Những ngày này, cả nước sục sôi vì ông Park Hang-seo và các cầu thủ ĐT Việt Nam. Chưa bao giờ, nhờ thể thao mà dân tộc Việt Nam lại đoàn kết một lòng đến thế. Dù là già trẻ gái trai không thân không quen nhưng trước tình yêu bóng đá, những trái tim xa lạ cũng như hòa làm một.
Đầu năm 2017, khi cái tên Park Hang-seo còn lạ lẫm và những cú phốt lịch sử của bóng đá Việt Nam vẫn còn đó, người ta nghi hoặc về tương lai bóng đá nước nhà và cả khả năng cầm cự của ông HLV chạm tuổi lục tuần. 10 vị HLV trước ông thì những 9 vị bị sa thải. Vậy nhưng, từ từ, từng bước một, vị HLV có biệt danh “ngủ gật” ấy đã đưa ĐT Việt Nam chinh phục từng đỉnh cao một.
Theo bản hợp đồng ký với VFF, ông Park Hang-seo được hưởng mức lương khoảng 22.000 USD/tháng. Xét về mặt bằng chung khu vực, con số này quá khiêm tốn. Cụ thể, nguyên HLV Milovan Rajevac của ĐT Thái Lan- người mới bị sa thải cách đây chưa lâu cũng có mức lương khởi điểm là 58.000 USD/tháng. So với HLV Eriksson (Philippines) ở mức lương 80.000 USD/tháng, tiền lương của ông Park chỉ bằng ¼. Ngay cả HLV Tan Cheng Hoe, người có số tiền lương bị đánh giá là thấp thì cũng cao hơn ông Park với 23.000 USD/tháng. Còn ở “cấp độ’ lớn hơn là Asian Cup, lương của HLV M. Lippi (Trung Quốc) là 2,3 triệu USD/tháng, của HLV Carlos Queiroz (Iran) là 180.000 USD/tháng.
Cứ cho là khi ký vào bản hợp đồng nghĩa là ông Park đã đồng ý với khoản lương đó nhưng ở công việc nào cũng vậy, “vượt chỉ tiêu” thì phải có thưởng. Trong bóng đá, đó là gia hạn hợp đồng và… tăng lương.
Khi Jose Mourinho giúp M.U giành chức vô địch Cúp Liên đoàn Anh và Europa League, ông lập tức được gia hạn hợp đồng từ 3 năm lên 5 năm và tiền lương tăng từ 60 triệu lên 65 triệu Bảng/năm.
Nói đâu xa, ngay như nước láng giềng Thái Lan, HLV Milovan Rajevac nhậm chức từ tháng 5/2017, mới đầu đã nhận mức lương 58.000 USD/tháng. Khi giúp "Voi chiến" bảo vệ thành công ngôi vô địch King's Cup, ngay lập tức ông này được Liên đoàn Bóng đá Thái Lan gia hạn hợp đồng đến năm 2020 kèm theo điều khoản tăng lương gần gấp đôi, lên 100.000 USD/tháng.
Từ lời hứa ban đầu là đưa ĐT Việt Nam vào top 100 trên BXH FIFA và vô địch AFF Cup, dưới sự dẫn dắt tài tình của ông Park Hang-seo, ĐT Việt Nam lần lượt chinh phục những thử thách tưởng như không bao giờ chạm tới. Đó là giải Á quân U23 châu Á, là vào tứ kết ASIAD, vô địch AFF Cup, vào top 100 trên BXH FIFA, thậm chí ghi danh vào top 8 đội mạnh nhất châu Á tại Asian cup 2019. Người hâm mộ còn có thể trông chờ gì nhiều hơn thế?
Vậy mà VFF vẫn án binh bất động?!
Sau những thành công vang dội đó, ông thầy người Hàn Quốc đang rất được chú ý. Thậm chí chính truyền thông Hàn Quốc còn “cảnh báo” Việt Nam rằng, nếu không cẩn thận sẽ “mất” ông như chơi. Vì sao? Vì đó là những đội bóng quê nhà và quan trọng không kém là số tiền lương họ trả cho ông gấp 5 lần những gì ông đang có.
Khối người bảo từ một người vô danh ở Hàn Quốc, sang Việt Nam là ông phất lên như diều gặp gió, vừa là HLV vừa đi quảng cáo, thiếu gì tiền mà phải đòi tăng lương. Vấn đề chính ở chỗ đó.
Số tiền kiếm được từ quảng cáo, tham gia gameshow nằm trong tổng thu nhập của ông chứ không phải lương. Nói cho dễ hiểu, đó được xem là tiền làm thêm.
Đồng lương nhiều hay ít dù không luôn luôn đúng nhưng phản ánh khá chính xác năng lực của một người. Và khi ai đó làm tốt hơn mức yêu cầu, dù nói hay không, chắc chắn trong thâm tâm họ cũng có nhu cầu được tăng lương. Ông Park Hang-seo có lẽ không phải là ngoại lệ.
Vậy mà VFF vẫn án binh bất động?!
Tuy mới đi được 2/3 quãng đường nhưng bản hợp đồng của ông Park và VFF vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề tối quan trọng là gia hạn hợp đồng.
Có lẽ người hâm mộ vẫn chưa quên cú sốc lớn ngay sau chiến thắng tại AFF Cup chính là sự ra đi của trợ lý thể lực Bae Ji-won.
Ngay khi hết hợp đồng với VFF, ông Bae đã có hợp đồng mới với một CLB ở Malaysia trong vai trò HLV trưởng. Câu chuyện bất ngờ này thực ra không hề bất ngờ chút nào. Một vị HLV chuyên nghiệp luôn hoàn thành đúng hợp đồng. Chỉ đúng theo hợp đồng thôi, còn sau hợp đồng thì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Ông Park có vẻ cũng đã chừa đường lui cho mình khi trả lời báo chí: “Tôi cam kết sẽ tiếp tục làm việc tại Việt Nam cho tới khi kết thúc hợp đồng”.
Người hâm mộ thì lo sốt vó mà VFF vẫn cứ bình chân như vại.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.