Trong tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng Tiếu ngạo giang hồ của cố nhà văn Kim Dung, nhân vật Bình Nhất Chỉ được biết đến như một bậc danh y kỳ tài, với khả năng chữa bệnh thần kỳ. Ông chỉ dùng một ngón tay để bắt mạch, nên được gọi là "Nhất Chỉ". Tuy nhiên, điều kỳ lạ là mỗi khi đồng ý cứu một mạng người, Bình Nhất Chỉ lại yêu cầu kẻ chịu ơn hoặc người thân của họ phải giúp ông giết một người khác. Chính vì tính cách quái dị này mà giang hồ đã đặt cho ông biệt hiệu "Sát nhân danh y".
Một lần, Đào Thực Tiên trong nhóm Đào Cốc Lục Tiên bị trọng thương, năm người còn lại liền khiêng anh đến nhờ Bình Nhất Chỉ chữa trị. Tuy nhiên, trong lúc cầu cứu, họ vẫn không ngừng mắng chửi Bình Nhất Chỉ. Ông chỉ quát một tiếng "Im!", cả nhóm lập tức im bặt, bởi nếu không, Bình Nhất Chỉ sẽ buộc họ phải giết chính Đào Thực Tiên.
![Bình Nhất Chỉ là một danh y có tài hiếm ai sánh kịp, nhưng lại tuân theo quy tắc quái đản: Cứu một người thì phải giết một người. Bình Nhất Chỉ là một danh y có tài hiếm ai sánh kịp, nhưng lại tuân theo quy tắc quái đản: Cứu một người thì phải giết một người.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/10/tran-tham-17391848328272024832344.jpg)
Bình Nhất Chỉ là một danh y có tài hiếm ai sánh kịp, nhưng lại tuân theo quy tắc quái đản: Cứu một người thì phải giết một người.
Trong một tình huống khác, để cứu Lệnh Hồ Xung bị thương, sáu người trong nhóm Đào Cốc Lục Tiên đã cãi nhau, không ai chịu nghe ai. Cuối cùng, cả sáu người cùng truyền sáu luồng chân khí vào người Lệnh Hồ Xung, gây ra xung đột nội lực khiến chàng suýt mất mạng. Sau đó, Lệnh Hồ Xung gặp Nghi Lâm và cha cô là Bất Giới Đại Sư. Bất Giới cũng truyền hai luồng chân khí của mình vào để chế ngự sáu luồng chân khí của Đào Cốc Lục Tiên, nhưng cũng không đạt được hiệu quả đáng kể.
Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, người yêu của Lệnh Hồ Xung, đã yêu cầu Bình Nhất Chỉ cứu chàng. Dù đã dốc hết sức lực, Bình Nhất Chỉ vẫn không thể chữa khỏi thương tích cho Lệnh Hồ Xung. Ông tỏ ra rất khâm phục hào khí của chàng, nhưng cũng buộc phải thừa nhận sự bất lực của mình.
Khi Bình Nhất Chỉ thú nhận không thể cứu được Lệnh Hồ Xung, Đào Cốc Lục Tiên liền trả thù bằng cách đặt ra câu hỏi: "Cứu một người thì giết một người. Nay không cứu được người thì giết ai?" Chính câu hỏi mang tính luận lý hình thức này đã khiến Bình Nhất Chỉ rơi vào trạng thái suy ngẫm sâu sắc, tiến thoái lưỡng nan. Với nguyên tắc sống của mình, nếu không cứu được ai, ông không thể "cân bằng" bằng cách giết một người khác. Cuối cùng, ông chọn cách tự sát bằng cách vận công tự cắt đứt kinh mạch, giữ đúng quy tắc của mình cho đến phút cuối cùng, xứng đáng với biệt hiệu "Sát nhân danh y" mà giang hồ đã đặt cho ông.
Cái chết của Bình Nhất Chỉ thể hiện sự cực đoan trong cách hành xử của ông. Dù là một danh y tài giỏi, ông lại bị ràng buộc bởi chính nguyên tắc do mình đặt ra, dẫn đến kết cục bi thảm.
Nhân vật này không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, mà còn là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta về sự nguy hiểm của việc sống quá cực đoan và mù quáng vào những nguyên tắc do chính mình tạo ra.
Quốc Tiệp (t/h)