Bản thân Tổng thống Aquino cũng thừa nhận rằng việc xây dựng cho Philippines một “năng lực quốc phòng tối thiểu” cũng gặp những thách thức do căng thẳng về tài chính.
Hải quân Philippines vừa tiếp nhận tàu tuần duyên lớp Hamilton của Lực lượng canh gác bờ biển Mỹ. |
Hiện quân đội Philippines đang có nguồn tài chính rất hạn chế, thực ra phần lớn ngân sách của quân đội đều dành để trả lương và tiền phụ cấp cho các quân nhân chứ không phải dành cho nhiệm vụ nâng cấp năng lực quốc phòng (mua sắm vũ khí, khí tài hiện đại). Thêm vào đó, Hiến pháp Philippines năm 1987 không cho phép chính phủ nước này dành ngân sách cho quân đội nhiều hơn cho giáo dục.
Trong bản đề xuất ngân sách cho năm 2014, số tiền dành cho Bộ giáo dục là 5,9 tỷ USD cộng với 742 triệu USD dành cho các trường đại học và cao đẳng ở trong nước, trong khi đó ngân sách dành cho cả Bộ Quốc phòng và Các lực lượng vũ trang chỉ là 1,9 tỷ USD.
Với tình hình trên, một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Philippines có thực sự đủ tiền để hiện đại hóa quân đội yếu kém của mình hay xây dựng một năng lực quốc phòng tối thiểu hay không – hai ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này. Tình trạng đó làm đau đầu các nhà lập kế hoạch quân sự của cả Philippines và nước ngoài, những người đang háo hức cải thiện năng lực quân sự của quốc gia Đông Nam Á này nhưng đó là thực tế mà bất kì nhà hoạch định chiến lược quân sự cũng phải chấp nhận và cân nhắc.
Rõ ràng là để thực hiện các mục tiêu trên cần có tầm nhìn xa, sự kiên nhẫn và cả nguồn tài chính dồi dào. Câu hỏi lúc này sẽ là: liệu chính quyền Philippines có tuân thủ những nguyên tắc này không? Khi nào chính phủ Philippines chưa xác định rõ kế hoạch thực thi chiến lược này ra sao và bày tỏ quyết tâm chính trị cũng như cam kết để đạt mục tiêu thì năng lực quân sự của Philippines sẽ không được coi là có đủ năng lực.
Thiếu thốn vũ khí khí tài
Năng lực quốc phòng tối thiểu đã trở thành đề tài nóng trong các cuộc tranh luận về nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội Philippines. Điều không may là đối với người Philippines đây là mục tiêu rất mơ hồ mà bản thân chính phủ nước này vẫn chưa xác định rõ ràng. Một số quan chức chính phủ Philippines chỉ đơn giản gắn khái niệm năng lực quốc phòng tối thiểu với việc sở hữu các vũ khí khí tài mới va cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự. Một số khác thì cho rằng đào tạo quân sự chiến lược là yếu tố then chốt để đạt mục tiêu này. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Philippines vừa qua lại tuyên bố mục tiêu hiện đại hóa quân sự nước này là nhằm phòng ngừa “những ai muốn khơi mào chiến tranh” với Philippines.
Vị quan chức này cho biết Philippines đang lên kế hoạch cho 24 dự án hiện đại hóa trong vòng 3 năm tới. Chính phủ sẽ tài trợ các dự án này để mua chiến đấu cơ, trực thăng quân sự hải quân, máy bay tuần tra, tàu chiến, tàu tuần tra và tàu tấn công đa năng. Các thiết bị quan trọng nhất mà AFP sẽ mua gồm 3 tàu tuần duyên lớp Hamilton cũ của Lực lượng canh gác bờ biển Mỹ mà tới nay 2 chiếc đã được chuyển giao cho Hải quân Philippines. Dự kiến AFP cũng sẽ mua 12 chiến đấu cơ FA-50 của Hàn Quốc, trị giá xấp xỉ 440 triệu USD. Chắc chắn các vũ khí này sẽ giúp quân đội Philippines tăng đáng kể năng lực của mình.
Quân đội Philippines chưa bao giờ được thiết kế, và quan trọng hơn, là được xây dựng để có năng lực quốc phòng bảo vệ lãnh thổ chủ yếu là đảo của nước này. Nhiều chuyên gia cho rằng cần hàng tỷ USD để đầu tư thì quân đội Philippines mới đạt được năng lực quốc phòng tối thiểu. Tuy nhiên, với việc các căn cứ quân sự Mỹ tại nước này bị đóng cửa và Philippines mất doanh thu từ việc cho Mỹ thuê các căn cứ này, AFP phải dựa vào ngân sách do quốc hội quyết và các quĩ hiện đại hóa dành cho AFP. Các nguồn tài chính này không đủ để AFP thực hiện các kế hoạch hiện đại hóa của mình.
Quân đội Philippines sẽ mua 12 chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. |
Lệ thuộc vào viện trợ quân sự của nước ngoài
Cho tới tận thời gian gần đây, Philippines vẫn được Mỹ “che chở” về quân sự khi đối mặt với các mối đe dọa lớn về quân sự từ bên ngoài. AFP đã nhận nhiều thiết bị quân sự từ vô số chương trình hỗ trợ quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ và các quốc gia khác sẵn lòng hỗ trợ quân sự cho Philippines ở mức lớn hơn thì câu hỏi vẫn là liệu AFP có thể thực sự tiếp nhận được bao nhiêu.
Với cơ cấu hiện nay của Quân đội Philippines và tình trạng thiếu quyết tâm chính trị và sự ủng hộ của dư luận trong việc xây dựng năng lực quốc phòng mạnh hơn và đáng tin tưởng, một điều mà ít ai có thể phủ nhận là AFP có năng lực rất hạn chế để có thể tiếp nhận sự viện trợ lớn về quân sự từ nước ngoài. Ngay cả lúc này, với mối đe dọa “hiện hữu ngay trước mắt” từ Trung Quốc, dư luận Philippines vẫn tỏ ra ít hào hứng với việc xây dựng một quân đội lớn mạnh hơn nhiều hiện nay
Nhiều chuyên gia cho rằng Philippines cần có thay đổi lớn về chính sách - chưa nói tới quyết tâm chính trị - để có được sự thay đổi như yêu cầu. Cho tới khi các thay đổi đó diễn ra và dư luận Philippines chấp nhận rằng nước này cần có một lực lượng quân đội lớn mạnh hơn thì Manila sẽ còn phải tiếp tục dựa vào các biện pháp ngoại giao để bảo vệ lãnh thổ của mình. Điều đó có nghĩa là Philippines cần phải củng cố và duy trì mối quan hệ đồng minh chiến lược với các cường quốc như Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Theo Infonet