Người làm việc “lạ đời” nói trên là bác sĩ Lê Văn Khen, hiện đang công tác tại bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.
Cách đây hơn 4 năm, bác sĩ Khen là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải, với mức đãi ngộ vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Trong một lần ngồi trò chuyện, bác sĩ Võ Thành Lợi, Giám đốc bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau than thở rằng: “Đa số trường hợp ngoại nhi của tỉnh đều phải chuyển tuyến, thiệt thòi cho gia đình bệnh nhân nên bệnh viện muốn thành lập khoa Ngoại nhưng thiếu người có chuyên môn”.
Không chần chừ, bác sĩ Khen đáp lại: “Em về thành lập được không”? và sau đó anh từ bỏ chức vụ, danh vọng về ký hợp đồng lao động với bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, nhận mức lương bằng 1/10 trước đó.
Chia sẻ về lý do về với bệnh viện công, bác sĩ Khen nói: “Đối với tôi, nơi nào cần mình, tạo điều kiện để mình phát huy hết khả năng trong chuyên môn thì nơi đó mới là thực chất, đúng nghĩa.
Tư hay công không quan trọng, quan trọng là vị trí nào mình phục vụ được nhiều cho xã hội, giúp ích được nhiều cho người bệnh, người dân ở quê hương thì mình làm”.
Đáp lại sự tin tưởng của ban Giám đốc bệnh viện, trong thời gian qua, bác sĩ Khen đã có nhiều sáng tạo, tự tin áp dụng các phương pháp, kỹ thuật khó để chữa trị cho nhiều bệnh nhi và dần trở thành “của hiếm” của ngành y tỉnh Cà Mau.
Điển hình là trường hợp của cháu Trần Hoàng Huy (chưa tròn 3 tuổi) ở phường 6, TP.Cà Mau. Cháu Huy nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội và được chuẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, tuy nhiên, sau khi điều trị vài ngày bé vẫn không bớt.
Bằng kinh nghiệm làm nghề, bác sĩ Khen đã dùng phương pháp nội soi để kiểm tra ruột của cháu. Kết quả, cháu bị túi thừa mecken.
Thông thường, các bác sĩ sẽ chuyển qua mổ hở để cắt túi thừa này nhưng bác sĩ Khen thì không. Bác sĩ thực hiện cắt bỏ túi thừa liền sau đó bằng phương pháp nội soi.
Bác sĩ Khen tâm sự: “Cắt túi thừa bằng phương pháp nội soi rất khó nhưng theo xu hướng vận dụng phương pháp xâm lấn tối thiểu đối với trẻ em.
Tôi đã luôn cố gắng trau dồi, rèn luyện kỹ năng và tự tin thực hiện được. Nâng cao tay nghề để mang lại niềm vui cho gia đình bệnh nhân như cháu Huy là trách nhiệm của chúng tôi”.
Cách đây mấy tháng, bác sĩ Khen còn được vinh dự đứng trong hội nghị của toàn ngành nhi khoa cả nước báo cáo về việc, dùng sợi chỉ may thông thường, có giá 15.000 đồng thay cho sợi chỉ nhập mắc hơn hàng chục lần để giảm chi phí phẫu thuật cho gia đình bệnh nhân.
Hiện nay, có bệnh viện trả mức đãi ngộ lên tới 100 triệu đồng mỗi tháng để có được sự phục vụ của bác sĩ Khen nhưng vẫn chỉ nhận được từ bác sĩ cái lắc đầu.
Bởi, với anh “nụ cười của các bé là niềm vui” và “đóng góp cho nơi cần mình là hạnh phúc”, chế độ thấp hơn nhiều lần, không sao.
Theo sở Y tế Cà Mau, từ năm 2015 đến năm 2019, ngành y tế tỉnh này đã có gần 150 bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, đã có khoảng 20 bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công, ra ngoài làm cho các bệnh viện, phòng khám tư nhân. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do lương thấp.