Trước nạn buôn bán động vật trái phép ngày càng gia tăng, Trần Việt Hưng, vị Phó giám đốc trẻ tuổi của trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) được coi là một trong những người tiên phong và định hướng cho giới trẻ trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.
Không chọn cách ngồi một chỗ và chờ mọi thứ tốt đẹp hơn, Hưng cùng đội ngũ tuyên truyền viên trẻ đầy nhiệt huyết bảo vệ động vật hoang dã bằng những hành động thầm lặng nhưng thiết thực của mình.
Độc đáo lối truyền thông... ngược
Trao đổi với PV, Hưng cho biết, truyền thông đóng vai trò khá quan trọng cho công việc của mình, bởi bản chất hoạt động của trung tâm thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của cộng đồng. Nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì việc người dân vẫn hồn nhiên đi ăn đặc sản nhà hàng được chế biến từ thú rừng quý hiếm hay sử dụng những loại thuốc quý như cao hổ, mật gấu... nhằm chữa bách bệnh cũng là vi phạm ở các mức độ khác nhau.
Từ đó, Hưng nảy ra sáng kiến sản xuất những thước phim ngắn khoảng trên 1 phút nhằm mục đích thức tỉnh người xem. Hưng chủ động kêu gọi báo đài ủng hộ phát miễn phí trên nhiều kênh thông tin, truyền hình..., bởi trên thực tế trung tâm không có chi phí dành cho truyền thông.
Trần Việt Hưng đại diện cho Trung tâm trao giấy chứng nhận của Appreciation cho giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong một sự kiện làm phim về "Bảo vệ động vật hoang dã với người nổi tiếng".
Hưng đã chủ động kêu gọi và thiết lập đội ngũ cộng tác viên trẻ đầy nhiệt huyết cùng tham gia bảo vệ động vật hoang dã. Phương pháp truyền thông cũng có nhiều điều khác biệt và khá độc đáo. Hưng không đi theo lối mòn trong quan niệm về đối tượng cần nâng cao nhận thức là giới trẻ mà trái lại Hưng đặt niềm tin ở thế hệ này.
Đối với Hưng, cái khó là việc nâng cao nhận thức cho chính những bậc phụ huynh, bởi nhiều khi những quan niệm, hành động bàng quan trước cái xấu đã trở thành thói quen và không có ý thức ngăn chặn.
"Sứ mệnh của giới trẻ rất quan trọng, bởi các bạn chính là người lĩnh hội kiến thức mới và có trách nhiệm truyền đạt lại cho chính bố mẹ, người thân của mình. Tôi thường gọi vui đó là một cách tiếp lửa nhiệt huyết để giới trẻ "giáo dục" ngược lại người lớn. Thành công của phương pháp này đôi khi nằm trong chính sự đơn giản, chẳng hạn như nhiều em nhỏ chủ động nhìn ra những sai trái của bố mẹ mình để nhắc nhở" - Hưng nói.
Cái khác biệt trong chiến lược là bảo vệ động vật hoang dã thông qua việc ngăn chặn những vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Từ đó, Hưng dần nhận thức một cách đúng đắn về công việc "bảo tồn" của mình. Quyết liệt tác động vào ý thức và định hướng hành động cho giới trẻ thế nào để vừa tuân thủ theo quy định của pháp luật vừa mang tính nhân văn là định hướng xuyên suốt trong công việc của vị giám đốc trẻ này.
Rong ruổi với những chuyến đi
Hưng tâm sự chân thành: "Có những đêm, đặt lưng xuống giường, tôi vẫn thấy văng vẳng đâu đây tiếng kêu cứu xé lòng của những con voọc đang bị xẻ thịt làm mồi nhậu, những con gấu bị lấy mật ở những trang trại nuôi gấu...".
Chia sẻ về mình, vị phó giám đốc trẻ Trần Việt Hưng thường nói vui đó là một cuộc sống gói gọn trong những chuyến đi. Hưng không quan niệm đi nghĩa là những ngày tháng lặn lội trong rừng sâu núi hiểm mà mục đích của Hưng chủ yếu làm công tác tuyên truyền sao cho hiệu quả, để mỗi người dân sẽ "tự ngăn chặn" những hành động từ vô tình đến cố ý của mình.
Tuy nhiên, tâm đắc nhất với Hưng chính là mạng lưới tình nguyện viên mà anh dày công tuyển mộ và đào tạo. Hưng tự hào cho biết, mạng lưới này hiện nay đã lên tới 3.500 thành viên và hầu hết là những người trẻ đầy nhiệt huyết và tận tâm với công việc trên 32 tỉnh thành, trong đó có 9 câu lạc bộ. Mô hình tình nguyện viên này hoạt động rất thầm lặng.
Hàng tháng, Hưng gửi cho đội ngũ này danh sách các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận nào đó đang có dấu hiệu vi phạm như quảng cáo trên thực đơn, nuôi nhốt, giết mổ động vật hoang dã để chế biến món ăn. Những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi các bạn tình nguyện viên phải khá nhanh nhạy để đối phó với mọi tình huống.
Đội ngũ tình nguyện viên của ENV
Hưng chia sẻ, để tiếp cận với những cơ sở có dấu hiệu vi phạm, nhiều thành viên đã nhanh trí đóng giả làm thực khách đến đột nhập vào nhà hàng để xem thực đơn cũng như tiếp cận với "đối tượng". Từ đó, họ vận dụng những kỹ năng được đào tạo để nâng cao nhận thức cho đối tượng bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ thuyết phục chủ nhà hàng chấm dứt hành vi vi phạm hoặc nếu khó khăn hơn nữa buộc phải báo cáo cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.
Mặc dù thời gian đào tạo kỹ năng thuyết phục cơ bản chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 - 2 ngày nhưng khi đào tạo, Hưng chú trọng về những kỹ năng: Định dạng, nhận diện vi phạm, thuyết phục... và sau đó là có một buổi tình nguyện viên của trung tâm tham gia cùng.
Hương chia sẻ: "Đây không chỉ đơn thuần là công việc mang tính chất người nghe - kẻ nói đơn thuần mà xuất hiện nhiều tình huống khó đỡ, thậm chí nguy hiểm sẽ xảy ra". Hưng rất khâm phục đội ngũ tình nguyện viên của mình, bởi bản lĩnh và nhiệt huyết cũng như sự mưu trí của những người trẻã.
Nhiều khi, chính bản thân Hưng cũng là người trực tiếp tham gia cùng đoàn khảo sát. Nhiều cửa hàng khi mới tiếp xúc còn tưởng anh là một kẻ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". "Mới đầu, họ còn gạ gẫm mình tham gia vào đường dây tiêu thụ mật gấu để kiếm thêm thu nhập, nhưng bằng công tác thuyết phục giàu ý nghĩa nhân văn, phần lớn họ đều nghe ra và cam kết không tái phạm" - Hưng cho biết.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong công cuộc giải cứu động vật hoang dã mà Hưng theo đuổi phải kể đến sự kiện "trả rùa quý cho hoàng gia Campuchia" mà chính Hưng trong một lần đi cùng với một đồng nghiệp của trung tâm khảo sát đã phát hiện ra cá thể rùa này ở Suối Tiên (TP.HCM) vào tháng 11/2010.
Cá thể rùa này có tên là Batagur hay rùa hoàng gia, chỉ có ở Campuchia. Càng quý hơn nữa, khi phát hiện ra đây là con rùa cái, lập tức Hưng đã lên đường sang tận Campuchia và thuyết phục tổng cục Nghề cá bên phía nước bạn gửi công văn sang để nhận rùa.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm công tác trao trả rùa, Hưng phải mất gần hai năm để thuyết phục đại diện khu du lịch Suối Tiên cũng như làm các thủ tục để hợp thức hóa việc giải cứu. Thậm chí, có những thời điểm, việc giải cứu nguy cơ đi vào ngõ cụt do những rắc rối trong thủ tục xin cấp phép, Hưng nghĩ ra một cách đến gõ cửa đại biểu quốc hội Đoàn Thị Thùy Trang (Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) để nhờ sự giúp đỡ trong việc xin ký giấy để chuyển cá thể rùa về nước. "Cũng may, việc giải cứu đã thành công tốt đẹp, còn tôi đã mất gần hai năm để theo đuổi công việc này" - Hưng nói.
Một kỷ niệm khác, vào năm 2010 đã diễn ra "triển lãm 1.000 con rùa" tại vườn sinh thái Đầm Bông để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chính Hưng là người đầu tiên tham gia triển lãm không phải với mục đích thưởng thức mà để dịnh dạng tất cả các cá thể rùa để tìm ra những loài quý hiếm, không có nguồn gốc có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Từ đó, Hưng tìm đến nhờ sự trợ giúp của các cơ quan báo đài và đoàn thanh tra đã trực tiếp về kiểm tra và xử lý vi phạm bằng cách thuyết phục chủ nhân của chúng đưa những cá thể rùa quý hiếm về bảo tàng để tiện cho việc nghiên cứu và chăm sóc. Qua sự kiện này, Hưng chủ động thuyết phục bác tham gia vào công tác bảo vệ động vật hoang dã cùng mình. Đến nay, bác chính là một thành viên tích cực và có nhiều thành quả tốt đẹp trong công tác này.
Hưng tâm sự, một trong những việc làm anh khá đau đầu khi làm công tác truyền thông là ngay chính các tình nguyện viên lại vô tình vi phạm. Hưng kể rằng, có những bạn khi phát hiện ra một cá thể quý hiếm nào đó có nguy cơ bị mua bán liền nóng vội giải cứu bằng việc... bỏ tiền ra mua chúng về.
Với những trường hợp này, Hưng phải tư vấn để cho các bạn hiểu: "Cần phải hiểu rằng, không bao giờ được phép mua, dù với giá rẻ, bởi nếu người sở hữu chúng thấy vẫn có lợi nhuận từ việc mua bán thì sẽ càng thôi thúc việc săn bắn...".
Không được mua bán động vật hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào Hưng cho biết thêm, ngay cả việc bỏ tiền ra mua động vật hoang dã để phóng sinh là điều không nên làm, bởi nếu xét về đạo đức thì rất tốt, nhưng dưới góc độ pháp luật thì mình lại là đối tượng vi phạm. Mặt khác, hành động đó cũng đi ngược với quy định về việc bảo tồn, bởi bản thân người phóng sinh không phải là chuyên gia nên không thể nhận định được cá thể đó tình trạng sức khỏe thế nào, nếu thả về tự nhiên thì tác động tích cực hay tiêu cực. Khái niệm giải cứu nghĩa là hướng tới những con còn lại trong tự nhiên nên đôi khi phải chấp nhận hi sinh những con đã bị nuôi nhốt. |
Linh Nhi