"Vết chân tiên" trong khu vườn cổ dưới chân núi Đọ

"Vết chân tiên" trong khu vườn cổ dưới chân núi Đọ

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Ngay dưới chân núi Đọ nằm trên địa bàn xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa là khu vườn cổ có "vết chân tiên", ẩn chứa đầy bí ẩn.

Vết chân lạ trên sườn núi

Núi Đọ hay có tên gọi khác là núi Rùa (do khối núi có hình một con rùa nền người dân sinh sống xung quanh núi vẫn thường gọi như vậy). Đây là ngọn núi cao nhất đồng bằng phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa. Theo lời cụ Dương Văn Nam, một cụ cao niên ở xóm 8, xã Thiệu Vân kể lại: "Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện trên sườn núi những di vật cổ bằng đồ đá có niên đại hàng chục vạn năm, đánh dấu nơi này trước đây đã từng có người nguyên thủy sinh sống. Cho đến thời điểm này, trên núi Đọ vẫn còn một cái giếng cổ và các dấu tích bằng đá xếp tầng của người xưa nhưng không biết chúng có từ bao giờ và ai xây dựng nên chúng".

Để tìm hiểu rõ về những bí ẩn ở núi Đọ, cụ Nam đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Đỗ Văn Toản ở xóm 8, chủ nhân của khu vườn bí ẩn có "vết chân tiên". Anh Toản cho biết, đã có thời gian người hiếu kỳ đổ xô về đây mục sở thị vết chân lạ này. Anh Toản kể lại, từ nhỏ anh đã thích nghề chăn bò và muốn lập một trang trại chăn nuôi bò của riêng mình. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng anh đã tích góp dành dụm được ít vốn và mua một mảnh đất rộng ngay dưới chân núi Đọ với ý định lập một trang trại phát triển kinh tế. Nhưng do nhiều năm chăn nuôi không có lãi, gia đình anh chuyển cả khu vườn sang trồng cây ăn quả, rau và dành một góc nhỏ đào ao thả cá.

Xã hội - 'Vết chân tiên' trong khu vườn cổ dưới chân núi Đọ

Anh Đỗ Văn Toản kể lại về những bí ẩn"vết chân tiên" trong khu vườn nhà mình.

Cũng trên mảnh đất đó, anh Toản dựng lên căn nhà cấp 4 lợp ngói 2 gian nằm sát dưới chân núi Đọ. Chỉ tay vào bức tường mới xây bằng gạch bao quanh khu vườn dài dằng dặc lên chân núi, anh Toản nói: "Bức tường ấy là sự ngăn cách giữa hai xã Thiệu Vân và Thiệu Khánh. Lúc gia đình mới chuyển đến đây sinh sống nghe bà con nói trước đó, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện hơn 2.500 di vật bằng đá và trầm tích đất bazan ở quanh khu vực này.

Ngoài ra, cách đây khoảng 10 năm, khi gia đình chúng tôi mới chuyển đến đây, thi thoảng tôi lại thấy một số người đến khu vườn nhà xem hình vết chân trên phiến đá rồi tò mò hỏi về khu vườn này có gì khác thường không, rồi họ xin phép đào bới. Gia đình tôi thấy không ảnh hưởng gì đến khu vườn lại cải tạo đất cho mình nên cũng đồng ý cho họ đào. Họ đào rồi đi, chúng tôi không biết họ đào để làm gì?".

Dứt lời, anh Toản dẫn chúng tôi lên phía sau nhà, nơi có những phiến đá đen nhẻm nằm ẩn mình dưới tán rừng cây bạch đàn trắng bạc. Anh bước lên một phiến đá to như một chiếc giường rồi chỉ cho chúng tôi xem bức hình một bước chân y như bước chân của người "Giao chỉ" thời xưa mà theo anh từ xa xưa đến nay người dân vùng này đã đặt tên cho bước chân kỳ lạ này là "vết chân tiên".

"Khi gia đình tôi chuyển đến đây, bố tôi còn sống và kể rằng, bước chân này rất giống với bàn chân trái. Ngón chân trái dài cụp ra phía ngang, các ngón khác thưa hơn với bàn chân của người bình thường. Kích thước bàn chân cũng to hơn", anh Toản lý giải về dấu chân trên phiến đá trong khu vườn nhà mình.

Anh Toản cho biết thêm, trước đây bàn chân rất rõ nét, giống như dấu vết một bàn chân thật. Nhưng cách đây một năm có một cán bộ ở bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến đây xin đổ thạch cao vào vết chân để lấy biểu tượng rồi đúc tượng gì đó nên "vết chân tiên" bị mờ đi ít nhiều.

Những bí ẩn dần được hé lộ

Cũng chính từ khi phát hiện hình bước chân kỳ lạ này trong một số làng có người dân sinh sống lâu đời quanh núi Đọ đã truyền tụng với nhau rằng: Nếu muốn sinh con trai thì người vợ chỉ cần đến đây giẫm vào "vết chân tiên" này sẽ được như ý muốn. Cụ Nam cho biết thêm, những năm trước, có những đôi vợ chồng hiếm muộn hoặc gia đình không sinh được con trai tìm về đây xin được giẫm lên "vết chân tiên" để cầu nguyện có con.

Khi chúng tôi nhắc đến câu chuyện kỳ lạ này, anh Toản lắc đầu rồi cười chỉ tay về phía hai đứa con gái xinh xắn đang chơi ngoài sân và nói: "Làm gì có chuyện đó, đấy là do mấy người mê tín, họ đồn thổi như vậy. Nguyên nhân do một số thầy lang đồn thổi để cúng bái trục lợi. Bởi nếu thật sự giẫm lên bước chân này mà có con trai thì làm gì có chuyện gia đình tôi vinh dự có đến hai đứa con gái đáng yêu này".

Xã hội - 'Vết chân tiên' trong khu vườn cổ dưới chân núi Đọ (Hình 2).

Hình ảnh "vết chân tiên" kỳ lạ.

Sau khi biết tin đoàn khảo cổ đã đào được nhiều di vật trong khu vườn nhà anh Toản, nhiều người dân ở các xã lân cận đã ùa đến đây xin phép anh cho đào... cổ vật. Nếu phát hiện cổ vật sẽ chia đôi, sau một thời gian đào bới cũng phát hiện một số cổ vật nhưng đều không nguyên vẹn.

Trong số những đồ vật anh Toản đào được khi đào ao có thanh kiếm đã rỉ nhưng còn khá nguyên vẹn, bình gốm cũng như bát đĩa đều bị vỡ vụn. Anh Toản nhớ lại: "Khi biết tin tôi đào được thanh kiếm, dân buôn đã đến tận nhà tìm mua, thấy họ trả vài trăm nghìn một thanh kiếm rỉ nên tôi bán liền, sau này mới biết thanh sắt rỉ ấy chính là một thanh bảo kiếm thời Hậu Lê. Lúc đó tôi tiếc lắm nhưng đã trót bán rồi, biết họ là ai ở đâu mà chuộc lại".

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đến gặp nhiều người từng sinh sống lâu đời ở quanh khu vực núi Đọ để xác minh sự việc. Tất cả họ đều kể lại câu chuyện giống hệt nhau và khẳng định trước đây khu vực quanh núi Đọ đúng là đã phát hiện rất nhiều di vật cổ có giá trị về văn hóa, đời sống của người xưa. Cụ Nguyễn Thị Ngà, 79 tuổi, ở xã Thiệu Vân cho hay: "Ngày xưa hồi còn trẻ cụ thường theo bố mẹ lên làm nương trên núi, hồi ấy trên núi Đọ còn rất nhiều hang và giếng cổ. Tuy nhiên, cách đây mấy năm cụ lên chăn bò thì không còn thấy nhiều giếng nữa, có lẽ do quá trình bào mòn, vùi lấp của tự nhiên và việc con người canh tác trên núi đã lấp hết các hang và giếng".

GS. Trần Quốc Vượng từng lấy di vật nơi này để nghiên cứu

Anh Đỗ Văn Toản chủ nhân của khu vườn bí ẩn cho biết thêm: Trong quá trình đào ao làm trang trại, anh đã phát hiện 2 cái am có chứa nhiều bình gốm, kiếm, và rất nhiều gạch vồm - thứ gạch dùng để xây dựng mộ của người xưa. Đây là những di vật cổ mang giá trị tâm linh sâu sắc. Thời gian gần đây, có một số người vẫn đến xin được đào đất tìm kiếm đồ cổ nhưng không phát hiện được thêm gì. Bản thân anh Toản ban đầu cũng hoang mang trước rất nhiều lời đồn thổi kỳ lạ. Tuy nhiên về sau, anh tìm hiểu thực hư và nói cho người dân biết để tránh bị lừa đảo. Anh Toản kể: "Khi mới chuyển đến đây nghe dân làng kể chỗ đất mình mới mua đã từng có mấy đoàn khảo cổ đến khảo sát và đào mang đi rất nhiều di vật là rìu đá và các am trong đó có bát đĩa, tiền cổ từ thời Lý, Trần. Mãi sau này, khi đi hỏi các cán bộ ngành văn hóa ở tỉnh Thanh Hóa tôi mới biết trưởng đoàn khảo cổ ngày ấy là cố giáo sư Trần Quốc Vượng. Chính ông đã trực tiếp về đây và mang một số di vật đi nghiên cứu".

Nhật Tân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.