Vị Chủ tịch và các đồng phạm đẩy hơn 1.000 người dân "sập bẫy"

Vị Chủ tịch và các đồng phạm đẩy hơn 1.000 người dân "sập bẫy"

Đỗ Tuấn Anh

Đỗ Tuấn Anh

Thứ 3, 02/08/2022 19:31

Tại phiên tòa sơ thẩm, hai bị cáo Nhâm Sỹ Phúc và Phạm Văn Lực đều khẳng định, ông Trung là người điều hành, chỉ đạo các hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo.

Ngày 2/8, phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ án Trần Đức Trung (cựu Chủ tịch HĐTV Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới) cùng 4 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã diễn ra tại Hà Nội.

Mở đầu phiên xét xử, thẩm phán Phạm Năng Thành - chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Nhâm Sỹ Phúc về sự chỉ đạo của bị cáo Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng (đã chết) đối với công việc mà Nhâm Sỹ Phúc đảm nhiệm?

Bị cáo Phúc cho biết, bản thân bị cáo chỉ biết làm theo yêu cầu của ông Trung trong công việc, chứ không được quyết định hay ký bất kỳ văn bản, giấy tờ gì liên quan của Trung tâm.

"Thời gian đầu khi bị cáo mới vào Trung tâm làm việc thì bị cáo chưa biết Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam thành lập, để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, “Liên kết ba miền” có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của các bị hại tại các tỉnh, thành phố", bị cáo Phúc trả lời trước HĐXX.

Sau đó, bị cáo Phúc cho biết, một thời gian sau khi có biết Trung tâm này có dấu hiệu “lừa đảo” thì bị cáo có làm đơn tố cáo đối với Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng.

Hồ sơ điều tra - Vị Chủ tịch và các đồng phạm đẩy hơn 1.000 người dân 'sập bẫy'

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm

Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Phúc gửi lời xin lỗi tới các bị hại khi bản thân bị cáo vì chưa phân tích vấn đề một cách thận trọng, thấu đáo nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc này.

Khi được hỏi về vai trò của Trần đức Trung và Lê Thị Hằng, bị cáo Phạm Văn Lực cho biết, bản thân được bổ nhiệm làm chuyên viên phát triển thị trường nhưng mọi văn bản giấy tờ của Trung tâm thì đều do bà Hằng ký, và sự chỉ đạo điều hành thì phần lớn do ông Trung chỉ đạo, bị cáo không được tham gia vào quá trình ký duyệt các văn bản này.

Bị cáo Lực cho biết, chính người thân và gia đình của bị cáo cũng tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”, “Liên kết ba miền” do Trung tâm chào mời.

Có mặt tại phiên xét xử sơ thẩm, vợ bị cáo Lực thông tin với HĐXX đã khắc phục thiệt hại do chồng mình gây ra với các bị hại, có giấy tờ nộp tiền và đã gửi đến cơ quan CSĐT.

Tuy nhiên chủ tọa phân tích, số tiền mà vợ bị cáo Lực đã nộp khắc phục thì nằm ngoài và không liên quan đến tất cả các bị hại đang có mặt tại phiên xét xử ngày hôm nay.

Chủ tọa Phạm Năng Thành khẳng định bằng việc hỏi lại tất cả các bị hại trong phiên xét xử: “Trong các bị hại hiện đang có mặt tại đây, có bị hại nào đã nhận được một phần hoặc tất cả số tiền do vợ bị cáo Lực trả hay chưa?”

Các bị hại đều trả lời chủ tọa là chưa có ai nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ vợ bị cáo Lực.

Là bị cáo trong vụ án, Bùi Thị Oanh khai tại toà, mỗi hợp đồng nếu giới thiệu được về cho Trung tâm thì bị cáo sẽ nhận được số tiền là 50.000 đồng.

Chủ tọa hỏi về chi tiết bị cáo Oanh có chuyển 4 tỷ đồng cho bị cáo Phan Thị Thoa với mục đích gì?

Bị cáo Oanh trả lời, số tiền 4 tỷ đồng đó là bị cáo chuyển với mục đích gì sẽ hoàn trả cho các bị hại. Chứ không phải vì mục đích cá nhân hay với mục đích nào khác.

Truy hỏi về số tiền 4 tỷ đồng, tại phiên toà, bị cáo Thoa cho biết, không có chuyện đó và không nhận được số tiền đó, chứng minh là qua tài khoản ngân hàng của mình thì bị cáo không nhận được 4 tỷ đồng từ bà Oanh.

Tuy nhiên qua chứng cứ từ cơ quan CSĐT, HĐXX cung cấp thông tin bị cáo Thoa đã chuyển tiền cho mẹ (bà Nguyễn Thị Huệ) giữ với số tiền là 2,9 tỷ đồng. Số tiền còn lại bị cáo Thoa tiếp tục chuyển cho một số người thân.

Trước chứng cứ từ HĐXX đưa ra, bị cáo Thoa đã thừa nhận hành vi chuyển số tiền 4 tỷ đồng cho một số người thân của mình.

HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Thoa, như vậy số tiền 4 tỷ đồng trên được bà Oanh chuyển bằng tiền mặt cho bị cáo thì bị cáo đã khắc phục thiệt hại được bao nhiều với các bị hại?

Bị cáo Thoa thông tin với HĐXX, đã khắc phục và nộp lại là 300.000.000 đồng.

Sáng ngày 3/8, phiên tòa xét xử sơ thẩm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi đối với bị cáo Trần Đức Trung.

Theo hồ sơ vụ án, Trần Đức Trung cùng đồng phạm đã thống nhất đưa ra chính sách nhằm thu hút người tham gia “Câu lạc bộ tích lũy làm giàu” và giao cho bị can Phạm Văn Lực với vai trò là Chủ tịch câu lạc bộ đã ký Bản quy định cho hội viên tham gia, có nội dung: mỗi hội viên mua một hộp thực phẩm chức năng với giá 1.200.000 đồng để ủng hộ trung tâm, mua đủ 12 tháng sẽ nhận được tiền hỗ trợ, nhưng không quy định số tiền rõ ràng.

Sau khi Bản quy định được ký, từ tháng 6/2016, mỗi người dân nộp 1.200.000 đồng theo hai gói chính sách hỗ trợ, sau 6 tháng sẽ được Trung tâm hỗ trợ lại từ 5.250.000 - 5.700.000 đồng; từ mã thứ hai, người dân chỉ phải đóng 700.000 đồng (lợi nhuận từ 437,5% - 814%) và số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Ngoài ra, sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận một sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh, sách báo, trị giá khoảng 150.000 đồng. Nếu giới thiệu người khác tham gia sẽ được thưởng 500.000 đồng/người.

Qua chương trình “Liên kết ba miền”, các bị can tiếp tục thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người tham gia trên khắp cả nước. Sau đó, bị can Trung chi trả một phần tiền cho những người tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”, còn lại chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.