Trong đó, có nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài nhiều năm, gây bất an dư luận, thậm chí làm mất an ninh trật tự.
Hơn 30 năm... đi kiện
Trao đổi với PV, bà Phan Thị Bảy (69 tuổi) như vỡ òa trong xúc động, thậm chí còn rưng rưng nước mắt khi cầm quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh An Giang trên tay. Bà Bảy cho biết: "Hơn 30 năm nay, tôi đã đi hết nơi này nơi khác, gõ cửa nhiều cơ quan từ địa phương lên Trung ương, nhưng nay mới được giải quyết thấu đáo".
Theo đó, bà Bảy, ngụ tổ 12, ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đi khiếu nại vụ việc khá hi hữu đã diễn ra cách nay hơn 30 năm. Cụ thể, ngày 20/9/1971, vợ chồng bà Bảy (ông Cao Văn Mừng) là tá điền trực tiếp canh tác nhiều năm đã làm giấy hiến 3.600m2 đất tọa lạc tại xã Bình Hòa cho Hội đồng Ban quản trị Hội phụ huynh học sinh trường tiểu học cộng đồng Bình Hòa A, để xây dựng trường học.
Tuy nhiên, bà Bảy yêu cầu phải trừ lại cho ông Cao Văn Mừng và bà Bảy mỗi người được sử dụng một nền nhà ngang 15m, dài 20m, vị trí giáp Quốc lộ 91. Sau đó, trường tiểu học Bình Hòa A xây dựng trường trên phần đất nói trên. Đến năm 1975, chính quyền cách mạng đã tiếp quản nguyên trạng và sau đó đổi tên trường thành trường THCS Quản Cơ Thành.
Rất cần sự giải quyết dứt điểm của các cơ quan chức năng trong các vụ việc tụ tập khiếu kiện đông người (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Từ năm 1990 đến năm 1998, trường THCS này tiếp tục chuyển nhượng 4 lần (trong đó có phần diện tích bà Bảy bán cho trường) với tổng cộng là gần 8.000m2. Đến năm 2001, bà Bảy bất ngờ có đơn khiếu nại cho rằng, trường THCS Quản Cơ Thành đã sử dụng dư 1.343m2 so với phần đất đã hiến.
Xét thấy việc khiếu nại của bà Bảy là phù hợp, UBND huyện Châu Thành đã ban hành quyết định giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sau nhiều lần giải quyết tranh chấp từ cấp huyện đến cấp tỉnh, nhưng bà Bảy vẫn không đồng ý. Đến ngày 19/8/2010, Cục III và UBND tỉnh An Giang đã tiếp và đối thoại với bà Bảy. Sau khi tiến hành đo đạc thực tế theo yêu cầu của bà Bảy, kết quả cho thấy, trường THCS Quản Cơ Thành đang quản lý thừa 466,30m2. Sau đó, UBND tỉnh An Giang thông báo sẽ hỗ trợ bằng tiền cho phần diện tích này theo khung giá đất hiện hành và đúng loại đất thời điểm bà Bảy hiến. Tuy nhiên, bà Bảy vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện.
Ngày 3/10/2012, Tổ công tác của Cục III và đại diện các sở ngành của tỉnh An Giang tiếp tục có cuộc đối thoại với bà Bảy trên tinh thần sẽ hỗ trợ 446m2 đất bằng giá đất nông nghiệp tại thời điểm hiện nay, đồng thời hỗ trợ chính sách cho bà Bảy thêm số tiền 20 triệu đồng để bà Bảy ổn định cuộc sống và chấm dứt việc khiếu nại. Tuy nhiên, bà Bảy đã phớt lờ sự ủng hộ này, thậm chí còn đòi đền bù 1.500m2 đất ruộng với giá 2,5 triệu đồng/m2. Trước đòi hỏi đó, các đơn vị liên quan đã xem xét lại hoàn cảnh gia đình của bà Bảy và được biết, hiện bà đang rất khó khăn.
Theo đó, bà Bảy có hai đời chồng (chồng trước chết) và 7 người con, có khoảng 4000m2 ruộng nhưng đã bán hết 3 lớp đất mặt để đóng gạch nên không thể trồng được lúa. Để khiếu kiện, bà lên TP.HCM và xin trọ tại chùa Liên Trì (Q.2), đồng thời thường xuyên có mặt tại 210, Võ Thị Sáu, Q.3 (trụ sở của Cục III). Trước hoàn cảnh ấy, Cục III đã họp bàn với tỉnh An Giang và đến ngày 14/5/2013, UBND tỉnh An Giang đã ra quyết định giải quyết vụ việc của bà Bảy với mức hỗ trợ cao nhất có thể. Theo đó, diện tích 1.500m2 đất nông nghiệp được quy đổi thành tiền theo giá chuyển nhượng thực tế tại khu vực xã Bình Hòa là 400 ngàn đồng/m2 (600 triệu đồng). Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng giao cho UBND huyện Châu Thành hỗ trợ thêm cho bà Bảy một căn nhà Đại đoàn kết trị giá 30 triệu đồng và xét hỗ trợ chính sách vay vốn mua bán để bà Bảy ổn định cuộc sống.
Bà Bảy hằng ngày bán vé số để có tiền đi khiếu kiện. Nay bà đang chuẩn bị thu dọn hành lý về quê ổn định cuộc sống mới. Ảnh T.N
Thấu tình, đạt lý
Dù đó là một quyết định tối ưu nhưng bà Bảy vẫn có ý định tiếp tục khiếu nại. Tuy nhiên, bà Bảy cho biết: “Mới đây ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng Cục III có gọi tôi lên và nói rằng, việc của tôi đã được anh em ở Cục giải quyết hết lòng, hết sức rồi. Tôi nên nhận các khoản hỗ trợ gần 700 triệu đồng để về ổn định cuộc sống vì địa phương không thể giải quyết hơn được nữa. Kể để anh nghe, nhiều khi nóng, giận quá nên tôi cũng mất khôn, bao nhiêu năm ở đây tôi cũng có nặng lời với ông ấy nhiều lần, nhưng ông ấy không nặng lời với tôi. Thậm chí có những đêm trời mưa, gió, ông Đồng còn gọi bảo vệ đưa tôi vào trong cơ quan ngủ qua đêm. Cho nên, sau khi nghe những lời động viên, khuyên giải của ông Đồng cũng như cách giải quyết hết lý, hết tình của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh An Giang thì tôi cũng đã thấm thía cảnh khiếu kiện. Tôi sẽ đồng ý với quyết định đó và về quê để lo làm ăn, ổn định cuộc sống".
Trao đổi với PV, ông Võ Văn Đồng cho biết: "Vụ việc của bà Bảy hết sức phức tạp. Bà Bảy thường xuyên có mặt trước cửa cơ quan cùng với một số người khác. Nhiều khi đi làm về khuya thấy bà ấy nằm ngủ trên vỉa hè mưa lạnh, tôi phải nói anh em đưa bà vào. Nói thật, ngủ trong cơ quan, lỡ may bà ấy có chuyện gì thì tôi cũng liên đới trách nhiệm. Nhưng vì nghĩ tới cảnh của người khiếu kiện, nghĩ tới tình người nên tôi không ngần ngại. Và đây cũng chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài mà Cục III đã giải quyết trong thời gian qua. Nói thật, có những khi tôi đi làm mà không thể về nhà hoặc có khi đi làm mà không thể vào cơ quan vì người dân KNTC vây kín lối vào. Tôi hiểu những nỗi bức xúc và tâm lý của người dân khi đi KNTC, tuy nhiên, nếu mọi người bình tĩnh, cùng nhau đối thoại thì mọi việc sẽ dễ dàng giải quyết hơn rất nhiều lần".
Ông Đồng cho biết thêm, cả nước có tổng số 528 vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp kéo dài thì các tỉnh phía Nam có tới 295 vụ việc (chiếm gần 60%). Hiện, Cục III đang theo dõi đôn đốc để tiếp tục giải quyết 30 vụ việc còn lại, trong đó, chờ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo 14 vụ việc; Bộ ngành Trung ương đang xem xét, giải quyết theo thẩm quyền 8 vụ. Còn lại 8 vụ việc đang được các địa phương xem xét giải quyết.
Ông Đồng cũng cho biết thêm, hiện công tác giải quyết KNTC đang nóng ở một số nơi, điển hình như: 200 hộ dân khiếu nại tại huyện Giang Thành và Hòn Đất (Kiên Giang); các hộ dân tại khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang); các hộ tiểu thương tại các chợ Tân Hiệp, Vĩnh Tân (Đồng Nai)... Thanh tra Chính phủ cũng đã trao đổi với UBND các tỉnh về các biện pháp nhằm giải quyết theo thẩm quyền của các địa phương. Trước mắt là ổn định tình hình khiếu kiện tại cơ sở, không để công dân kéo kiện vượt cấp lên Trung ương.
Đâu chỉ có cái lý Ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng Cục III cho biết: "Thực trạng KNTC hiện nay khá phức tạp, bởi nhiều nguyên nhân khách quan (lịch sử, cơ chế, chính sách...) và chủ quan. Nhưng có lẽ trách nhiệm của người có thẩm quyền và tấm lòng với người KNTC cần phải được phát huy hơn nữa. |
Trung Nguyên