VEPR nhìn nhận tại kịch bản cơ sở, dịch bệnh không lan rộng trong nước ở phần lớn thời gian của năm và hoạt động kinh tế nội địa tiếp hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu.
Mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6-5,8%.
Với kịch bản bất lợi, hoạt động kinh tế trong nước bị gián đoạn vì Covid-19; tình hình dịch bệnh ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện. Việc đi lại, di chuyển giữa các nước chưa phục hồi, do đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực để cải thiện.
Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tổng cầu. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8-2%.
Nhóm dự báo nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6-5,8% trong cả năm 2021.
Về khuyến nghị chính sách, VEPR cho rằng do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.
Thêm vào đó, việc phòng chống dịch Covid-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.
Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.
Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
“Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận.
Chúng tôi cho rằng, gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì gói cứu trợ lần hai nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, VEPR khuyến nghị đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia; lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; ổn định kinh tế vĩ mô; đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu để tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.
Lam Nguyễn