Theo tìm hiểu của PV, không ít trường hợp mặc dù không va đập hay bị ngã, tai nạn ở đâu nhưng trên người bỗng nhiên xuất hiện những vết bầm. Điều đáng nói, những vết bầm đó không hề gây đau đớn gì.
Chị Nguyễn Minh Hồng (Hà Nội) chia sẻ, hồi tháng 7 vừa qua, trên người chị bỗng dưng xuất hiện nhưng vết bầm tím nhưng không có biểu hiện gì bất thường nên chị chủ quan không đến viện khám.
Tuy nhiên, sau đó hơn 1 tuần, trên người chị Hồng lại xuát hiện thêm vết bầm mới ở cổ, bắp tay và chảy máu chân răng. Thấy lạ, chị đã đến viện khám và bất ngờ trước kết quả mà bác sĩ công bố- chị mắc chứng xuất huyết tiểu cầu miễn dịch. Vết bầm chính là dấu hiệu của căn bệnh về máu rất nguy hiểm đấy mà bất kỳ người nào cũng cần phải lưu ý!
Theo các bác sĩ chuyên khoa, những dấu hiệu xuất huyết dưới da hay vết bầm tím có thể là do người bệnh mắc phải chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Đây là trạng thái bệnh do các kháng thể tiểu cầu tự phá hủy tiểu cầu của cơ thể.
Tiểu cầu- một trong ba tế bào chính của máu có chức năng cầm máu. Khi lượng tiểu cầu bị phá hủy sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt, ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Khi đó, có thể kéo theo chứng xuất huyết nội tạng ồ ạt, gây tai biến mạch máu não, suy hô hấp, suy thận gây nguy hiểm tính mạng.
Biểu hiển điển hình của bệnh là xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… Lưu ý nhất đó chính là tình trạng xuất hiện các vết bầm dưới da với các dạng: nốt, chấm, mảng hay rải rác ở chân tay hoặc lan rộng.
Ths.BS Lê Quang Tường – Trưởng khoa Khám bệnh- Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, đây là căn bệnh về máu có tỷ lệ người mắc nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu và nhận thức đúng về căn bệnh này. Thậm chí nhiều người khi thấy những dấu hiệu, nhưng lại chủ quan không đi khám, đến khi phát hiện thì bệnh đã gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí là có trường hợp tử vong.
Cách đây không lâu, một nam bệnh nhân (36 tuổi, ở Hòa Bình), dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng do bệnh quá nặng, xuất huyết não nên đã không qua khỏi. Được biết, ban đầu bệnh nhân xuất hiện một số vết bầm tím trên da, đánh răng lại xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng nhưng chủ quan không đi khám. Đến khi bệnh nhân đau đầu dữ dội gia đình mới đưa ra bệnh viện tỉnh khám. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ở giai đoạn muộn.
Theo các bác sĩ, để chẩn đoán bệnh, bệnh nhân sẽ phải làm xét nghiệm máu để đo lượng tiểu cầu và để xem nếu một căn bệnh nào đó là nguyên nhân gây ra bệnh. Chuyên gia huyết học có thể tích mẫu tủy xương ở gần hông để kiểm tra các tế bào dưới kính hiển vi. Bác sĩ có thể thực hiện chụp cắt lớp (CT) để xem xét lá lách và các cơ quan khác.
Các bác sĩ khuyến cáo, bất kỳ ai cũng có thể mắc xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em từ 2-5 tuổi và người lớn từ 20-50 tuổi. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nữ giới.
Mặc dù là bệnh nguy hiểm, song bác sĩ Tường cho rằng, bệnh có khả năng chữa trị nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, khi số lượng tiểu cầu đã giảm quá nhiều sẽ gây nguy hiểm trong quá trình điều trị. Vì thế, nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường (kể cả không gây đau đớn), người bệnh cần đi khám tư vấn bác sĩ để có liệu trình điều trị sớm.
Vân An