột cao: Cột Thánh Mark (Marco) và cột Thánh Theodore (Torado). Nhìn ngược chiều kim đồng hồ: từ bên phải là Dinh Tổng trấn, phía sau là mái vòm của Nhà thờ Thánh Mark, tháp đồng hồ Campanile, dãy nhà Procuratie Mới. Ảnh: Alois Dirscherl/Fotocommunity.
Khi những lá cửa sắt được cuộn lên kêu lạch cạch báo hiệu một ngày mới thì mặt trời buổi sáng đã chia đôi Quảng trường Thánh Mark. Ở bên có ánh nắng: Dãy nhà Procuratie cũ và phần sân trước quán cà phê Lavena và Quadri. Trong khi những người phục vụ bắt đầu lau bàn và xếp ghế ngồi thì phía cạnh tranh đối diện vẫn còn ngủ trong vương quốc của bóng: Cửa sổ gỗ của quán cà phê Florian vẫn còn đóng kín, ghế vẫn còn được khóa bằng xích.
Đối với người dân Venice nó đơn giản chỉ là "Quảng trường". La Piazza. Tất cả mọi người trên thế giới đều biết tên của nó. Nó thống trị tuyệt đối thành phố. Bên cạnh nó, tất cả những quảng trường khác của Venice đều mờ nhạt đi, được gọi là campi, bãi trống.
Vì quyền lực của nền cộng hòa được biểu hiện bằng đá hoa cương ở đây: trong Dinh Tổng trấn, trong các dãy nhà Procuratie, trong Nhà thờ Thánh Mark – ngôi nhà thờ quốc gia mà trong đó nền cộng hòa được tôn sùng trước tiên rồi mới đến Chúa Trời kính yêu. Vị giáo trưởng của Venice phải bằng lòng với ngôi nhà thờ San Pietro di Castello khiêm nhường hơn rất nhiều. Chỉ sau khi Napoleon đâm nhát dao cuối cùng vào Cộng hòa Venice , vị giáo trưởng mới được phép dọn vào Nhà thờ Thánh Mark: Năm 1837, thời chiếm đóng của Áo, dinh tổng giám mục được xây tại Piazzetta dei Leoncini.
Procuratie Cũ và Mới nguyên là 2 dãy nhà công sở của Cộng hòa Venice ngày xưa. Ảnh: Fotocommunity.
Có lẽ chính cảm giác rằng nơi này không hề thay đổi qua nhiều thế kỷ đã mang lại nét quyến rũ như vậy. Một kỳ quan mà người ta có thể đi lại ở trên đó. Chỉ một bước chân thôi, người ta đã đứng trước một bức tranh của Carpaccio hay Guardi, chỉ phải tưởng tượng rằng không có khách du lịch ở đó.
Khi nào mà lại có cơ hội bước đi trên một bức tranh? Những biểu tượng của vị tổng trấn cuối cùng đã bị đốt cháy trên quảng trường này, người Venice đã khinh thị Hoàng hậu Sissi của Áo và tung hô Mussolini ở đây. Nhưng thời gian có nghĩa gì trên một quảng trường mà ở đó từ "mới" được dùng để chỉ cái đã có từ 400 năm nay?
Người Venice không bao giờ gọi những dãy nhà ở bên trái và phải của Quảng trường Thánh Mark một cách đơn giản và chung chung là Procuratie – họ phân chia chúng ra một cách nghiêm ngặt thành cũ và mới, như thể họ vẫn chưa quen được với dãy nhà mới sau 400 năm.
Ảnh: Monika Biallass/Fotocommunity.
Kích thước của Quảng trường Thánh Mark không hề thay đổi kể từ thế kỷ 12. Người ta đã mất 400 năm để xây nó, từ thời Gothic qua đến thời Phục Hưng – khi Sansovino người Florence đến đây và xây thư viện đối diện với Dinh Tổng trấn. Lần xây đầu đã sập vì Sansovino chưa từng xây trên nền đất lún. Người Venice bỏ tù ông vì chuyện này. Và nếu như không có những người bạn nổi tiếng của ông ra tay cứu giúp, danh họa Tizian và nhà văn Aretino, thì Quảng trường Thánh Mark có lẽ đã không hoàn tất, giống như một câu nói bị ngắt giữa chừng, không được kết thúc.
Khi quảng trường vừa duỗi người ra trong nắng ấm, những người sống nhờ vào nó đã đẩy xe của họ đến: Người bán thức ăn cho chim bồ câu, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh. Đối với họ, Quảng trường Thánh Mark không phải là một kỳ quan mà là nơi làm việc. Quảng trường được chia ra chính xác từng cm một, như trong một mỏ vàng mà người ta chỉ được phép đãi vào những giờ nhất định, ở nơi được quy định trước. Đắt giá nhất là trước Nhà thờ Thánh Mark. Và để cho tất cả những người bán hàng không túm tụm nhau ở đó, họ làm việc theo ca và đổi nơi bán hàng.
Hằng triệu gót giầy đã chà nhẵn những tảng đá lát quảng trường, hằng triệu bàn tay đã lau bóng hai con sư tử trên Piazzetta dei Leoncini. Khách tham quan nghĩ gì trong khoảng khắc huyền diệu khi họ lần đầu tiên đặt chân lên quảng trường? Họ có giống như nhà văn Julien Green, người lo sợ phải phát cuồng? Hay họ cố tự cứu mình bằng cách lẫn trốn vào trong sự mỉa mai châm biếm như nhiều nhà văn khác? Goethe bàn luận về cua trên Campanile, Mark Twain so sánh nhà thờ với một con bọ cánh cứng đang đi dạo, Hemingway với một rạp chiếu bóng Hollywood.
Cho chim bồ câu ăn trước Nhà thờ Thánh Mark
Người Venice đi ngang qua quảng trường một cách rất cẩn trọng. Họ không bao giờ đi xuyên qua dãy cột ở góc của Dinh Tổng trấn, họ sẽ không bao giờ đi giữa cột San Todaro và cột San Marco trên Piazzetta, nơi từng đặt giàn gông cho những người bị xử tử hình, họ không bao giờ đi xuyên qua 6 cây cột của nhà hát Opera Bevilacqua La Masa. Tất cả những cái đó sẽ mang lại điều bất lành.
Du khách tìm chỗ dựa ở hướng dẫn viên du lịch, người giảng giải không những về nguồn gốc Byzantine mà còn về nguồn gốc tội phạm của Nhà thờ Thánh Mark nữa: Không chỉ hài cốt của Đức Thánh Tin Lành, không đâu, cả những cây cột bằng đá hoa cương và cung vòm thạch cao tuyết hoa, tượng thánh gắn ngọc và những con ngựa bằng đồng – tất cả đều được lấy trộm! Trộm về từ Phương Đông! Do những thương gia Venice mang trộm về, những người tin rằng đó là nhiệm vụ do bề trên giao phó!
Vẽ tranh trên Quảng trường Thánh Mark. Ảnh: Rupert Kaufmann.
Khách du lịch và chim bồ câu tìm nơi tránh nắng gay gắt vào giữa trưa. Du khách trên những bậc có bóng mát của Quảng trường Thánh Mark, chim bồ câu trong các góc nhỏ của dãy cuốn. Một du khách vẫn còn ngồi mãi mê vẽ trước quán cà phê Florian. Caffè Florian đã từng là nơi gặp gỡ của những người yêu nước: Đó đã là nơi tụ họp của những người nổi dậy chống nước Áo đang chiếm đóng. Vẫn còn 2 graffiti trên tường của căn nhà mang số 60 minh chứng cho thời gian đó: W San Marco – W La Repubblica: Thánh Mark muôn năm – Cộng hòa muôn năm.
Người Áo lui tới trong quán cà phê Quadri đối diện, cái quán mà đã nhanh chóng tự hạ mình đổi tên thành Caffè Militare (Cà phê Quân đội), có thêm dòng chữ phụ bằng tiếng Đức "Kaffehaus". Khi thống đốc người Áo hạ lệnh bắn vào đám đông trên Quảng trường Thánh Mark trong cuộc nổi dậy năm 1848, những người bị thương đã được mang vào Caffè Florian. Đó là lần nổi dậy cuối cùng của Venice chống lại một thế lực chiếm đóng – với Florian là đồng minh. Người Venice yêu nó cho đến ngày nay.
Bên trong quán cà phê Florian. Caffè Florian được khai trương ngày 29 tháng 12 năm 1720 là một những quán cà phê lâu đời nhất vẫn còn hoạt động liên tục cho đến ngày nay. Thuộc trong số những khách nổi tiếng nhất là Goethe, Honoré de Balzac, Giacomo Casanova, Richard Wagner, Thomas Mann và Jean Cocteau. Ảnh: Walter Ahlfeld.
Ánh sáng đẹp nhất vào buổi chiều, khi bóng bắt đầu ngã dài: Mặt Trời ở phía tây chiếu sáng những bức tranh khảm vàng của Quảng trường Thánh Mark. Trong khoảng khắc thấu kính của máy ảnh hé mở, những đôi tình nhân ôm nhau và sực nhớ lại rằng họ đã yêu nhau lúc nào đó. Không chỉ ánh sáng được lưu lại, mang về và lồng vào một cái khung ảnh. Mà còn là hạnh phúc. Không biết có tất cả những ai đã chụp ảnh ở đây, cả trùm mafia Totò Riina với vợ nữa – cả nước Ý đang truy lùng, và người này đứng cho chim bồ câu ăn trên Quảng trường Thánh Mark, để cho một nhiếp ảnh chụp lại khoảng khắc đáng nhớ đấy trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật.
Vào giờ này, nhà thờ chỉ mở cửa cho những người muốn vào để đi lễ. Và như có hẹn trước, không những du khách mà chim bồ câu cũng biến mất – giống như chúng đã qua được một ngày làm việc. Quảng trường Thánh Mark được chiếu sáng về đêm óng ánh như một nhà hát.
Quảng trường Thánh Mark về đêm. Ảnh: Wolfgang Schmitzberger.
Một vài khách du lịch bước theo điệu waltz từ trong quán cà phê và những người khác cùng nhau hát. Càng về đêm số người này càng đông, họ dập dờn từ quán cà phê này sang quán cà phê khác – nhưng không ai ngồi xuống, vì mặc cho tất cả những cảm xúc thơ mộng, người ta vẫn cho rằng chiếc ghế của quán cà phê là quá đắt. Du khách chỉ đi về nhà khi tiếng chuông nửa đêm ngân vang. Đó là tiếng báo hiệu. Venice đóng cửa. Hãy tiếp tục mơ mộng một mình!
Lông chim bồ câu vẫn bay lượn trên đá lát quảng trường khi đèn trong các dãy cuốn đã tắt, chim bồ câu đã mơ màng trong những góc nhỏ của chúng và Mặt Trăng đang đứng trên mái vòm của Nhà thờ Thánh Mark. Một người đàn ông bước qua quảng trường, ngồi xuống một chiếc ghế. Ông chống tay lên bàn và nhìn vào màn đêm. Trông như thể ông đang lắng nghe quảng trường. Nhịp tim của nó, hơi thở của nó.
Phan Ba